Hà Nội tổ chức kỷ niệm lần thứ XVIII Ngày Di sản văn hóa Việt Nam
Quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) chăm lo bảo tồn, phát huy giá trị di sản |
Tới dự buổi lễ có các đồng chí: Trần Thị Vân Anh - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội; PGS, TS Trần Lâm Biền - Nhà nghiên cứu Văn hóa; PGS, TS Đỗ Văn Trụ - Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam; GS, TS Lê Hồng Lý - Chủ tịch Hội văn nghệ dân gian Việt Nam; Trương Minh Tiến - Chủ tịch Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Hà Nội.
Đồng chí Trần Thị Vân Anh - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phát biểu tại buổi lễ |
Sự kiện cũng có sự tham dự của các giáo sư, tiến sỹ, các nhà khoa học, các nghệ nhân; Đại diện phòng Văn hóa và Thông tin các quận, huyện, thị xã, một số xã, thị trấn; Câu lạc bộ, các cán bộ làm công tác quản lý di sản văn hóa của Thủ đô…
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Trần Thị Vân Anh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khẳng định: “Năm 2022 là năm đầy ấn tượng, ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội trong việc duy trì các hoạt động văn hóa thể thao, đặc biệt, lĩnh vực di sản văn hóa đã hoạt động trở lại bình thường sau 2 năm chịu nhiều khó khăn, thách thức bởi dịch bệnh COVID-19”.
Trải qua giai đoạn đặc biệt khó khăn do dịch bệnh COVID-19 gây ra, ngành Di sản Văn hóa Thủ đô với những nỗ lực mạnh mẽ đã từng bước phục hồi, thích ứng với tình hình chung của đất nước, vừa đảm bảo sự an toàn tại các trụ sở làm việc của ngành, các điểm di tích, di sản, vừa đổi mới tổ chức nhiều hình thức để bảo tồn, phát huy giá trị các di sản.
Các tiết mục biểu diễn trong chương trình |
Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tham mưu để Thành ủy, UBND Thành phố sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô với những điều, khoản cụ thể trong lĩnh vực văn hóa; Tham mưu để Thành ủy ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Đây được coi là bước đột phá trong phát triển văn hóa Thủ đô, nhằm đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển văn hóa, cải thiện chất lượng văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân Thủ đô, thu hẹp dần khoảng cách, nâng cao khả năng thụ hưởng văn hóa giữa các vùng của Thủ đô, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, gia tăng tỷ trọng đóng góp vào GRDP của Thành phố….
Các quận, huyện, thị xã có nhiều sáng tạo trong triển khai thực hiện các chương trình công tác của thành phố, chú trọng đầu tư cho phát triển văn hóa, bảo tồn di sản, xây dựng Hà Nội - Thành phố Sáng tạo. Nhiều không gian văn hóa dành cho cộng đồng được ưu tiên như: Phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ); Phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây)…
Đặc biệt đã có những dự án sáng tạo từ nguồn lực văn hóa với sự tham gia của các doanh nghiệp như: Trung tâm tinh hoa Làng nghề Việt ở Bát Tràng của Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh; Lễ hội đường hoa Home Hanoi Xuân 2022 tại Khu đô thị Bắc An Khánh, Hoài Đức của Tập đoàn SOVICO; Dự án tuyến phố đi bộ Bitexco (quận Hoàng Mai) và nhiều dự án xã hội hóa cho công tác tu bổ, tôn tạo di tích đang được triển khai thực hiện trên địa bàn Thành phố…
Năm 2022, Sở Văn hóa và Thể thao đã tham mưu tổ chức thành công Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội; Cuộc thi Giọng hát hay Hà Nội; Phối hợp tổ chức thành công Liên hoan phim quốc tế Hà Nội và các Đại hội trên địa bàn thành phố. Đặc biệt là Lễ Khai mạc, Bế mạc SEA Games 31 và nhiều hoạt động khác đóng góp không nhỏ vào thành công của Đại hội với thông điệp Việt Nam thân thiện, Đông Nam Á mạnh mẽ, cùng nhau tỏa sáng…
Tại buổi lễ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng chúc mừng các nghệ nhân của Hà Nội được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân và Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể năm 2022. Đây là những người nắm giữ và thực hành thành thạo các tri thức về văn hóa phi vật thể, nghi lễ, diễn xướng dân gian đồng thời cũng là những người truyền dạy, bảo tồn những tinh hoa, bản sắc văn hóa của dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau.