Đề xuất đưa vấn đề xâm hại trẻ em vào chương trình giám sát
Về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội xem xét, bổ sung của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019 và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật; Giám sát chuyên đề…
Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội xem xét, thảo luận báo cáo công tác năm 2019 của UBTV Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; của Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC, Kiểm toán nhà nước; Xem xét, thảo luận báo cáo của Chính phủ về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2019 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020…
Về nội dung giám sát chuyên đề trong chương trình giám sát 2019, căn cứ kết quả hoạt động giám sát những năm vừa qua và tình hình thực tế, trong năm 2019, UBTV Quốc hội đề nghị Quốc hội giám sát 2 chuyên đề tại 2 kỳ họp trong năm.
Trên cơ sở dự kiến số lượng, tiêu chí lựa chọn và nghiên cứu ý kiến kiến nghị của các cơ quan, UBTV Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định 2/4 nội dung: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2011-2018; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị giai đoạn 2014-2018; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2011-2018; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về lập, quản lý, sử dụng các loại quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2011-2018.
Thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019, hầu hết các đại biểu đều nhất trí với dung giám sát chuyên đề trong chương trình giám sát 2019.
ĐBQH Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) đề nghị Quốc hội giám sát tối cao liên quan bạo hành và xâm hại trẻ em, bởi tình trạng này đang diễn biến phức tạp và để lại hậu quả rất đáng lo ngại. Vấn đề này cũng đã được nhiều đại biểu Quốc hội lên tiếng và phân tích sâu trong các phiên thảo luận, các thành viên Chính phủ cũng thể hiện sự quan tâm đối với đối tượng là trẻ em.
ĐB Thảo đưa ra dẫn chứng "Theo Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, tính đến ngày 1 tháng 11 năm 2017 ở Việt Nam trung bình mỗi năm có hơn 2.000 trẻ bị bạo lực, bị xâm hại ở mức độ nghiêm trọng cần được can thiệp và con số này ngày càng gia tăng. Số liệu của Bộ Công an nghiên cứu trên 2000 học viên các trường giáo dưỡng cho thấy khoảng 50% em có tuổi thơ từng sống trong tình trạng hà khắc của bố mẹ. Theo Bộ trưởng Bộ Công an, trong 5 tháng đầu năm 2018 đã xảy ra 682 vụ xâm hại tình dục, trong đó xâm hại tình dục trẻ em chiếm đến 84%".
Đề cập giải pháp, theo đại biểu Thảo, việc tập trung công tác phổ biến tuyên truyền, tăng cường phối hợp trong thực thi pháp luật, xử lý vụ việc kịp thời... là chưa thực sự hiệu quả, vì thời gian qua vẫn thực hiện nhưng vụ việc vẫn xảy ra, có vụ đặc biệt nghiêm trọng.
Động thái mà Quốc hội cần thực hiện để bảo vệ quyền lợi của trẻ em phải kịp thời, mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa. Do đó, để khắc phục, giải quyết vấn đề một cách triệt để, tôi đề nghị cần phải bổ sung nội dung liên quan tới tình trạng bạo hành và xâm hại trẻ em vào chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019", vị đại biểu này đưa ra đề xuất.
Nhiều ĐBQH khác cũng nêu quan điểm đồng tình với quan điểm cần giám sát tối cao về tình trạng bạo lực và xâm hại trẻ em.