Đặt mục tiêu đưa 130.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài năm 2020
Bộ LĐ-TB&XH sẽ tập trung đưa lao động đi làm việc tại những thị trường có thu nhập cao trong năm 2020
Bài liên quan
Lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải đóng BHXH
Giải đáp vướng mắc trong thực hiện BHXH cho lao động nước ngoài
Công nhân, người lao động Thủ đô nô nức vui Tết sum vầy
Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, năm 2019 tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 152.530 lao động, đạt 127,1% kế hoạch năm 2019; trong đó thị trường Nhật Bản: 82.703 lao động, Đài Loan (Trung Quốc): 54.480 lao động, Hàn Quốc: 7.215 lao động, Rumani: 3.478 lao động, Arab Saudi: 1.375 lao động, Malaysia: 454 lao động, Macao: 401 lao động, Algeria: 359 lao động và một số thị trường khác.
Đây là năm thứ tư liên tiếp số lao động đi làm việc tại nước ngoài vượt mức 120.000 lao động/năm, nâng tổng số lao động Việt Nam hiện đang làm việc ở nước ngoài lên khoảng 650 nghìn người tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong hơn 30 nhóm lĩnh vực, ngành nghề khác nhau.
Năm 2020, Bộ LĐ-TB&XH đặt mục tiêu đưa 130.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó tập trung vào các thị trường có thu nhập cao; đề xuất các điều kiện hợp đồng cung ứng lao động vào một số thị trường lao động đang có chiều hướng gia tăng số lượng nhanh tại châu Âu.
Riêng đối với thị trường Cộng hòa Liên bang Đức, tính đến hết năm 2019 đã có hơn 1000 điều dưỡng viên từ Việt Nam sang Đức học tập, làm việc và được đánh giá cao. Bên cạnh đó, Luật Nhập cư mới của Đức chính thức có hiệu lực từ ngày 1/3/2020 sẽ cho phép các doanh nghiệp Đức được tiếp nhận lao động đến từ các nước ngoài EU trong một số lĩnh vực như: xây dựng, điện, cơ khí, nông nghiệp, nhân viên kỹ thuật y tế, điều dưỡng.
Dự kiến trong năm 2020, Bộ LĐ-TB&XH sẽ ký với cơ quan lao động của CHLB Đức thỏa thuận hợp tác tiếp nhận lao động có kỹ năng của Việt Nam sang làm việc tại CHLB Đức trong 12-13 ngành nghề mà nước bạn đang có nhu cầu.