Đẩy nhanh tiêm vắc xin sởi, nhiều nơi tiêm vét trong đầu tháng 4/2025
Tiêm gần 682 nghìn mũi tiêm vắc xin sởi trong chiến dịch tiêm tại 54 tỉnh, thành
Chiến dịch tiêm vắc xin phòng bệnh sởi được triển khai thực hiện tại 54 tỉnh, thành phố có nguy cơ. Đối tượng tiêm là các trẻ trong độ tuổi từ 6-9 tháng tuổi; từ 1-5 tuổi và từ 6-10 tuổi.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, trẻ từ đủ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi sẽ được tiêm 1 mũi vắc xin phòng sởi; trẻ từ 6-10 tuổi chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đủ mũi vắc xin chứa thành phần sởi, mỗi trẻ sẽ được tiêm 1 mũi vắc xin chứa thành phần sởi; trẻ từ 1-5 tuổi chưa được tiêm đủ mũi vắc xin chứa thành phần sởi thì được tiêm bù mũi (sử dụng vắc xin chứa thành phần sởi trong Chương trình tiêm chủng mở rộng theo Kế hoạch tiêm chủng mở rộng năm 2025).
![]() |
Triển khai tiêm vắc xin phòng sởi cho trẻ em |
Cùng đó, Bộ Y tế đã kịp thời huy động, tiếp nhận thêm 500.000 liều vắc xin phòng bệnh sởi do Công ty Cổ phần Vắc xin Việt Nam (VNVC) tài trợ vào ngày 18/3/2025, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã tiếp nhận, phân bổ toàn bộ số vắc xin này cho các địa phương trên cả nước.
Đồng thời, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng đã phân bổ vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng để tiêm chủng bù mũi cho trẻ từ 1-5 tuổi chưa được tiêm đủ mũi vắc xin chứa thành phần sởi.
Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương triển khai và bảo đảm kết thúc việc tiêm chủng chậm nhất trong ngày 31/3/2025.
Trước đó, Bộ Y tế đã chủ động bố trí đủ, kịp thời vắc xin phòng sởi tới các địa phương trên toàn quốc và trong ngày 19/3/2025, Bộ Y tế đã có Công văn số 1572/BYT-PB đề nghị UBND các tỉnh, thành phố đảm bảo kinh phí khai tiêm chủng vắc xin phòng, chống bệnh sởi tại địa phương, đồng thời ban hành Quyết định số 915/QĐ-BYT ngày 19/3/2025 thành lập 6 Đoàn kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch và triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống bệnh sởi trên toàn quốc.
Tính đến ngày 31/3, toàn quốc ghi nhận có gần 682 nghìn mũi tiêm vắc xin phòng dịch sởi được thực hiện, trong đó: khu vực miền Bắc thực hiện được hơn 390.200 mũi; khu vực Miền Trung thực hiện được gần 149.500 mũi; khu vực Tây Nguyên thực hiện được hơn 66.200 mũi; khu vực miền Nam thực hiện được hơn 76.000 mũi.
Các tỉnh, thành phố đăng ký kết thúc chiến dịch vào ngày 31/3/25, tuy nhiên nhiều tỉnh đang tổng hợp số liệu và dự kiến còn triển khai tiêm vét trong đầu tháng 4/2025.
Chưa tiêm vắc xin, nhiều trẻ mắc sởi với biến chứng nặng
Trước đó, ngày 27/3, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, trưởng đoàn công tác của Chính phủ đã đi kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh sởi và triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng bệnh sởi tại Quảng Ninh.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, thời gian qua dịch bệnh tái nổi, mới nổi vẫn có những diễn biến phức tạp, một số dịch bệnh đã có dấu hiệu tăng theo chu kỳ, trong đó có dịch bệnh sởi.
Số ca nghi nhiễm sởi cũng như ca dương tính tại nhiều địa phương tăng trong thời gian qua, có nguyên nhân do ảnh hưởng tập trung phòng chống dịch COVID-19, nhiều trẻ chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ mũi vắc xin phòng bệnh sởi...
![]() |
Bộ trưởng Đào Hồng Lan kiểm tra công tác phòng chống bệnh sởi, chiến dịch tiêm vắc xin phòng sởi tại Quảng Ninh |
Qua theo dõi cho thấy có những địa phương tiêm tốt, có những địa phương tiêm vắc xin phòng bệnh sởi còn chậm, tỷ lệ thay đổi chưa nhiều như mong muốn.
Bộ Y tế cũng đã thành lập 6 đoàn kiểm tra đi cơ sở để lắng nghe một số kinh nghiệm thực tiễn, khó khăn vướng mắc gì, kiến nghị... cũng như những khuyến cáo của cơ quan chuyên môn để trao đổi cùng địa phương nhằm làm tốt hơn công tác phòng chống dịch, đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin...
Triển khai công điện của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của Bộ Y tế, các địa phương đã nỗ lực triển khai thực hiện thống kê, rà soát, "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng", đa dạng hóa truyền thông để người dân đưa con, em đến điểm tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi.
Tuy nhiên, trên thực tế quá trình triển khai chiến dịch đã có những khó khăn đó là vẫn có tình trạng dù cán bộ y tế, cán bộ khu dân cư đã mời nhiều lần nhưng vì nhiều lý do có gia đình vẫn không đưa con, em đến tiêm theo trào lưu "anti vắc xin"; hoặc nhiều trẻ đến điểm tiêm nhưng không đảm bảo điều kiện để tiêm chủng... khiến tỉ lệ tiêm chủng chưa đạt mức cao.
Liên quan đến dịch bệnh sởi, hiện cả nước đã ghi nhận hơn 52.000 ca mắc. Trên thực tế, số trẻ mắc sởi thời gian qua cho thấy phần lớn là trẻ chưa được tiêm vắc xin hoặc tiêm chưa đủ mũi theo khuyến cáo.
Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Sau Tết, số bệnh nhi sởi nhập viện gia tăng. Nếu như năm 2024, bệnh viện tiếp nhận khoảng 800 ca mắc sởi thì trong 3 tháng đầu năm, con số này đã lên tới 1.500 trường hợp.
Theo ghi nhận tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện đang có 97 bé mắc sởi nằm điều trị nội trú, trong đó, 5 cháu phải thở máy, 30 cháu phải thở oxy, còn lại cũng đều có biến chứng. Đáng lưu ý khi các bé mắc sởi nặng đợt này ở hầu hết dưới 3 tuổi và chưa tiêm phòng, hoặc tiêm chưa đầy đủ.
Chính vì vậy, các chuyên gia y tế khuyến cáo, để bảo vệ trẻ nhỏ khỏi bệnh sởi và các bệnh truyền nhiễm khác, cha mẹ nên đưa trẻ đi tiêm vắc xin đây cũng là cách thể hiện trách nhiệm với cộng đồng trong phòng chống dịch.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Đẩy mạnh công tác phòng chống bệnh tay chân miệng

Hà Nội ghi nhận thêm 189 ca mắc sởi trong tuần

Mắt có triệu chứng mờ bất thường cảnh báo bệnh lý nguy hiểm

Nguy cơ trẻ mù mắt vì trò chơi súng cao su bắn bi sắt

Chăm sóc sức khoẻ nha học đường cho 1.300 học sinh

Sẵn sàng đáp ứng công tác thu dung, điều trị bệnh nhân mắc sởi

Nhiễm ký sinh trùng, cụ ông 72 tuổi biến chứng nghiêm trọng

Thực hiện thành công ca ghép da tự thân cho bệnh nhân tiểu đường

Xem xét đình chỉ hoạt động phòng khám đa khoa An Đông
