Đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”
Theo đó, LĐLĐ thành phố chỉ đạo các cấp Công đoàn tiếp tục chủ động, sáng tạo, đổi mới các phương thức, hình thức tuyên truyền để nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) Thủ đô trong việc thực hiện Cuộc vận động, xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên.
Ảnh minh họa |
Đoàn viên, CNVCLĐ, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong hệ thống Công đoàn ưu tiên sử dụng nguyên vật liệu và dịch vụ, các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ Việt Nam. Các cơ quan, đơn vị có sử dụng ngân sách Nhà nước ưu tiên sử dụng sản phẩm, dịch vụ Việt Nam phù hợp với cam kết quốc tế và luật pháp Việt Nam.
LĐLĐ thành phố cũng chỉ đạo các cấp Công đoàn phối hợp với các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp tổ chức có hiệu quả các “Phiên chợ công nhân, phiên chợ nghĩa tình”, “Gian hàng giảm giá”, “Hội chợ hàng Việt”, “Chợ lưu động”, “Siêu thị Công đoàn”, “Chợ Tết Công đoàn”, “Gian hàng Công đoàn” các chuyến xe hàng Việt… với hàng hóa là thương hiệu Việt, các sản phẩm OCOP tới các khu đông công nhân lao động sinh sống, ưu tiên tổ chức tại các khu công nghiệp, chế xuất, khu nhà trọ, nhà ở công nhân, các Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân, khu vực xa trung tâm thành phố…
LĐLĐ thành phố yêu cầu gắn việc thực hiện Cuộc vận động và Chương trình khuyến mại tập trung thành phố Hà Nội với các chương trình, hoạt động, các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước của tổ chức Công đoàn nhằm vận động đoàn viên, CNVCLĐ thi đua lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động để tạo ra sản phẩm, hàng hóa chất lượng cao, giá cả hợp lý, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương, Thủ đô và đất nước.
Các đơn vị phổ biến cho đoàn viên, CNVCLĐ Thủ đô cách nhận biết chất lượng sản phẩm và tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày quyền của người tiêu dùng Thế giới” (15/3); “Tháng khuyến mại Hà Nội”; vận động chủ doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh tham gia Chương trình bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” năm 2024… để hình thành thói quen tiêu dùng, tạo sự gắn kết giữa doanh nghiệp và người dân trong ưu tiên sử dụng hàng Việt.
Các đơn vị tiếp tục thực hiện chương trình “Phúc lợi đoàn viên”, chủ động đàm phán, ký kết các thỏa thuận mới với các đối tác, doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi để đoàn viên, người lao động có cơ hội tiếp cận, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ chất lượng của các doanh nghiệp trong nước với giá ưu đãi.
Ngoài ra, LĐLĐ thành phố chỉ đạo các cấp Công đoàn vận động đoàn viên, CNVCLĐ phát huy vai trò giám sát, phát hiện, tố giác kịp thời các đối tượng sản xuất, kinh doanh, quảng cáo, phân phối hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng không có xuất xứ, nguồn gốc, hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Công đoàn các cấp phối hợp với các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động sản xuất kinh doanh, phân phối hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.