Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực phòng chống thiên tai
Ứng dụng công nghệ, đảm bảo an toàn hồ, đập thủy điện
Mặc dù Việt Nam là nước đang phát triển với nguồn lực còn hạn chế nhưng nhiều năm qua Chính phủ luôn nỗ lực bảo đảm cung cấp khoảng 1,5% tổng chi ngân sách nhà nước cho khoa học công nghệ. Trong đó, tổng kinh phí trong 10 năm gần đây cho công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống thiên tai lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
PGS.TS Hoàng Thanh Tùng, Trường Đại học Thủy lợi, cho rằng: Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác phòng, chống thiên tai đã giúp giảm được thiệt hại rõ rệt, phù hợp chủ trương chuyển từ khắc phục hậu quả sang đẩy mạnh phòng, chống. Trong đó, công tác dự báo, cảnh báo các loại hình thiên tai đã được triển khai hiệu quả, thông qua các mô hình số dự báo lũ, hạn, mặn, cảnh báo bão, sạt lở, lũ quét; hệ thống giám sát cảnh báo thiên tai từ vệ tinh, hệ thống giám sát thiên tai bằng các máy đo tại chỗ được xử lý qua hệ thống IoT, big data... để người dùng dễ dàng cập nhật với mục tiêu phòng tránh.
Một trong số những công trình khoa học công nghệ tiêu biểu góp phần giảm nhẹ rủi ro thiên tai được ứng dụng trong thời gian qua tại một số tỉnh miền núi phía Bắc chính là ứng dụng công nghệ, đảm bảo an toàn hồ, đập thủy điện. Đơn cử tại Nhà máy Thủy điện Nậm Na 2 (Lai Châu), hàng ngày, kỹ sư phụ trách hệ thống quan trắc của Nhà máy thường xuyên kiểm tra, đảm bảo hệ thống quan trắc hoạt động bình thường và chính xác nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân vùng hạ du.
Hiện Nhà máy Thủy điện Nậm Na 2 có ba tổ máy đang hoạt động với công suất lắp máy 66 MW và công nghệ vận hành đều được tự động hóa |
Hiện Nhà máy Thủy điện Nậm Na 2 có ba tổ máy đang hoạt động với công suất lắp máy 66 MW và công nghệ vận hành đều được tự động hóa. Nhằm đảm bảo an toàn cho người dân vùng hạ du, hàng năm Nhà máy Thủy điện Nậm Na 2 tiến hành kiểm tra, đánh giá toàn bộ thiết bị, công trình và sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống cửa van xả nước.
Bên cạnh đó, nhà máy xây dựng và trình cơ quan thẩm quyền phê duyệt các phương án phòng chống lũ vùng hạ du; theo dõi hệ thống quan trắc lưu lượng nước về hồ, qua cửa xả, qua tuốc bin và ghi chép đầy đủ vào sổ theo dõi với chu kỳ 30 phút 1 lần. Trước khi xả lũ, thông báo bằng văn bản, loa, còi hú cho nhân dân vùng hạ du trước 2 giờ.
Cùng với việc đảm bảo các quy trình, vận hành hồ chứa theo đúng quy định, các nhà máy, dự án thủy điện lớn, nhỏ trên địa bàn tỉnh Lai Châu còn quan tâm đầu tư ứng dụng các thiết bị quan trắc khoa học công nghệ hiện đại nhằm sớm cảnh báo những sự cố xảy ra, kịp thời thông báo cho người dân vùng hạ du, đảm bảo an toàn, tính mạng cho nhân dân.
Toàn bộ hệ thống quan trắc tại Nhà máy Thủy điện Nậm Na 2 là những thiết bị hiện đại nhập khẩu từ các nước châu Âu, được kết nối, thu thập dữ liệu và đưa về hệ thống, lưu trữ tự động. Nhà máy gồm có các loại quan trắc như: Quan trắc thấm, đo nhiệt độ lõi đập được đặt trong thân đập, ngoài công trình; quan trắc đo lượng mưa được đặt trên mặt đập và quan trắc đo mực nước được đặt ở hồ chứa và dưới hạ lưu.
Toàn bộ hệ thống quan trắc tại Nhà máy Thủy điện Nậm Na 2 là những thiết bị hiện đại nhập khẩu từ các nước châu Âu |
Giám đốc Nhà máy Thủy điện Nậm Na 2 Hoàng Trọng Điệp cho biết: Trước khi đưa vào vận hành, Nhà máy đã quan tâm đầu tư, lắp đặt hệ thống quan trắc cảnh báo trị giá gần 5 tỷ đồng. Hệ thống quan trắc này có độ chính xác cao, các thông số kỹ thuật được kết nối, thu thập và gửi về phòng dữ liệu quan trắc để đồng bộ số liệu.
