Đấu thầu thủy tinh thể nhân tạo tại bệnh viện và những cảnh báo
Bệnh viện bị kiện ra tòa
Tại tỉnh Bến Tre, ngày 4/5/2022, Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu có Quyết định số 1344/QĐ-BVNĐC phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu số 1 mua thủy tinh thể nhân tạo. Theo quyết định, Công ty Cổ phần Dược - Thiết bị Y tế Đà Nẵng được chọn trúng và loại Công ty TNHH Thương mại, dịch vụ kỹ thuật thiết bị y tế Anh Duy (Công ty Anh Duy).
Ngay sau đó, Công ty Anh Duy đã có công văn đề nghị bệnh viện xem xét lại kết quả chọn lựa nhà thầu nhưng không được chấp nhận. Do đó, Công ty Anh Duy đã khởi kiện Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu ra TAND TP Bến Tre yêu cầu hủy Quyết định số 1344/QĐ-BVNĐC. Đơn kiện được TAND TP Bến Tre thụ lý giải quyết vụ án dân sự số 173/2022/TLST-DS ngày 7/10/2022.
Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu, tỉnh Bến Tre |
Ngày 4/11/2022, TAND TP Bến Tre tổ chức phiên hòa giải do Thẩm phán Lê Hoàng Út chủ trì. Nguyên đơn, bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Công ty Cổ phần Dược - Thiết bị Y tế Đà Nẵng đều có mặt.
Nội dung tranh luận tại phiên hòa giải là tiêu chuẩn kỹ thuật của sản phẩm thủy tinh thể nhân tạo. Thực tế, hồ sơ mời thầu yêu cầu “thủy tinh thể được lắp sẵn trong Catridge, cho vết mổ ≤ 2,2 mm”. Theo đó, Công ty Anh Duy chào thầu sản phẩm qua được vết mổ 2,2 mm; Còn Công ty Đà Nẵng chào sản phẩm qua được vết mổ ≤ 2,2 mm. Từ đó, bệnh viện loại Công ty Anh Duy, chọn Công ty Cổ phần Dược - Thiết bị Y tế Đà Nẵng trúng thầu.
Tại phiên hòa giải, Công ty Anh Duy đưa ra chứng cứ về tiêu chuẩn kỹ thuật của sản phẩm mà Công ty Cổ phần Dược - Thiết bị Y tế Đà Nẵng chào thầu. Hãng sản xuất công bố, sản phẩm chỉ qua được vết mổ ≥ 2,2 mm; chứ không qua được vết mổ ≤ 2,2 mm như chào thầu và được lựa chọn.
Như vậy, sản phẩm của Công ty Anh Duy và Công ty Cổ phần Dược - Thiết bị Y tế Đà Nẵng giống nhau, qua được vết mổ từ 2,2 mm trở lên và không qua được vết mổ < 2,2 mm. Công ty Anh Duy cho rằng bị loại là không công bằng nên giữ yêu cầu “hủy quyết định lựa chọn”.
Đại diện Công ty Cổ phần Dược - Thiết bị Y tế Đà Nẵng cho hay đã nộp hồ sơ dự thầu, cung cấp hàng mẫu và được lựa chọn trúng thầu. Hiện công ty chưa cung cấp sản phẩm cho Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu và “không đồng ý theo yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn”.
Đại diện bênh viện cũng không đồng ý hủy quyết định lựa chọn vì “phải tổ chức đầu thầu lại đối với mặt hàng bị hủy để có sản phẩm điều trị phục vụ bệnh nhân”.
Kết quả phiên hòa giải, các bên không thống nhất được toàn bộ nội dung giải quyết vụ án. Đại diện Công ty Anh Duy cho biết thêm, giá trúng thầu thủy tinh thể của Công ty Cổ phần Dược - Thiết bị Y tế Đà Nẵng là 3.500.000 đồng/sản phẩm với số lượng 2.000 cái. Trong khi đó, sản phẩm tương tự được một bệnh viện khác thông báo trúng thầu ngày 1/3/2022, giá 2.282.000 đồng/cái. Như vậy, so sánh hai sản phẩm cùng loại thì với 2.000 cái đã đắt hơn gần 2,5 tỷ đồng.
Bảo hiểm xã hội cảnh báo
Trước tình trạng thủy tinh thể nhân tạo chất lượng thấp nhưng đấu thầu giá cao, Bảo hiểm xã hội TPHCM đã cảnh báo trong Công văn số 886/BHXH-GĐ2 ngày 23/8/2022 gửi các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Thông báo số 886 của Bảo hiểm xã hội TP Hồ Chính Minh và Bảng tổng hợp kết quả trúng thầu của Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh |
Theo Công văn số 886, trên cơ sở phân tích và tổng hợp danh mục vật tư y tế tại hệ thống thông tin giám định xây dựng theo các kết quả trúng thầu vật tư y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên địa bàn TP HCM năm 2022, cơ quan này phát hiện “danh sách các vật tư y tế thuộc nhóm đạt tiêu chí thấp nhưng có giá trúng thầu cao”. Trong đó, 9 loại thủy tinh thể nhân tạo mềm, giá dự toán cao nhất là 3.400.000 đồng/cái và thấp nhất là 1.735.000 đồng/cái (mỗi sản phẩm mời thầu 7.165 cái).
