Đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức phòng chống đuối nước cho trẻ
Thực hiện Quyết định số 1248/QĐ-TTg ngày 19/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030 và Quyết định số 944/QĐ-BLĐTBXH ngày 17/7/2024 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc tổ chức các họat động phòng, chống đuối nước trẻ em nhân ngày Thế giới phòng, chống đuối nước 25/7, Cục Trẻ em phối hợp với Tổ chức Chiến dịch vì Trẻ em không thuốc lá (đơn vị Vận động Chính sách Y tế toàn cầu) Hoa Kỳ (CTFK/GHAI) tổ chức lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ báo chí và truyền thông về phòng, chống đuối nước trẻ em tại Việt Nam cho phóng viên, báo chí.
Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Đặng Hoa Nam |
Phát biểu khai mạc buổi tập huấn, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Đặng Hoa Nam nhấn mạnh: Toàn thế giới có hơn 300.000 người tử vong vì đuối nước mỗi năm. Trong đó, Việt Nam có gần 2.000 trẻ em bị đuối nước mỗi năm. Những năm gần đây số trẻ tử vong do đuối nước có xu hướng giảm, tuy nhiên số ca tử vong vẫn cao.
Nguy cơ bị đuối nước cao nhất khi trẻ chơi đùa tại các sông, hồ, ao hoặc bãi biển, kể cả các vùng nước ở công trình đang thi công hoặc bể chứa nước. Do đó, báo chí cần đẩy mạnh truyền thông hơn nữa những giải pháp phòng chống đuối nước cho trẻ như dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước.
Ông Đặng Hoa Nam cũng đưa ra một số mục tiêu truyền thông về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em cho các cấp chính quyền, cộng đồng, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em cần đạt được là: 90% trẻ em, cha, mẹ và người chăm sóc trẻ em được cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em năm 2025 và 95% vào năm 2030.
90% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết các quy định về an toàn giao thông đường bộ năm 2025 và 95% vào năm 2030; 60% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết kỹ năng an toàn trong mỗi trường trong nước năm 2025 và 70% vào năm 2030; 50% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết bơi an toàn vào năm 2025 và 60% vào năm 2030. 90% trẻ em sử dụng áo phao cứu sinh khi tham gia giao thông trên các phương tiện đường thủy nội địa có bắt buộc sử dụng phao cứu sinh năm 2025 và 95% vào năm 2030.
Để đạt được mục tiêu đề ra, giải pháp được đề cập đến như: Tăng cường công tác truyền thông giáo dục, vận động xã hội nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em cho các cấp, các ngành và toàn xã hội; nghiên cứu, xây dựng, phát triển các sản phẩm truyền thông, đa dạng hóa phương thức truyền thông về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em phù hợp với từng địa phương, vùng miền, dân tộc; tổ chức, triển khai các hoạt động truyền thông thường xuyên và chiến dịch truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, trường học, cơ sở giáo dục trẻ em, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em; hướng dẫn, tư vấn, giáo dục cho trẻ em; thí điểm, nhân rộng các mô hình về tư vấn, giáo dục…
Học viên là nhà báo, phóng viên thảo luận các giải pháp phòng chống đuối nước |
Tại buổi tập huấn, các học viên là nhà báo, phóng viên từ các báo đài, cơ quan thống tấn đã cùng nhau thảo luận các giải pháp phòng chống đuối nước được khuyến cáo: Tạo môi trường an toàn, tránh xa nguồn nước cho trẻ lứa tuổi mầm non, bảo đảm an toàn và phòng tránh đuối nước cho trẻ em tại gia đình, cộng đồng; ao, hồ sông ngòi, biển là nơi không được sử dụng để bơi, tắm; lập các điểm trông trẻ trong mùa lũ lụt, mùa nước lên; làm rào kiểm soát trẻ tiếp cận với nguồn nước; làm rào chắn quanh ao, hồ sông ngòi…; làm các nắp đậy bể, chum, vại nước… làm biển báo nơi nước sâu nguy hiểm; dạy bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ; đào tạo người dân kỹ năng cứu hộ và sơ cứu; bảo đảm an toàn và phòng chống đuối nước cho trẻ em khi tham gia giao thông đường thủy...