Đảm bảo an toàn các công trình cầu phao dân sinh
Nguy hiểm rập rình trên cây cầu phao xuống cấp
Tồn tại từ hàng chục năm nay, những chiếc cầu phao đã trở nên quen thuộc và không thể thiếu trong cuộc sống của người dân nghèo dọc các con sông. Những ai chưa từng đi trên loại phương tiện phục vụ giao thông này khi bước xuống cầu lần đầu tiên đều có cảm giác sợ hãi vì độ chòng chành, bập bềnh như say sóng.
Nguy hiểm hơn, những chiếc cầu này đã có tuổi thọ hàng chục năm và chúng được làm bằng những vật liệu tận dụng cũ nát như thuyền nan, thuyền câu cũ, thanh tre làm tay vịn, và những tấm gỗ lát cầu có những đoạn đã mục nát, chỉ cần dẫm chân mạnh cũng gây thủng. Có những cây cầu bề rộng chỉ chừng 1m, không có lan can chắn, chỉ cần sơ ý là cả xe lẫn người đều rơi xuống sông.
Tai nạn xảy ra trên cầu phao sông Mã rạng sáng ngày 4/2/2022 khiến một người tử vong |
Thanh Hoá là một tỉnh có rất nhiều sông, suối. Đặc biệt ở các khu vực vùng sâu vùng xa, trước kia người dân phải di chuyển bằng đò, phà rất nguy hiểm nay đã được thay bằng những chiếc cầu phao di động.
Tuy nhiên, qua thời gian hàng chục năm sử dụng, nhiều cây cầu phao đã xuống cấp nghiêm trọng và đang trong tình trạng rất nguy hiểm. Vào mùa bão lũ, hàng vạn người dân ở các huyện Thọ Xuân, Bá Thước, Cẩm Thủy, Nông Cống (tỉnh Thanh Hóa)... sống trong vùng chia cắt bởi các con sông vẫn ngày đêm đối mặt với nguy hiểm khi qua lại các cầu phao dân sinh tạm bợ đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng.
Cầu phao bắc qua sông Mã – đoạn thuộc xã Cẩm Giang, huyện Cẩm Thủy (tỉnh Thanh Hóa) đã bị xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông. Cây cầu không có lan can, nổi lềnh bềnh trên mặt nước, mỗi khi có người qua lại thì bị rung lắc, chòng chành. Người dân tại đây cho biết, cầu phao này đã được xây dựng từ năm 2012.
Mặc dù, biết đi qua cầu nguy hiểm nhưng do đây là con đường duy nhất nên mỗi ngày vẫn có khoảng 1.000 người dân, các em học sinh các xã Cẩm Giang, Cẩm Quý, Cẩm Tú, Cẩm Lương, Thị trấn Cẩm Thủy và khách vãng lai qua sông Mã trên chiếc cầu này. đi lại qua sông.
Nơi đây đã xảy ra các vụ tai nạn đuối nước do người dân đi qua cầu trong mùa mưa bão. Rạng sáng 4/2, một vụ tai nạn trên cầu phao bắc qua sông Mã, đoạn qua địa bàn thôn Hoàng Vĩnh, xã Cẩm Phú, huyện Cẩm Thuỷ (Thanh Hoá) khiến cả người và phương tiện xe máy rơi xuống sông gây tử vong.
Điều đáng nói là sau những vụ việc đau lòng như trên, những chiếc cầu phao vẫn giữ nguyên hiện trạng cho đến tận bây giờ, không hề được đảm bảo an toàn cho người đi lại.
Siết chặt quản lý các cầu phao trước mùa mưa lũ
Trước thực trạng đó, các ngành chức năng, các địa phương có cầu phao cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm quy định khi lưu thông trên cầu, nhất là vào mùa mưa lũ.
Cùng với đó, chính quyền địa phương và đơn vị, cá nhân quản lý cần thực hiện nghiêm ngặt quy trình vận hành cầu phao, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Huyện Thọ Xuân (Thanh Hoá) hiện có 3 cầu phao dân sinh đang hoạt động bắc qua sông Chu, đó là: Cầu phao xã Xuân Hòa đi xã Xuân Tín, cầu phao xã Thọ Hải đi xã Thuận Minh và cầu phao xã Thọ Diên đi xã Xuân Thiên. Đến nay sau nhiều năm sử dụng hiện xuống cấp nghiêm trọng, nhiều hạng mục cũ nát, xập xệ gây nguy hiểm cho người dân tham gia giao thông.
Huyện Thọ Xuân (Thanh Hoá) sữa chữa lại cầu phao đảm bảo an toàn trước mùa mưa bão |
Vì vậy, trước mùa mưa bão, UBND huyện Thọ Xuân đã yêu cầu các đơn vị quản lý, khai thác và vận hành các cầu phao của huyện tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông qua cầu.
Do đó, để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện đi lại qua cầu phao, UBND huyện Thọ Xuân đã yêu cầu các Tổ cầu đang khai thác, vận hành cầu phao, tăng cường kiểm tra định kỳ các thiết bị an toàn như: Lan can 2 bên cầu, dầm mặt cầu, đường lên xuống 2 bên cầu... nhằm kịp thời phát hiện hư hỏng có phương án sửa chữa, thay thế.
Trong quá trình vận hành, thường xuyên nhắc nhở người qua cầu tuân thủ nghiêm quy định, nội qui khi lên xuống như: Xếp hàng hóa lai đèo, phương tiện qua lại lưu thông qua cầu...
Ngoài ra, từ tháng 4/2021, UBND huyện Thọ Xuân đã yêu cầu các đơn vị khai thác, vận hành cầu phao bố trí dụng cụ nổi và phao cứu sinh dọc 2 bên cầu phao hòng xảy ra sự cố kịp thời ứng cứu. Mặt khác, trong những ngày mưa bão, tăng cường nhân lực trực 24/24h, theo dõi diễn biến thời tiết, khi nước lũ lên cao sẽ tiến hành cắt cầu.
Dự báo năm nay thời tiết sẽ có diễn biến bất thường. Do đó, các đơn vị đang quản lý, vận hành cầu phao của huyện Thọ Xuân cần tiếp tục chủ động tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và phương tiện đi lại trên các cầu phao, nhất là trong mùa mưa bão.