Do đó, Bảo hiểm xã hội TPHCM đề nghị “rà soát và có giải pháp kiểm soát giá trong việc xây dựng giá kế hoạch trong các đợt thầu tiếp theo”. Tuy nhiên, sau đó đơn vị này lại phát hiện kết quả sản phẩm trúng thầu ngày 13/9/2022 của Bệnh viện Mắt TP HCM với sản phẩm có giá cao đúng từng chi tiết với cảnh báo.
Thông báo số 617/TB-BVM ngày 13/9/2022 của Bệnh viện Mắt TP HCM về gói thầu “mua sắm thủy tinh thể đơn tiêu năm 2022-2023” do Phó Giám đốc Đỗ Quốc Hiệp ký, trong đó có 3 sản phẩm đều đấu thầu số lượng 7.165 cái; Gồm: Sản phẩm số 6 giá 3.400.000 đồng/cái (trị giá 24.361.000.000 đồng); Số 9 giá 1.718.000 đồng/cái (trị giá 12.309.470.000 đồng); Số 11 giá 1.735.000 đồng/cái (trị giá 12.431.275.000 đồng).
Các sản phẩm giống nhau về tính năng kỹ thuật còn giá trúng thầu thì sản phẩm số 6 đắt gần gấp đôi sản phẩm số 9 và số 11. Với số lượng 7.165 cái, sản phẩm số 6 đã đắt hơn số 9 là 12.051.530.000 đồng và đắt hơn số 11 là 11.929.725.000 đồng.
Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh |
Mời thầu sản phẩm chất lượng thấp với giá cao còn là một “chiêu” chỉ định thầu mà công văn của Bảo hiểm xã hội TPHCM cũng cảnh báo. Đó là, khi nêu giá sản phẩm đến 3.400.000 đồng/cái thì yêu cầu năng lực nhà thầu phải đạt doanh thu hơn 36 tỷ đồng và quy mô hợp đồng hơn 12 tỷ đồng, gần gấp đôi so với sản phẩm chỉ có giá 1.735.000 đồng. Rõ ràng, điều này đã hạn chế nhà thầu tham gia, tương tự chỉ định thầu. Vấn đề này đang được Bảo hiểm xã hội TPHCM tiếp tục theo dõi để chấn chỉnh.
Làm lại hồ sơ mời thầu
Tại tỉnh Tiền Giang, ngày 18/10/2022, Bệnh viện Mắt tỉnh Tiền Giang có Quyết định số 91/QĐ-BVM phê duyệt hồ sơ mời thầu mua sắm 14 mặt hàng thủy tinh thể nhân tạo, trị giá 25.041.100.000 đồng do Giám đốc Phạm Văn Sở ký.
Trong hồ sơ mời thầu, ở cột “Tên/chủng loại vật tư y tế” có kèm tính năng kỹ thuật cụ thể của sản phẩm là không đúng với Luật Đấu thầu. Vì như thế là tương tự chỉ định nhà thầu có sản phẩm đó mới có. Ở cột “Yêu cầu kỹ thuật (tối thiểu)” lại nêu nhiều tiêu chí kỹ thuật không có giá trị về chất lượng sản phẩm. Gói thầu có 14 sản phẩm đưa lên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, theo quy định phải tách thành 14 gói thầu riêng biệt để lựa chọn nhà thầu, ở đây lập một gói sẽ tạo điều kiện cho một nhà thầu (tổng thầu) tham dự, tương tự chỉ định thầu.
Bệnh viện Mắt tỉnh Tiền Giang |
Sau phản ứng của các nhà thầu, ngày 7/11/2022, Giám đốc Phạm Văn Sở ký quyết định số 94/QĐ-BVM hủy hồ sơ mời thầu với lý do: “Tiếp thu kiến nghị của nhà thầu phần các tiêu chí kỹ thuật… Hội đồng khoa học kỹ thuật Bệnh viện Mắt tỉnh Tiền Giang nhận thấy một số yêu cầu về kỹ thuật, phân chia gói thầu, nhóm trang thiết bị chưa phù hợp với mặt bằng chung trên thị trường và nhu cầu sử dụng hiện tại của bệnh viện, dẫn đến thay đổi phạm vi cung cấp. Do vậy, cần thiết phải xây dựng lại kế hoạch lựa chọn nhà thầu”.
Còn ở tỉnh Bình Định, hồ sơ mời thầu 4 gói “mua sắm tập trung vật tư y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh và dự phòng cho các cơ sở y tế công lập trực thuộc Sở Y tế tỉnh Bình Định từ quý III/2021 đến hết quý II/2022” được Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nguyễn Hoành Cường ký quyết định phê duyệt ngày 31/5/2021. Trong đó, gói thầu số 4 mua sắm thủy tinh thể nhân tạo gồm 25 mặt hàng, trị giá 37.040.000.000 đồng, mục “Quy cách kỹ thuật/đóng gói” nêu nhãn hiệu sản phẩm của hãng sản xuất với các tiêu chuẩn đặc trưng, cũng là dấu hiệu chỉ định thầu.
Sau phản ánh của dư luận, ngày 3/11/2022, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định Nguyễn Hoành Cường đã ký Thông báo số 7933/TB-BVĐKT gia hạn gói số 4 “để rà soát các yêu cầu trong hồ sơ mời thầu nhằm đảm bảo tính cạnh tranh, minh bạch trong đấu thầu”. Cụ thể, gói thầu được gia hạn thêm một tháng so với trước đây.