Đầu tư gần 71,6 tỷ đồng kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh tại Hà Nội
(TTTĐ) UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch số 208/KH-UBND về việc triển khai kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) của thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2025.
Theo kế hoạch, khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh (GTKS), phấn đấu đến năm 2020 tỷ số GTKS của thành phố dưới mức 114 trẻ trai/100 trẻ gái. Mặt khác, giảm tốc độ gia tăng tỷ số GTKS, tạo cơ sở thuận lợi để đưa tỷ số này đạt khoảng 107 trẻ trai/100 trẻ gái sau năm 2025, đưa tỷ số GTKS về mức cân bằng tự nhiên.
Lộ trình thực hiện kế hoạch được chia thành 2 giai đoạn với tổng kinh phí dự kiến của thành phố gần 71,6 tỷ đồng. Cụ thể, giai đoạn I (từ năm 2016-2020), triển khai các hoạt động can thiệp về truyền thông chuyển đổi hành vi cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, các cặp vợ chồng sinh con một bề là gái, kiểm tra giám sát các cơ sở y tế trong và ngoài công lập về siêu âm sản khoa, xây dựng chính sách khuyến khích hỗ trợ nhằm giảm thiểu MCBGTKS tại 19/30 quận, huyện, thị xã có tỷ số GTKS cao (từ 115 trẻ trai/100 trẻ gái trở lên); 11/30 quận, huyện còn lại tập trung tuyên truyền về MCBGTKS cho người dân, lồng ghép các nội dung tuyên truyền vào các hoạt động truyền thông khác của đơn vị nhằm khống chế tăng tỷ số GTKS.
Giai đoạn II (từ năm 2021-2025), triển khai hoạt động can thiệp giảm thiểu MCBGTKS trên toàn thành phố nhằm giảm mạnh tốc độ gia tăng tỷ số GTKS, tạo cơ sở đưa tỷ số GTKS trở lại mức tự nhiên. UBND TP giao Sở Y tế là cơ quan thường trực, chủ trì, phối hợp với sở, ngành liên quan và UBND quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện kế hoạch.
Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thành phố Hà Nội cho biết, 9 tháng đầu năm nay, mặc dù số người sinh con thứ ba trên địa bàn toàn thành phố đã giảm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh vẫn ở mức 113,6 trẻ trai/100 trẻ gái.
Các đơn vị có tỷ số giới tính khi sinh cao trên 120/100 là: Sơn Tây 131,9 trẻ trai/100 trẻ gái; Ứng Hòa 130,1 trẻ trai/100 trẻ gái; Mê Linh 123,6 trẻ trai/100 trẻ gái; Ba Vì 121,9 trẻ trai/100 trẻ gái; Phú Xuyên 121,3 trẻ trai/100 trẻ gái; Thạch Thất 120,9 trẻ trai/100 trẻ gái; Sóc Sơn 120,3 trẻ trai/100 trẻ gái.
Những số liệu này đã phản ánh thực trạng đáng báo động về chênh lệch giới tính khi sinh ở Thủ đô mà hậu quả nhãn tiền của nó ai cũng có thể hình dung ra, không chỉ ảnh hưởng đến tương lai hạnh phúc của con em chúng ta mà còn gây ra những hệ lụy cho sự phát triển bền vững của quốc gia, dân tộc.
Phương Thu