Đẩy mạnh phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT sau giãn cách xã hội
BHXH Việt Nam đang triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT sau giãn cách xã hội (Ảnh minh họa)
Bài liên quan
Nhiều tiện ích khi lĩnh lương hưu và trợ cấp BHXH qua thẻ ATM
Thủ tục nhận lương hưu, trợ cấp BHXH qua thẻ ATM
Thủ tục tham gia BHXH tự nguyện cho người lao động tự do
BHXH Hà Nội: Nỗ lực phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội
Chi trả lương hưu tại nhà: Đảm bảo an toàn, nhanh chóng và hiệu quả
Khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác chi trả chế độ BHXH
Đối tượng tham gia sụt giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19
Số liệu thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, tính đến 30/4/2020, tổng số người tham gia BHXH bắt buộc là 14,419 triệu người, giảm 421.000 người so với tháng 3/2020 và giảm 780.000 người so với năm 2019.
Số người tham gia BHXH bắt buộc của BHXH các tỉnh đều giảm mạnh so với thời điểm tháng 12/2019. Đặc biệt, một số địa phương đối tượng tham gia BHXH bắt buộc giảm nhiều như: TP. Hồ Chí Minh (giảm 210.982 người), Bình Dương (giảm 101.628 người), Hà Nội (giảm 65.038 người), Đà Nẵng (giảm 38.247 người), Đồng Nai (giảm 46.924 người)...
Đáng chú ý, một số cơ quan BHXH tỉnh mặc dù số người tham gia BHXH trong tháng 4/2020 vẫn giảm so với năm 2019 nhưng đã tăng đáng kể như Bắc Giang (tăng 4.156 người), Tây Ninh (tăng 1.753 người), Phú Thọ (tăng 1.640 người)…
Liên quan đến vấn đề này, ông Dương Văn Hào, Trưởng ban Thu BHXH Việt Nam cho biết: “Đến hết tháng 4/2020, có 28 cơ quan BHXH tỉnh vẫn giữ được đối tượng tham gia BHYT tăng đều so với năm 2019 là An Giang, Bà Rịa- Vũng Tàu, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bến Tre, Bình Thuận, Đắk Nông, Điện Biên, Hà Giang, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên, Kiên Giang, Kon Tum, Lai Châu, Lạng Sơn, Lào Cai, Nam Định, Nghệ An, Ninh Bình, Phú Thọ, Phú Yên, Quảng Ninh, Quảng Trị, Thái Bình, Thái Nguyên, Trà Vinh, Vĩnh Phúc”.
Nhận định về nguyên nhân đối tượng tham gia BHXH, BHYT giảm, ông Dương Văn Hào cho rằng: Do ảnh hưởng dịch Covid-19, các doanh nghiệp không nhập được nguyên liệu sản xuất từ Trung Quốc ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất. Cùng với đó, nhiều người lao động lo ngại không đến ứng tuyển tại các doanh nghiệp có nhiều chuyên gia người nước ngoài đến từ các quốc gia có dịch bệnh Covid-19, gây khó khăn trong tuyển dụng lao động.
Ngay sau khi hết lệnh giãn cách xã hội, lãnh đạo BHXH Việt Nam đề nghị BHXH các địa phương cần có những giải pháp phát triển mạnh đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình |
Đặc biệt, trong tháng 3/2020, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên nhiều doanh nghiệp cắt giảm lao động, giảm giờ làm để phòng tránh dịch bệnh. Ngoài ra, do dịch bệnh diễn biến phức tạp nên công tác tuyên truyền trực tiếp chính sách BHXH tự nguyện chưa triển khai đúng tiến độ. Mặt khác, đối tượng tham gia BHYT giảm một phần là do giảm đối tượng nghèo, cận nghèo, thoát nghèo.
Đẩy mạnh tuyên truyền phát triển đối tượng
Nói về vấn đề phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT sau giãn cách xã hội, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu khẳng định: Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các Bộ, ngành, đặc biệt khối doanh nghiệp bước vào khôi phục và ổn định sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, ngành BHXH cần bám sát tình hình dịch bệnh, hoạt động của doanh nghiệp để giải quyết thu nộp BHXH cũng như giải quyết chính sách BHXH cho các đối tượng. BHXH Việt Nam đã và đang phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội triển khai Quyết định 15, trong đó có việc giải quyết chính sách trên trục cổng thông tin điện tử quốc gia đảm bảo đúng tiến độ, thời gian…
Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, hiện nay, Chính phủ đã công bố hết thời gian giãn cách xã hội do dịch Covid-19, lao động trong nước quay trở lại, do đó BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các địa phương cần có những giải pháp phát triển BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình để bù lại số lao động đã giảm.
Để thực hiện nhiệm vụ đề ra, BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành, cơ quan Bưu điện đẩy mạnh các hình thức thông tin, tuyên truyền phù hợp đến các cơ quan, doanh nghiệp và người dân.
Duy trì, kịp thời gửi thông báo kết quả đóng BHXH, BHYT đến đơn vị sử dụng lao động, đơn vị quản lý đối tượng; danh sách người tham gia đến hạn phải đóng BHXH tự nguyện, BHYT cho đại lý thu BHXH, BHYT để đôn đốc, vận động đối tượng tiếp tục tham gia. Đồng thời, các địa phương tăng cường tổ chức hội nghị khách hàng tuyên truyền, vận động phát triển người tham gia BHXH tự nguyện phù hợp với giãn cách xã hội.
Lãnh đạo BHXH Việt Nam cũng đề nghị các đơn vị tiếp tục triển khai rà soát dữ liệu do cơ quan thuế cung cấp nhằm khai thác, phát triển đối tượng; thực hiện thanh tra chuyên ngành đóng (đột xuất) đối với đơn vị nợ kéo dài, đơn vị trốn đóng (trừ các đơn vị tạm dừng đóng) theo đúng hướng dẫn của BHXH Việt Nam.
Trên cơ sở nắm bắt rõ thông tin từ các doanh nghiệp, cơ quan BHXH cần kịp thời giải quyết việc tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí tử tuất đối với đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 theo hướng dẫn của BHXH Việt Nam. Đồng thời đôn đốc doanh nghiệp đóng vào quỹ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp theo đúng quy định để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.