Đề xuất ban hành Nghị quyết mới về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng
Nhiều cách làm sáng tạo, quyết liệt
Tham luận về “Những thành tựu, hạn chế và bài học kinh nghiệm trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng qua 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) từ thực tiễn của Đảng bộ thành phố Hà Nội”, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho biết: Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) được Đảng bộ Thủ đô thực hiện trong bối cảnh có nhiều thuận lợi nhưng cũng đan xen nhiều khó khăn, thách thức.
Tuy nhiên, Đảng bộ thành phố đã có nhiều cách làm sáng tạo, quyết liệt, thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo; Xác định là một trong những yếu tố hàng đầu quyết định trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, là chìa khóa cho sự ổn định và phát triển.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tham luận tại hội thảo |
Kết quả, về đổi mới phương thức lãnh đạo của Thành ủy, các cấp ủy đối với việc quán triệt và ban hành chỉ thị, nghị quyết của cấp ủy: Từ năm 2007 đến nay, Thành ủy đã ban hành trên 500 văn bản để triển khai thực hiện các nhiệm vụ được nêu trong Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X), đổi mới việc thực hiện Nghị quyết bằng việc xây dựng các chương trình, đề án, đề tài, chuyên đề để chỉ đạo thực hiện những vấn đề mới, có tính cấp bách, bức xúc mà thực tiễn đặt ra cần giải quyết.
Đặc biệt Thành ủy đã ban hành Nghị quyết mới có tính chuyên đề và khi thực sự cần thiết; Chủ động tham mưu với Trung ương, Bộ Chính trị ban hành các chủ trương, nghị quyết để giúp Thủ đô có điều kiện thuận lợi để phát triển nhanh, bền vững như: Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị (năm 2012); quy hoạch phát triển Thủ đô Hà Nội, Luật Thủ đô, và mới đây là Nghị quyết số 15 ngày 5/5/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thực hiện kết luận số 46-KL/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 97 của Quốc hội về thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, Thành ủy đã kịp thời ban hành 2 Quy chế làm việc mẫu của Đảng ủy phường, Quy chế mẫu của MTTQ và các đoàn thể; Chỉ đạo UBND TP ban hành Quy chế làm việc mẫu của 175 UBND phường; Xác định rõ trách nhiệm, lề lối làm việc, chế độ hội họp, phương thức giải quyết công việc, mối quan hệ công tác giữa Đảng ủy, MTTQ, các đoàn thể với UBND phường và với các cơ quan, tổ chức liên quan...
Đổi mới trong công tác cán bộ, kiểm tra, giám sát
Về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong công tác tổ chức, cán bộ, từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, Thành ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 04 về Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp; Rà soát, ban hành đồng bộ hệ thống văn bản về công tác cán bộ như: Quy định về Quản lý cán bộ, phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; Trách nhiệm và mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; Về đánh giá, xếp loại hằng tháng đối với cán bộ, công chức; về Công tác quy hoạch cán bộ.
Về đổi mới phương thức lãnh đạo thông qua công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng và phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực: Thành ủy đã chủ động ban hành chương trình kiểm tra, giám sát toàn khóa và kế hoạch hằng năm; chỉ đạo các cấp ủy đảng, UBKT các cấp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát theo tinh thần “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”; “kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm; Giám sát phải mở rộng”. Chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Thành ủy và UBKT các cấp xác định và tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm là kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và giám sát chuyên đề. Việc thi hành kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm được thực nghiêm túc, đúng quy định, đảm bảo phương châm “công minh, chính xác, kịp thời”.
Thành ủy đã ban hành 22 quy chế phối hợp giữa UBKT Thành ủy với các tổ chức đảng có liên quan trong thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng.
Từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X đến nay, Thành ủy, các cấp ủy đảng đã kiểm tra 24.106 lượt tổ chức đảng và 25.180 lượt đảng viên, giám sát 11.620 lượt tổ chức đảng và 35.633 lượt đảng viên.
Quang cảnh hội thảo |
Đề xuất cho phép Thủ đô có đặc thù về cơ cấu tổ chức bộ máy, biên chế
Tuy nhiên, theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, đánh giá lại 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) và thực tiễn đặt ra của quá trình đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân. Trong đó, việc đổi mới phương thức lãnh đạo, phong cách, lề lối làm việc của một số cấp ủy còn chậm, hiệu quả chưa rõ nét. Công tác lãnh đạo của cấp uỷ, điều hành của chính quyền tại một số địa phương, đơn vị chưa đồng bộ, thụ động, thiếu quyết liệt; Tình trạng trì trệ, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, nhất là ở cơ sở chưa được khắc phục triệt để. Công tác cải cách hành chính trong Đảng chậm được đổi mới.
Vai trò hạt nhân chính trị, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp uỷ, tổ chức cơ sở đảng còn yếu. Cá biệt có trường hợp cán bộ lãnh đạo quản lý cấp thành phố thiếu gương mẫu, vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho biết, từ thực tiễn 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X), Đảng bộ thành phố Hà Nội đã rút ra 4 bài học kinh nghiệm; Đồng thời kiến nghị 5 nội dung.
Trong đó, Thành ủy Hà Nội đề xuất Trung ương nghiên cứu, ban hành Nghị quyết mới về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị giai đoạn hiện nay; Chú trọng thể chế hóa nội dung, nguyên tắc trong phương thức cầm quyền của Đảng.
Thành phố đề nghị Trung ương nghiên cứu thể chế hóa, cụ thể hóa phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị thành các quy định, quy chế, như: Quy định thực hiện nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị; Quy định quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu và mối quan hệ giữa tập thể cấp ủy, tổ chức đảng với người đứng đầu; Quy định về cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”.
Ban Tổ chức Trung ương phối hợp Bộ Nội vụ quan tâm giải quyết đề xuất bố trí cán bộ, công chức đảng, đoàn thể ở các phường khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị đảm bảo đồng bộ, thống nhất với công chức hành chính ở các tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm mô hình này;
Hà Nội cũng đề xuất cho phép Thủ đô có đặc thù về cơ cấu tổ chức bộ máy, biên chế theo hướng tăng thẩm quyền, tự chủ cho Thủ đô; Nghiên cứu bố trí chức danh cán bộ văn phòng đảng ủy ở cấp xã, phường, thị trấn; Nghiên cứu sửa Luật Ngân sách Nhà nước phù hợp những nơi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị theo hướng “phân cấp, ủy quyền, tăng tính chủ động về ngân sách cho địa phương khi không còn HĐND phường”.