Đánh giá về vai trò của di sản văn hóa trong Thành phố Sáng tạo Hà Nội
Hà Nội tổ chức kỷ niệm lần thứ XVIII Ngày Di sản văn hóa Việt Nam |
Tham gia tọa đàm có nhiều chuyên gia đến từ các lĩnh vực đô thị, di sản và công nghiệp văn hóa - sáng tạo nhằm chia sẻ các góc nhìn khác nhau về vai trò của di sản văn hóa và mối quan hệ của di sản với Thành phố Sáng tạo Hà Nội. Buổi tọa đàm đã thu hút sự tham dự của đông đảo sinh viên trong trường và những người yêu di sản của Hà Nội.
PGS. TS Nguyễn Văn Hiệu - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu khai mạc tọa đàm |
Phát biểu khai mạc tọa đàm, PGS, TS Nguyễn Văn Hiệu, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học liên ngành chia sẻ: “Sự kiện Hà Nội được UNESCO công nhận là một thành viên của mạng lưới các thành phố sáng tạo trên thế giới không chỉ là sự thừa nhận mà còn là bước khởi đầu cho một chương trình hành động của những người yêu thành phố này, nhằm hướng tới Hà Nội sẽ trở thành điểm đến sáng tạo của khu vực trong một tương lai không xa.
Trong hành trình đi tìm sự sáng tạo đó, xu thế, cách thức vận động của các di sản văn hóa chắn chắn sẽ là một phần tất yếu trong sự phát triển của thành phố. Mặc dù là một đơn vị đào tạo và nghiên cứu còn tương đối trẻ trong các hoạt động liên quan đến sáng tạo và nghệ thuật, nhưng Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội luôn ý thức được vị trí cũng như trách nhiệm xã hội của mình vào quá trình chuyển đổi của thành phố sáng tạo Hà Nội.
Tiếp nối các giá trị học thuật đề cao tinh thần khai phóng, di sản bản địa và tiếp cận liên ngành của các thế hệ tiền bối đi trước, cả ba bộ môn trực thuộc Khoa là Di sản học, Công nghiệp văn hóa và sáng tạo, Đô thị và Kiến trúc bền vững đã cùng nhau lên ý tưởng và xây dựng nội dung tổ chức cho buổi tọa đàm ngày hôm nay.
Buổi tọa đàm không chỉ đơn giản là nơi giới thiệu các quan điểm học thuật mà nó còn thể hiện những trăn trở, suy tư của các giảng viên, nhà khoa học của Khoa từ nhiều góc nhìn khác nhau trong việc tìm kiếm các chiều cạnh sáng tạo của Hà Nội từ trong di sản. Chúng tôi tin rằng, sự đối thoại cởi mở và tinh thần chia sẻ hợp tác sẽ là một trong những phương thức tốt nhất cho những người yêu Hà Nội có thể làm việc cùng nhau để tạo nên những giá trị mới và sáng tạo cho thành phố”.
PGS. TS Phạm Quỳnh Phương - Chủ nhiệm bộ môn Công nghiệp văn hóa - sáng tạo trình bày báo cáo đề dẫn |
Tiếp sau đó, đại biểu được nghe đề dẫn của PGS. TS Phạm Quỳnh Phương - Chủ nhiệm bộ môn Công nghiệp văn hóa - sáng tạo với chủ đề “Di sản văn hóa và mối quan hệ với Thành phố Sáng tạo”.
Tại buổi tọa đàm, 5 báo cáo chuyên đề với những góc nhìn đa chiều được các giảng viên trình bày. Đó là: “Cảnh quan/dòng chảy di sản (heritage-scape) và mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (PGS. TS Nguyễn Thị Hiền - Chủ nhiệm Bộ môn Di sản học”; “Sáng tạo và di sản trong kiến trúc” (TS Lê Phước Anh - Chủ nhiệm Bộ môn Đô thị và Kiến trúc bền vững); “Nhà tập thể và không gian sáng tạo đương đại ở Hà Nội” (TS Trần Hậu Yên Thế, giảng viên bộ môn Công nghiệp văn hóa - sáng tạo); “Xây dựng sản phẩm du lịch theo quan điểm sáng tạo, góp phần định vị điểm đến Hà Nội” (TS Nguyễn Thu Thủy, giảng viên bộ môn Công nghiệp văn hóa - sáng tạo) và “Phát huy giá trị của nghệ thuật biểu diễn truyền thống trong bối cảnh Hà Nội tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO” (TS Lư Thị Thanh Lê, giảng viên bộ môn Công nghiệp văn hóa - sáng tạo).
Các diễn giả tham gia thảo luận tại tọa đàm |
Các báo cáo chuyên đề có chất lượng cao, được chuẩn bị chu đáo, công phu, thể hiện sự nghiêm túc, tâm huyết, trách nhiệm của các diễn giả đối với vấn đề di sản của Hà Nội - Thành phố Sáng tạo. Đồng thời, các diễn giả cũng đã tham gia phần thảo luận nhằm làm rõ hơn, sâu sắc hơn những vấn đề được đưa ra trong các báo cáo chuyên đề cũng như giải đáp các câu hỏi từ các sinh viên, những người quan tâm, yêu di sản của Thủ đô.
Phần thảo luận diễn ra rất sôi nổi với nhiều câu hỏi, nhiều thông tin hữu ích, nhiều chiều về di sản, về các vấn đề đặt ra trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản trong Thành phố Sáng tạo Hà Nội…