Các thông số này được kiểm tra liên tục, hàng ngày, hàng giờ về hiện trạng, tình trạng hoạt động của đập cũng như cảnh báo trước mực nước, lượng mưa. Từ đó, giúp kỹ sư vận hành đưa ra những cảnh báo và tham mưu cho Ban Giám đốc về các biện pháp để vận hành công trình, hồ chứa an toàn.
Ngoài việc đầu tư thiết bị hiện đại, Nhà máy thủy điện còn lựa chọn những lao động có trình độ, tay nghề cao; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ chuyên môn, kiểm tra đánh giá trình độ hàng năm; mời các đơn vị chuyên môn đến bồi dưỡng về công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ và tổ chức diễn tập các tình huống xử lý sự cố trên thiết bị; tổ chức bảo dưỡng định kỳ toàn bộ thiết bị thuộc dây chuyền sản xuất điện trong mùa khô hàng năm, đảm bảo cho thiết bị vận hành an toàn, liên tục, kinh tế.
Ứng dụng giải pháp công nghệ trong phòng chống sạt lở bờ biển
Đứng trước tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển diễn ra ngày càng nghiêm trọng, các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng đã lên phương án xử lý, trong đó có tỉnh Cà Mau với phương án kè li tâm trong phòng chống sạt lở bờ biển.
Ngay khi xuất hiện tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh Cà Mau (năm 2009), UBND tỉnh đã nhanh chóng triển khai nhiều giải pháp ứng phó, trong đó phương pháp được sử dụng nhiều là kè bằng rọ đá, đóng cọc tre, cừ tràm, cừ dừa... để ngăn chặn tình trạng sói lở bờ biển. Đặc biệt, để cải tiến phương pháp chống sạt lở bờ biển, tỉnh Cà Mau quyết định sử dụng và nhân rộng mô hình kè li tâm.
Kè li tâm được đánh giá là phương pháp chống sạt lở bờ biển hiệu quả ở tỉnh Cà Mau |
Ông Nguyễn Minh Hạnh, Trưởng Phòng Quản lý Xây dựng công trình (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau) cho biết: Kè ly tâm hay còn gọi kè ngầm tạo bãi, mang lại hiệu quả cao, có tác dụng vừa chống sạt lở đất chân đê vừa tạo bãi bồi cho rừng phòng hộ phát triển. Đây là loại kè kiên cố, được đánh giá phù hợp nhất trong các loại kè đã được thử nghiệm.
Kè li tâm được thiết kế theo từng cấu kiện riêng lẻ gồm cọc li tâm dài khoảng hơn 6-8m (cao trình đỉnh kè là 1,6m), chiều rộng thân kè là 2,6m, trong đó lọt lòng là 1,8m. Đường trục li tâm có chiều dài 7m, khoảng cách giữa hai cọc là 25cm. Kè li tâm được thi công lắp đặt dễ dàng tại các vùng biển, thời gian thi công khá nhanh chóng.
Cũng theo ông Nguyễn Minh Hạnh, phương pháp kè li tâm hiện nay được đánh giá cao tại tỉnh Cà Mau vì có tính ứng dụng và hiệu quả đem lại khá lớn. Ưu điểm của phương pháp kè li tâm là có thể chủ động thi công tại các vùng biển khác nhau, quá trình thi công dễ dàng, không cần san ủi mặt bằng khi thi công. Giá thành của phương pháp này hiện nay chỉ còn khoảng 28 triệu/m. Tiết kiệm hơn so với những phương pháp kè khác.
Phương pháp kè li tâm hiện nay được đánh giá cao tại tỉnh Cà Mau vì có tính ứng dụng và hiệu quả đem lại khá lớn |
Trước đòi hỏi cấp bách về phòng, chống và giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, nhiều chuyên gia cho rằng, việc áp dụng các giải pháp khoa học công nghệ là yêu cầu hàng đầu. Tuy nhiên, giải pháp này cần có nguồn lực lớn. Trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, Việt Nam cần thúc đẩy xã hội hóa ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống thiên tai.
Nhấn mạnh về việc thúc đẩy xã hội hóa ứng dụng khoa học công nghệ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho hay, ứng dụng khoa học công nghệ phải chú trọng vào công tác dự báo, cảnh báo, ứng phó, khắc phục và tái thiết sau thiên tai.
Việc thúc đẩy xã hội hóa ứng dụng khoa học công nghệ không chỉ có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, công tác này đòi hỏi phải đẩy mạnh xã hội hóa với những sáng chế, ứng dụng kỹ thuật trong phòng, chống thiên tai của các doanh nghiệp, người dân. Để phòng, chống thiên tai một cách hiệu quả, cần phải có nhiều nhóm giải pháp, nhưng bất kỳ giải pháp nào cũng phải gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, bởi, khoa học công nghệ là một trong những giải pháp phù hợp và hợp lý nhất.