Dành nguồn lực cho các chính sách an sinh và môi trường - một hướng đi đúng
Có nguồn lực đầu tư mà không giải ngân được là có lỗi với dân Tích cực huy động các nguồn lực từ địa phương để chăm lo tốt cho người nghèo |
Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích nhằm thúc đẩy nguồn vốn xã hội hóa cho công tác bảo vệ môi trường (Ảnh: Vương Đức) |
Quốc tế nhìn nhận tích cực thành quả xóa đói, giảm nghèo của Việt Nam
Chị Hoàng Thị Thủy, dân tộc Mường ở thôn Quýt, xã Yên Bài, huyện Ba Vì vẫn còn nhớ như in cảnh nghèo của gia đình mình gần chục năm về trước. Lập gia đình với hai bàn tay trắng, cuộc sống của vợ chồng chị càng khó khăn khi liên tiếp sau đó sinh hai con nhỏ. Công việc không ổn định, thu nhập chẳng được là bao, đồng vốn thì không có nên cái nghèo cứ đeo bám dai dẳng.
Năm 2008, gia đình chị Thủy được vay vốn để mua 1 con bò sữa giống về nuôi. Sau 3 năm trả hết nợ, chị tiếp tục vay lãi suất thấp, phát triển từ 1 con bò ban đầu thành 3 con bò sữa, tạo nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống, nuôi các con ăn học.
Chị Nguyễn Thị Yên ở xã Ba Trại cũng không giấu nổi niềm vui khi được hỏi về những nỗ lực thoát nghèo của gia đình. Chị cho biết, cách đây 5 năm, được các tổ chức chính trị - xã hội giúp đỡ cho vay vốn lãi suất thấp và phổ biến kiến thức chăn nuôi nên vợ chồng chị đã mạnh dạn đầu tư nuôi gà thịt. Mỗi năm nuôi 3 lứa gà, trung bình mỗi lứa khoảng 8.000 con, trừ chi phí tiền lãi thu về 40 triệu đồng/năm. Đây chính là nguồn thu chính giúp gia đình chị thoát nghèo.
“Ở Ba Trại hiện có 162 trang trại, nuôi gần 4 triệu gia cầm, trừ chi phí mỗi năm bình quân các trang trại lãi từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Chăn nuôi đã trở thành kinh tế mũi nhọn đối với những hộ khó khăn như chúng tôi”, chị Yên cho biết.
Gia đình chị Hoàng Thị Thủy, Nguyễn Thị Yên chỉ là 1 trong rất nhiều hộ dân nghèo ở nhiều địa phương trên cả nước phát huy tốt nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước xóa được đói, giảm được nghèo từ nhiều mô hình phát triển kinh tế phù hợp với từng vùng, miền.
Theo báo cáo kết quả giảm nghèo của Việt Nam năm 2021, giảm nghèo đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Tỷ lệ người nghèo đã giảm mạnh từ 57% vào đầu những năm 1990 xuống còn 5,2% vào năm 2020. Hàng triệu hộ gia đình đã thoát nghèo, nhiều hộ có cuộc sống trung bình, khá giả. Nhiều địa bàn nghèo thoát khỏi tình trạng khó khăn, một số địa bàn đạt chuẩn Nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh.
Đánh giá về những nỗ lực xóa đói, giảm nghèo của Việt Nam, UNDP tại Việt Nam cho rằng, quốc tế nhìn nhận rất tích cực những thành quả Việt Nam đạt được trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo trong vài thập kỷ vừa qua. Việt Nam vẫn là nước đi đầu trong khu vực về xóa đói, giảm nghèo.
Quyết tâm chính trị giảm nghèo của Việt Nam càng mạnh mẽ hơn nữa khi đầu năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Chương trình thực hiện chiến lược tập trung đầu tư vào con người, trực tiếp là đầu tư, nâng cao năng lực người nghèo; Xác định rõ nguyên nhân nghèo để giải quyết căn cơ, triệt để những vấn đề của người nghèo, vùng lõi nghèo.
Đặc biệt, để thực hiện thắng lợi mục tiêu tỉ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1 - 1,5%/năm mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra; Phấn đấu đến năm 2030, cơ bản không còn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, mới đây, Ban Bí thư đã có Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030. Trong chỉ thị, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể tập trung quán triệt, thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, xác định giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng, Nhà nước, là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.
