"Dấu ấn" an sinh từ Chương trình 08/CTr-TU
Không ngừng nỗ lực vì an sinh xã hội Kịp thời triển khai các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội với người lao động Quyết liệt thực hiện các giải pháp phát triển hệ thống an sinh |
Hỗ trợ kịp thời cho người dân
Những năm qua, cùng với phát triển kinh tế, việc phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống Nhân dân luôn được Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội quan tâm đặc biệt, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Nhiều chính sách đặc thù của thành phố được ban hành, đi vào thực tiễn cuộc sống, đạt kết quả tích cực. Các cuộc vận động, phong trào thi đua được triển khai hiệu quả, huy động được cả hệ thống chính trị và toàn xã hội cùng tham gia. Sự quan tâm của thành phố trong công tác chăm lo đời sống Nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng yếu thế trong xã hội đã góp phần nâng cao chỉ số hạnh phúc (HPI), tạo nên cuộc sống hạnh phúc, no ấm, tiến bộ của mỗi gia đình, góp phần tạo ra một xã hội hạnh phúc, hài hòa và công bằng.
Nhiệm kỳ khóa XVII, Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình 08/CTr-TU về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025” với mục tiêu giải quyết hài hòa, hiệu quả giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển xã hội và quản trị xã hội; Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, bao trùm và bền vững; Không ngừng nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống Nhân dân Thủ đô, giảm chênh lệch mức sống giữa khu vực thành thị - nông thôn... Đây là một trong 3 chương trình mới so với nhiệm kỳ khóa XVI, được ghi nhận, đánh giá cao về mặt ý nghĩa và đặt nhiều kỳ vọng.
Dù năm đầu triển khai, song Chương trình 08/CTr-TU của Thành ủy đã thực hiện được hàng loạt những chính sách một cách kịp thời. Nhìn lại một năm với muôn vàn khó khăn của dịch bệnh, toàn thành phố Hà Nội hỗ trợ an sinh xã hội cho hơn năm triệu lượt người với kinh phí hơn 6.500 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều của thành phố tính đến cuối năm 2021 chỉ còn 0,04%; 19/30 quận, huyện, thị xã không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều. 11/30 quận, huyện, thị xã không còn hộ nghèo.
Đáng chú ý, Hà Nội đã triển khai các đợt tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho người dân với quy mô lớn. Đến nay hầu hết người dân đã được tiêm hai mũi vắc xin, bao gồm cả người cao tuổi, người khuyết tật, người được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội, trẻ em từ 12-17 tuổi và hiện nay thành phố đang triển khai tiêm mũi thứ ba.
Cùng với đó, thành phố đã giải quyết việc làm cho gần 180.000 người, đạt 112,2% kế hoạch; Hỗ trợ an sinh xã hội cho hơn năm triệu lượt người với kinh phí hơn 6.500 tỷ đồng. Ngoài ra, 100% người cao tuổi, người thuộc hộ nghèo, trẻ em dưới 5 tuổi và một số đối tượng yếu thế khác được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, được tiếp cận với nhiều chính sách, dịch vụ trợ giúp để vươn lên.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 ngày càng ảnh hưởng đến đời sống người dân, Ban Chỉ đạo Chương trình số 08-CTr/TU đã nhanh chóng ban hành một số chính sách đặc thù và huy động các nguồn lực để hỗ trợ kịp thời người dân (Ảnh minh họa) |
Để không ai bị bỏ lại phía sau...
Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình số 08-CTr/TU của thành phố Hà Nội Bạch Liên Hương cho biết: Trong bối cảnh dịch COVID-19 ngày càng gia tăng, ảnh hưởng đến đời sống người dân, Ban Chỉ đạo Chương trình số 08-CTr/TU đã nhanh chóng ban hành một số chính sách đặc thù và huy động các nguồn lực để hỗ trợ kịp thời người dân.
