Để sinh viên không rơi vào bẫy “tín dụng đen”…
Hoảng loạn vì sập bẫy “tín dụng đen”
Nhiều năm qua, không ít sinh viên vướng vào nợ xấu và không có khả năng chi trả. Một số may mắn được gia đình trả nợ để thoát khỏi cảnh nhắc lãi mỗi ngày nhưng một số khác thì phải bỏ học để đi làm kiếm tiền trả nợ.
Bất chấp việc các lực lượng chức năng liên tục có các biện pháp trấn áp, truy quét... những ổ nhóm "tín dụng đen" vẫn có dấu hiệu hoạt động trái pháp luật trong thời gian gần đây. Theo Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), các đối tượng hoạt động tín dụng đen thường nhắm đến các nhóm người yếu thế trong xã hội, có trình độ am hiểu pháp luật hạn chế, ý thức cảnh giác chưa cao, như thanh thiếu niên, sinh viên…
Trên thực tế, khách hàng của các nhóm "tín dụng đen" chủ yếu là học sinh, sinh viên, người thu nhập thấp cần một khoản tiền khoảng vài triệu đồng trong thời gian ngắn mà không muốn thực hiện các thủ tục vay tiền tại ngân hàng. Khách hàng có thể không để ý, hoặc bỏ qua các thông tin quy định ràng buộc về lãi suất, phí, tiền phạt... dẫn đến mức lãi suất phải trả cao hơn nhiều lần lãi suất của ngân hàng, cũng như việc vay của ứng dụng sau trả lãi cho ứng dụng trước.
Không ít sinh viên sập bẫy “tín dụng đen” |
Từng bị rơi vào bẫy “tín dụng đen”, bạn T.Đ.T - sinh viên năm 4 của một trường đại học ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết đã vay tại một trung tâm tài chính gần trường với lãi suất 5.000 đồng/triệu/ngày. Khi đến vay, Đ.T phải đưa thẻ sinh viên, mã sinh viên, mật khẩu cổng thông tin để xác thực là sinh viên của trường.
Để trả nợ vay, T.Đ.T đi làm thêm nhưng vẫn không đủ trả tiền gốc và lãi. Đến khi đáo hạn, T không đủ tiền và được chính người của nơi cho vay giới thiệu vay tiếp ở một app vay tiền khác. Cứ như vậy, một năm nay, T phải vay chỗ này, trả chỗ kia nhưng vẫn không thể giải quyết được dứt điểm số tiền gốc và lãi. T liên tục bị chủ nợ gọi điện, nhắn tin đe dọa, khủng bố tinh thần. Quá hoảng loạn, T báo cho gia đình...
Có thể thấy, với lãi suất 5.000 đồng/triệu/ngày tương đương với 15%/tháng và 180%/năm, thì cao gấp khoảng 20 lần lãi suất ngân hàng hiện nay. Đây là mức lãi suất rất cao, vi phạm nghiêm trọng quy định về lãi suất trong hợp đồng vay.
Trong khi đó, theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam xét về lãi suất cho vay, các cá nhân (tổ chức) cho vay vốn với mức lãi suất kể trên đều vi phạm Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015, trong đó quy định lãi suất không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Tất cả những trường hợp lãi suất cao hơn mức này đều vi phạm pháp luật.
Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định: Cho vay với lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định của Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng, có thể bị phạt tiền cao nhất đến 1 tỷ đồng, phạt tù cao nhất đến 5 năm.
Sinh viên cần tỉnh táo
Các sinh viên mới ra thành phố lớn, vừa thoát khỏi sự bao bọc của gia đình, lần đầu được bố mẹ cho tiền hàng tháng để tự chi tiêu, có thể không làm chủ được bản thân, sa vào các cuộc ăn chơi, dẫn đến tiêu hết tiền sinh hoạt hoặc tiền học phí mà gia đình chu cấp.
Khi đó, nhiều em vì sợ không dám nói với bố mẹ nên đã tìm đến những nơi cho vay nặng lãi để vay tiền bù lại số tiền đã tiêu, rồi dự định sau này làm thêm để kiếm tiền trả. Nếu các em không trả nợ đúng hạn sẽ bị các đối tượng gọi điện hoặc gặp trực tiếp quấy rối, đe dọa.
Để giải quyết nạn tín dụng đen, các cơ quan chức năng, địa phương cần tăng cường các biện pháp phòng ngừa, tuyên truyền cho người dân tránh và tố giác tín dụng đen; làm tốt công tác tiếp nhận và giải quyết tin báo tố giác; xử lý triệt để các đường dây cho vay nóng, vay nặng lãi trái quy định.
Minh họa: DAD |
Việc đẩy lùi tín dụng đen cần có sự vào cuộc của các cấp, ngành, chính quyền địa phương. Trong đó, lực lượng công an đẩy nhanh tiến độ kết nối thông tin giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các ngành, lĩnh vực, làm cơ sở để tổ chức tín dụng có đầy đủ thông tin, rút ngắn được quy trình thẩm định, giải ngân cho vay.
Các tổ chức tín dụng nghiên cứu những hình thức vay thích hợp phục vụ đối tượng là người nghèo, người lao động, học sinh, sinh viên với phương thức linh hoạt, ứng dụng các phần mềm kiểm soát thị trường cho vay, đề cao tiêu chí hỗ trợ hơn lợi nhuận.
Đặc biệt, mỗi sinh viên phải chủ động học hỏi và rèn luyện kỹ năng sống để không bị rơi vào bẫy tín dụng đen. Trong trường hợp không may vướng vào thì tuyệt đối không giấu giếm vì càng để lâu, sự việc càng phức tạp. Thậm chí, nếu tình hình xấu phải chủ động đến cơ quan công an để trình báo.
Đồng thời, các cơ quan chức năng, nhà trường cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, song song với các công cụ pháp luật, giúp lành mạnh hóa hoạt động cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, mà sinh viên là những đối tượng khách hàng rất dễ bị dụ dỗ và sa ngã.