Đánh giá 3 mỏ trữ lượng khoáng sản quốc gia ở Quảng Ninh và Đà Nẵng
Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng Đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia đã đóng góp ý kiến về 3 báo cáo gồm: Kết quả thăm dò than ở mỏ Đông Ngã Hai (thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh); kết quả tổng hợp tài liệu tính trữ lượng còn lại mỏ caolanh-pyrophilit Đèo Mây (xã Quang Lâm, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh); kết quả thăm dò nâng cấp trữ lượng mỏ nước khoáng Phước Nhơn (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng).
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên (bên trái) chủ trì cuộc họp |
Báo cáo kết quả thăm dò than mỏ Đông Ngã Hai, ông Nguyễn Hoàng Huân, đại diện Công ty Cổ phần Tin học, Công nghệ, Môi trường – Vinacomin (VITE) cho biết: Báo cáo được Công ty VITE lập theo các quy định hiện hành với đầy đủ cơ sở về tài liệu và pháp lý.
Kết quả báo cáo đã cung cấp tài liệu địa chất phục vụ lập dự án đầu tư khai thác mỏ; công tác nghiên cứu chất lượng than, khí mỏ, địa chất thủy văn - địa chất công trình… nhằm định hướng cho việc khai thác của khu mỏ.
Về kết quả tổng hợp tài liệu tính trữ lượng còn lại mỏ caolanh-pyrophilit Đèo Mây, đại diện chi nhánh Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư khoáng sản Việt, cho biết: Báo cáo tổng hợp tài liệu tính trữ lượng còn lại trong phạm vi Giấy phép khai thác số 410/GP-BTNMT ngày 14/4/2006 của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành trên cơ sở tổng hợp tài liệu báo cáo kết quả thăm dò năm 2005 cùng với tài liệu hiện trạng khai thác trong những năm qua tại mỏ.
Báo cáo kết quả thăm dò nâng cấp trữ lượng mỏ nước khoáng Phước Nhơn, ông Hồ Văn Thủy, đại diện Trung tâm Khoa học Công nghệ Mỏ và Môi trường thuộc Đại học Mỏ - Địa chất, đơn vị tư vấn của đề án thăm dò, cho biết: Công tác thăm dò nâng cấp trữ lượng mỏ nước khoáng Phước Nhơn đã được thực hiện đảm bảo các quy định hiện hành; nội dung khối lượng và các phương pháp thăm dò đảm bảo mục đích nhiệm vụ đề ra.
Theo đó, trữ lượng khai thác tại mỏ nước khoáng được đánh giá có độ tin cậy cao, kết quả xếp cấp trữ lượng như sau: trữ lượng cấp B là 174 m3/ngày; tài nguyên dự tính cấp C1 là 251 m3/ngày.
Kết quả thăm dò đã xác định được đới phòng hộ vi sinh với 3 đới hình tròn có tâm bán kính được tính từ trung điểm đường nối 2 lỗ khoan với nhau: đới phòng hộ nghiêm ngặt 15 m, đới phòng hộ vi sinh 82,5 m và đới phòng hộ hóa học là 600,5 m.
Đánh giá các báo cáo, ông Phạm Văn Hưng, Thư ký Hội đồng, cho biết: Các báo cáo cơ bản đã tổng hợp đủ các tài liệu, tính trữ lượng còn lại trong diện tích của mỏ; đạt mục tiêu thăm dò nâng cấp nước khoáng... Kết quả tính trữ lượng còn lại tại mỏ đảm bảo độ tin cậy và chấp nhận được.
Tuy nhiên, trong quá trình khai thác, các chủ đầu tư cần có những biện pháp kỹ thuật hợp lý, tiến hành quan trắc theo yêu cầu, chuyên môn định kỳ; áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường... Trên cơ sở đó, ông đề nghị Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia xem xét, phê duyệt các báo cáo để các công ty thực hiện các thủ tục đưa mỏ tiếp tục vào khai thác.
Sau khi nghe các báo cáo và góp ý của các thành viên Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trưởng Trần Quý Kiên cho rằng các đề án đã được giám sát rất chặt chẽ, cơ bản đap ứng được yếu cầu nhiệm vụ đề ra, do vậy Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia nên bổ sung, hoàn thiện thêm các chương trình thiết kế khai thác, cụ thể như thiết kế mỏ than… để đảm bảo kỹ thuật hiện hành, có tính khả thi; đồng thời đảm bảo an ninh năng lượng trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Trần Quý Kiên và các thành viên Hội đồng thống nhất thông qua các báo cáo và yêu cầu các đơn vị tư vấn hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép bổ sung để xem xét, sớm trình phê duyệt hồ sơ.