Giảm nghèo đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật (Ảnh: Vương Đức) |
Đa dạng hóa các nguồn lực bảo vệ môi trường
Cùng với các chính sách xóa đói giảm nghèo, Việt Nam cũng đã đầu tư nguồn lực nhằm từng bước thay đổi thói quen sử dụng nước sạch, nâng cao chất lượng nguồn nước và vệ sinh môi trường.
Kết quả thực hiện của Chương trình mục tiêu quốc gia đã cho thấy, tỉ lệ số dân được sử dụng nước hợp vệ sinh tăng đáng kể qua các năm. Trước đó, theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, năng lực và nguồn lực cho kiểm soát chất lượng nước ở nhiều địa phương còn rất hạn chế. Nguyên nhân ngoài áp lực từ các nguồn ô nhiễm thì tập quán sinh hoạt lạc hậu của người dân nông thôn ở nhiều vùng đồng bằng và miền núi cũng là tác nhân gây ô nhiễm và không đảm bảo vệ sinh môi trường. Trong khi đó, tỷ lệ số xã, thôn trên cả nước xây dựng hệ thống thoát nước thải chung còn khiêm tốn...
Thực tế đã cho thấy, ô nhiễm nguồn nước sẽ gây nhiều hệ lụy đến phát triển kinh tế - xã hội. Xuất phát từ thực tế đó, Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và Vệ sinh nông thôn xác định rõ mục tiêu:"Tất cả dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc gia”.
Bên cạnh đó, Chương trình Xây dựng Nông thôn mới cũng đề ra mục tiêu chính là: Cung cấp đủ nước sinh hoạt sạch và hợp vệ sinh cho dân cư, trường học, trạm y tế, công sở và các khu dịch vụ công cộng...
Với quan điểm “Đầu tư bảo vệ môi trường là đầu tư phát triển bền vững”, trong giai đoạn 2016-2022, các nguồn lực tài chính được đa dạng hóa, huy động được cả nguồn lực trong nước và quốc tế, nguồn lực Nhà nước và nguồn lực xã hội hóa.
Theo số liệu tổng hợp về ngân sách dành cho sự nghiệp bảo vệ môi trường các năm qua cho thấy, nguồn ngân sách năm 2021 tăng 55,8% so với năm 2015. Cụ thể, nguồn ngân sách dành cho bảo vệ môi trường năm 2015 là 13,6 ngàn tỷ đồng thì đến năm 2021 là 21,2 ngàn tỷ đồng. Tổng ngân sách sự nghiệp bảo vệ môi trường luôn được đảm bảo bố trí không thấp hơn 1% tổng chi ngân sách nhà nước và cao hơn so với giai đoạn trước...
Mặc dù, trong quản lý, phân bổ còn có một số hạn chế, bất cập, đặc biệt tại các địa phương song nguồn chi này cũng đã góp phần quan trọng hỗ trợ, thúc đẩy mạnh mẽ công tác bảo vệ môi trường (nhất là hoạt động quản lý môi trường) ở các Bộ, ngành và địa phương. Kinh phí đầu tư phát triển cho công tác bảo vệ môi trường cũng đã được quan tâm bố trí hơn so với giai đoạn 2010 -2015, đáp ứng một phần nhu cầu triển khai các dự án về hạ tầng kỹ thuật xử lý môi trường; Khắc phục, cải tạo ô nhiễm tại các lưu vực sông, khu vực bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Bên cạnh nguồn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích nhằm thúc đẩy nguồn vốn xã hội hóa cho công tác bảo vệ môi trường, huy động nguồn đầu tư từ các thành phần kinh tế, đặc biệt là thành phần kinh tế tư nhân. Đến nay, đã có nhiều tổ chức và cá nhân tham gia đầu tư phát triển vào lĩnh vực môi trường từ nhiều nguồn vốn, bước đầu hình thành hệ thống dịch vụ môi trường ngoài công ích.
Giai đoạn 2016 - 2022, Việt Nam đánh dấu bởi những bước tiến lớn trong việc huy động vốn hỗ trợ, vốn vay của các quốc gia, tổ chức quốc tế cho công tác bảo vệ môi trường. Các nguồn vốn huy động được đã đóng góp một phần quan trọng cho đầu tư các công trình xử lý môi trường tập trung ở các địa phương.