Với tinh thần "để không ai bị bỏ lại phía sau", ngoài 12 nhóm đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, Hà Nội đã ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ thêm 12 nhóm đối tượng khó khăn khác. Thành phố còn hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và người lao động tiền điện, tiền nước sinh hoạt trong mùa dịch, hỗ trợ nhu yếu phẩm, máy tính cho học sinh, hỗ trợ lực lượng tuyến đầu. Việc thành phố quy định ngân sách thành phố chi trả toàn bộ chi phí hỏa táng cho người tử vong do COVID-19 góp phần chia sẻ với các gia đình bị mất người thân do dịch bệnh.
Để hỗ trợ nhiều hơn cho người dân, Hà Nội đã quy định mức chuẩn nghèo đa chiều của thành phố giai đoạn 2022 - 2025 cao hơn chuẩn nghèo quốc gia, nâng mức chuẩn trợ cấp bảo trợ xã hội cao hơn mức chuẩn của Trung ương. Đồng thời, TP mở rộng ba nhóm đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp hằng tháng tại cộng đồng và ba nhóm đối tượng được tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội của thành phố.
Từ năm 2022, đối với trường hợp trẻ em dưới 15 tuổi, người cao tuổi cô đơn, người khuyết tật đặc biệt nặng, người mắc bệnh hiểm nghèo sẽ có mức hỗ trợ hằng tháng là 2 triệu đồng/người/tháng đối với khu vực nông thôn; 2,5 triệu đồng/người/tháng đối với khu vực thành thị.
Để chăm lo, nâng cao hơn nữa cuộc sống của người dân, trong năm 2022, Ban Chỉ đạo Chương trình 08 sẽ tiếp tục có các chính sách hỗ trợ kịp thời, hiệu quả đối với từng nhóm chỉ tiêu và đối tượng. Trong đó, các chỉ tiêu thuộc lĩnh vực y tế được đặc biệt chú trọng, như chỉ tiêu số giường bệnh/vạn dân (đến năm 2025 phải đạt 30-35 giường bệnh/vạn dân, hiện mới đạt 27,5 giường bệnh/vạn dân); Chỉ tiêu về số bác sĩ/vạn dân (đến năm 2025 phải đạt 15 bác sĩ/vạn dân, hiện mới đạt 13,7 bác sĩ/vạn dân). Đồng thời tăng cường cơ sở hạ tầng của các bệnh viện, trạm y tế, cơ sở trợ giúp xã hội, nhất là trong tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay. Việc giải quyết các chế độ, quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động; Công tác giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho người lao động cũng sẽ được quan tâm.
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà đánh giá, trong một năm đầy khó khăn và thách thức nhưng một số công việc đột suất, cấp bách trong thực hiện chính sách hỗ trợ người dân, người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do COVID-19 theo các Nghị quyết, Quyết định của Chính phủ và chính sách đặc thù của thành phố đã được Hà Nội rà soát rất kỹ, đảm bảo không bỏ sót đối tượng và thực hiện chi trả kịp thời.
Đáng kể là về phương pháp, cách làm của thành phố Hà Nội có rất nhiều điểm đổi mới và sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tiễn dịch bệnh trong từng giai đoạn, nhất là công tác đảm bảo an sinh xã hội cho người dân. Đặc biệt, công tác tổ chức thực hiện các chính sách an sinh xã hội rất bài bản, khoa học, toàn diện, có sự khác biệt, tạo được sức lan tỏa trong cộng đồng xã hội và người dân.
Nhận thức Chương trình số 08-CTr/TU mang tính nhân văn sâu sắc, tác động đến đông đảo người dân, năm 2022, Hà Nội tiếp tục rà soát lại toàn bộ các chỉ tiêu, nhiệm vụ để có giải pháp triển khai phù hợp thực tiễn, thiết thực chăm lo cho người dân, tạo thêm nhiều dấu ấn sâu sắc trong lòng Nhân dân...