Dấu ấn giao thông Hà Nội qua những công trình, dự án trọng điểm
Tập trung đầu tư phát triển hạ tầng
Những năm gần đây, Hà Nội đã đẩy mạnh phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là các công trình về giao thông, giáo dục, y tế và tôn tạo di tích lịch sử. Giai đoạn 2021-2022, TP đã hoàn thành 218 dự án (19 cấp thành phố; 199 cấp huyện); năm 2023 dự kiến hoàn thành 164 dự án (6 dự án cấp thành phố; 158 dự án cấp huyện).
Nhiều công trình lớn, quan trọng hoàn thành hoặc đã khởi công: Vận hành Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông; Đường vành đai 2 trên cao; Trong năm 2023, dự kiến hoàn thành Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, vận hành tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội; Khởi công đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội…
Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội |
Theo thống kê về tình hình thực hiện các dự án trọng điểm của Cục thống kê TP Hà Nội tính đến hết tháng 6/2023, Dự án tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội có chiều dài 12,5km, gồm 8,5km đường trên cao và 4km đi ngầm với tổng mức đầu tư 32,9 nghìn tỷ đồng đã đạt khoảng 76,5% tiến độ tổng thể chung của dự án, trong đó tiến độ thi công đoạn trên cao đạt 99%.
Đối với Dự án cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), khởi công tháng 1/2021 với tổng mức đầu tư hơn 2,5 nghìn tỷ đồng. Dự án đã bắt đầu thi công khối hợp long đầu tiên mang ký hiệu KN-1. Dự án đang được tập trung thi công các hạng mục còn lại để hoàn thành toàn dự án vào 2/9/2023.
Dự án Cung Thiếu nhi Hà Nội khởi công tháng 3/2021 với tổng mức đầu tư hơn 1.376 tỷ đồng. Công trình được xây dựng tại Khu công viên và hồ điều hòa CV1 (thuộc Khu đô thị mới Cầu Giấy, nơi giáp ranh giữa quận Cầu Giấy và quận Nam Từ Liêm).
Tổng diện tích dành cho dự án là 39,6 nghìn m2, trong đó diện tích xây dựng là 10,3 nghìn m2. Đến nay, dự án đã giải ngân đạt 61,4% kế hoạch vốn, dự kiến thời gian hoàn thành toàn dự án vào năm 2024.
Cầu vượt nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch được khởi công tháng 10/2021, dự án cầu vượt có chiều dài hơn 300m, rộng 9m, giao thông hai chiều cho hai làn xe hỗn hợp với tổng mức đầu tư gần 150 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách TP Hà Nội.
Sau gần 2 năm thi công, đến nay dự án cầu vượt chữ C nằm tại nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch đang bước vào giai đoạn cuối cùng, dự kiến sẽ được khánh thành, thông xe vào ngày 30/6/2023.
Ngày 25/6/2023, Hà Nội cũng đã tiến hành khởi công Dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô tại 4 địa điểm trên địa bàn Thành phố gồm: (1) Đường gom Đại lộ Thăng Long, thuộc địa phận xã Song Phương, huyện Hoài Đức; (2) Quốc lộ 2, thuộc địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn; (3) Trục phía Nam, xã Tam Hưng, Thanh Oai; (4) Quốc lộ 1A cũ, thuộc địa phận xã Văn Bình, huyện Thường Tín. Dự án có chiều dài 112,8km, trong đó điểm đầu nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn), điểm cuối nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long (địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh).
Diện mạo mới từ các công trình trọng điểm
Trong thời gian qua, TP Hà Nội đã chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư, các đơn vị thi công tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án trọng điểm, phát triển hạ tầng, góp phần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Bên cạnh đó, các chủ đầu tư đã phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thành, đưa vào khai thác nhiều công trình kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm khác. Với tinh thần quyết tâm cao trong năm 2022-2023, hàng loạt dự án lớn trên địa bàn thành phố đã được triển khai quyết liệt, đáp ứng nhu cầu vận tải đang tăng cao giữa trung tâm Thủ đô với khu vực lân cận, từng bước hoàn chỉnh hạ tầng giao thông Thủ đô.
Lễ khởi công dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô tại huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội |
Để đạt mức tăng trưởng của nhiệm kỳ 2020-2025, Hà Nội tiếp tục tập trung 3 khâu đột phá, trong đó tập trung đầu tư phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông và hạ tầng số, trong đó chú trọng đẩy nhanh tiến độ đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô, hệ thống các cầu vượt sông Hồng, đẩy nhanh tiến độ các tuyến đường sắt đô thị.
Việc đầu tư xây dựng Vành đai 4 sẽ giúp mở rộng không gian phát triển, phân bổ áp lực đô thị cho Hà Nội, góp phần hình thành nên chuỗi đô thị mới rất tiềm năng. Dự án còn tạo động lực phát triển 2 thành phố trực thuộc Thủ đô là: Thành phố Bắc sông Hồng và Thành phố phía Tây Hà Nội.
Từ sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính (năm 2008) đến nay, thành phố đã huy động tổng hợp các nguồn lực, phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai đầu tư hoàn thành nhiều công trình giao thông quan trọng.
Sau gần 15 năm hợp nhất, những người dân sinh sống và làm việc tại Hà Nội đã cảm nhận được sự “thay da đổi thịt” của hệ thống hạ tầng giao thông, không chỉ phục vụ hiệu quả cho Thủ đô phát triển kinh tế xã hội, mà còn giúp thành phố khang trang hơn, hiện đại hơn.