Đảm bảo an toàn, công khai giá cước vận tải dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5
Không để xảy ra tình trạng xe chở quá tải
Để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong dịp nghỉ lễ sắp tới, Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội đã có kế hoạch tổ chức vận tải hành khách. Theo Giám đốc Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội Phạm Mạnh Hùng, do kỳ nghỉ lễ năm nay kéo dài 5 ngày liên tục (từ ngày 29/4 đến hết 3/5), trùng với dịp khai trương mùa du lịch nên nhu cầu đi lại tăng mạnh. Lưu lượng hành khách phân bố không đồng đều, tập trung vào một số địa phương, đặc biệt những địa phương có điểm tham quan, du lịch.
Một số tuyến dự kiến sẽ có lượng hành khách tăng mạnh: Hà Giang, Quảng Ninh, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Bình, Lào Cai, Sơn La. Lưu lượng hành khách sẽ bắt đầu tăng cao từ chiều tối 28/4 đến hết ngày 4/5.
Trên cơ sở đó, Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội cũng đưa ra dự báo lưu lượng hành khách qua bến trong kỳ nghỉ lễ. Cụ thể, tại bến xe Giáp Bát, lượt khách cao nhất trong các ngày cao điểm khoảng 18.000 lượt/ngày, tăng 300% so với ngày thường; lượt xe dự kiến là 900 lượt xe/ngày. Khách tăng tập trung chủ yếu các tuyến Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa.
Các đơn vị vận tải, bến xe thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo an toàn, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Ảnh minh hoạ |
Tại bến xe Gia Lâm, lượt khách cao nhất trong các ngày cao điểm khoảng 8.000 lượt khách/ngày, tăng khoảng 250% so với ngày thường, lượt xe dự kiến là 500 lượt xe/ngày, chủ yếu tập trung ở các tuyến như Hải Phòng, Quảng Ninh…
Tại bến xe Mỹ Đình, lượng khách trong các ngày cao điểm khoảng 18.000 lượt/ngày, tăng hơn 300% so với ngày thường, lượt xe dự kiến hơn 900 lượt xe/ngày, chủ yếu ở các tuyến đường: Lào Cai, Phú Thọ, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Quảng Ninh, Cao Bằng…
“Mặc dù, lượng khách và lượng xe tăng hơn so với ngày thường, nhưng dự báo chỉ đạt mức tương đương lượng xe, lượng khách trong các dịp nghỉ lễ vừa qua và không vượt khả năng đáp ứng của các xe vận hành theo biểu đồ trên tuyến. Do đó, lượng xe trên tuyến sẽ cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân”, ông Phạm Mạnh Hùng cho hay.
Tuy nhiên, cũng theo Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội, các đơn vị vẫn cần có lượng xe dự phòng kịp thời giải tỏa vào các thời gian cao điểm tại các tuyến có lượng khách đột biến. Công ty dự kiến đề xuất Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cấp khoảng 400 tem tăng cường trong đợt phục vụ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và kỳ nghỉ 30/4, 1/5.
Bên cạnh đó, công ty cũng phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng, tăng cường kiểm tra, giám sát, không để xảy ra tình trạng xe chở quá tải, bán vé cao hơn giá quy định…; Kịp thời phát hiện và xử lý những trường hợp phương tiện, người lái không đầy đủ giấy tờ, hoặc giấy tờ không hợp lệ...
Công khai minh bạch giá cước vận tải
Bộ Giao thông Vận tải vừa có công văn gửi các cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan yêu cầu tăng cường các giải pháp nhằm phục vụ tốt nhu cầu đi lại của Nhân dân, bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4 và 1/5 sắp tới.
Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu, Cục Đường bộ Việt Nam hướng dẫn, đôn đốc các sở giao thông vận tải địa phương chỉ đạo các đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe thực hiện công khai, minh bạch và đúng quy định về giá cước vận tải, các loại giá, phí dịch vụ tại bến xe; Kiểm tra chặt chẽ điều kiện an toàn của phương tiện và lái xe trước khi xuất bến; Nhắc nhở hành khách thắt dây an toàn khi được chở trên phương tiện; Niêm yết các thông tin theo quy định.
Đặc biệt phía trong khoang hành khách của phương tiện chở khách phải niêm yết biển kiểm soát của phương tiện và số điện thoại của cơ quan chức năng để hành khách biết và phản ánh qua đường dây nóng…
Cục Đường bộ Việt Nam có trách nhiệm phối hợp với các sở giao thông vận tải quản lý hoạt động của phương tiện kinh doanh vận tải (về tốc độ, hành trình hoạt động, thời gian lái xe liên tục và thời gian làm việc trong ngày của lái xe...) thông qua trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình.
Chỉ đạo lực lượng thanh tra phối hợp với Sở Giao thông Vận tải Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương có nhiều “xe dù, bến cóc”, xe quá tải hoạt động để tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định.
.Ảnh minh hoạ |
Đối với các trạm thu phí đường bộ, nhà đầu tư BOT cần xây dựng phương án, kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự, phân luồng giao thông khi lưu lượng tham gia giao thông tăng đột biến, kịp thời xử lý, giải tỏa phương tiện hạn chế tình trạng ùn tắc trước khi vào trạm thu phí đường bộ.
Với lĩnh vực hàng không, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo các lực lượng an ninh hàng không, cảng hàng không tăng cường công tác kiểm soát an ninh, an toàn bay; Chỉ đạo các hãng hàng không xây dựng kế hoạch tăng chuyến bay phục vụ trong các ngày cao điểm, bố trí các giờ bay đêm để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách trên cơ sở phù hợp với hạ tầng và bảo đảm an toàn bay; Điều hành lịch bay hạn chế tối đa việc chậm chuyến, hủy chuyến. Thực hiện nghiêm túc việc niêm yết, công bố, công khai giá bán và mức giá vé theo quy định.
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam và các cảng hàng không tăng cường nhân lực, phương tiện trong khu vực cảng để thực hiện nhanh nhất công tác trả hành lý cho hành khách, tăng cường công tác thông tin tại các cảng hàng không để hành khách biết và lấy hành lý đúng khu vực quy định, tránh ùn tắc và gây bức xúc cho hành khách.
Phối hợp chặt chẽ với Sở Giao thông Vận tải và các lực lượng chức năng để tổ chức phân luồng giao thông, giảm thiểu ùn tắc giao thông tại các tuyến đường xung quanh khu vực cảng hàng không, đặc biệt tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài.