Đảm bảo lễ hội truyền thống Chử Đồng Tử - Tiên Dung diễn ra an toàn, văn minh
Lễ hội Gióng năm 2023 sẽ diễn ra trong 3 ngày |
Tiên Dung là con vua Hùng Vương thứ 18 đã kết duyên với chàng trai đánh cá nghèo nhưng rất mực hiếu thảo. Truyền thuyết kể rằng, Chử Đồng Tử - Tiên Dung không chỉ viết nên câu chuyện tình đẹp mà còn luôn cứu giúp người đời khỏi bệnh tật, tai ương.
Chính vì thế, Chử Đồng Tử được dân gian tôn vinh là một trong “Tứ bất tử” và được người đời sau thành kính, thờ phụng.
Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung xã Tự Nhiên được đánh giá là lễ hội đặc sắc, lưu giữ được nhiều giá trị văn hoá lâu đời |
Hàng năm, xã Tự Nhiên đều tổ chức lễ hội lớn để kỷ niệm ngày Đức thánh Chử Đồng Tử gặp công chúa Tiên Dung trên bãi cát của làng.
Đặc biệt, lễ hội diễn ra những nghi thức mang tính biểu tượng, thể hiện rõ rệt sự gắn kết chặt chẽ giữa đời sống văn hóa của người dân với dòng sông Hồng - đó là nghi thức rước nước và rước kiệu.
Năm 2023, lễ hội truyền thống Chử Đồng Tử - Tiên Dung sẽ diễn ra trong 4 ngày từ 17 - 20/5 (tức ngày 28/3 đến 2/3 Âm lịch). Trong đó, ngày 17/5 là ngày thực hiện các công tác chuẩn bị.
Ngày 18/5 diễn ra nghi thức rước nước; Tại sân đình sẽ diễn ra các hoạt động văn hóa truyền thống.
Ngày 19/5 là ngày chính hội với nghi thức khai mạc lễ hội được tổ chức cùng nhiều nghi lễ và diễn lại tích huyền thoại “Chử Đồng Tử gặp công chúa Tiên Dung” trên bãi tắm và du thuyền trên sông.
Phần hội được mở rộng với các hoạt động phong phú như: Múa rồng, múa sinh tiền, diễn xướng dân gian, văn nghệ, thể thao; Các trò chơi dân gian, hiện đại như hát quan họ, cờ người, thu hút đông đảo Nhân dân và du khách thập phương về dự lễ hội.
Để đảm bảo lễ hội diễn ra an toàn, văn minh, UBND xã Tự Nhiên đã ban hành các kế hoạch, quy chế, nội quy, thành lập Ban tổ chức, các Tiểu ban phục vụ lễ hội nhằm đảm bảo công tác tổ chức trang trọng, tiết kiệm, thiết thực, hiệu quả.
Ban Tổ chức yêu cầu không để xảy ra các hoạt động mễ tín dị đoan, hủ tục lạc hậu, các hoạt động có nguy cơ gây cháy, nổ, làm mất an ninh, trật tự và đoàn kết trong cộng đồng dân cư, phù hợp với quy mô, điều kiện thực tế của xã Tự Nhiên, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc của địa phương.
Đồng thời, công tác tuyên truyền, quảng bá cũng được Ban Tổ chức đẩy mạnh. Đó là việc vận động Nhân dân tham gia lễ hội, nghiêm túc thực hiện các quy định về thực hiện nếp sống văn minh, tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của người tham gia lễ hội với ý thức tôn trọng, bảo vệ và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, giá trị của di tích.
Lực lượng công an xã đã xây dựng phương án bảo vệ trật tự trước trong và sau lễ hội; Xây dựng nội quy trong lễ hội; Cam kết của các hàng ăn uống về giá và vệ sinh an toàn thực phẩm; Kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ tại đình - đền, an toàn trên đường thủy và các khu vực diễn ra lễ hội…
BTC nghiêm cấm các hoạt động mê tín, dị đoan, tổ chức trò chơi có tính chất cá cược, đánh bạc dưới mọi hình thức, các hoạt động đổi tiền có chênh lệch giá trong khu vực lễ hội. Huyện cũng yêu cầu việc tổ chức những trò chơi dân gian, hoạt động văn nghệ, thể thao trong khu vực lễ hội có nội dung bổ ích, lành mạnh, phù hợp với quy mô, tính chất, đặc điểm của lễ hội.
Huyện Thường tín cũng sẽ tăng cường lực lượng công an, lực lượng y bác sĩ, xe cứu thương, cứu hỏa thường trực trong các ngày diễn ra lễ hội nhằm đảm bảo công tác tổ chức một cách an toàn.
Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và Gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Bùi Minh Hoàng nhấn mạnh, cần chú ý tăng cường công tác đảm bảo an toàn trong những ngày diễn ra lễ hội, đặc biệt là dưới thời tiết nắng nóng, và các nghi lễ trên sông.
Đồng chí yêu cầu Ban Tổ chức lễ hội nghiêm túc triển khai công tác quản lý và tổ chức lễ hội, tăng cường hơn nữa công tác phòng chống cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm, phân luồng giao thông… đảm bảo lễ hội diễn ra an toàn, văn minh, để di tích là điểm đến hấp dẫn du khách gần xa.