Điểm chuẩn vào đại học: Nhiều bất cập từ xét điểm thi tốt nghiệp
10 trường "top đầu" có điểm chuẩn cao nhất năm 2021 Thứ trưởng Bộ GD&ĐT lý giải nguyên nhân điểm chuẩn đại học năm 2021 tăng “Lạm phát” điểm chuẩn |
Nhiều bất cập từ xét điểm thi tốt nghiệp
TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT nhận xét, câu chuyện đề thi năm nay có sự thay đổi quá lớn dẫn đến nhiều thí sinh được điểm cao và không phân hóa được loại khá và giỏi, đặc biệt là môn tiếng Anh.
“Thi tốt nghiệp THPT phải phân hóa, mà sự phân hóa đó phải gần với việc học hành. Học sinh nào giỏi vào trường tốt hơn. Nếu không phân hóa thì việc xét tuyển mà mục đích là xét nhưng phương tiện làm không ổn sẽ mất sự đồng đẳng”, TS Hoàng Ngọc Vinh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó hiện các trường áp dụng phương thức xét tuyển không đồng nhất; Nào là học bạ, kết hợp xét học bạ với điểm thi tốt nghiệp, xét tuyển theo năng lực… quá nhiều thước đo dẫn tới loạn điểm chuẩn.
Điểm cao nhưng không đỗ đại học khiến nhiều học sinh mất niềm tin (Ảnh minh họa) |
Ngoài ra, các trường đại học trong bối cảnh cạnh tranh nguồn tuyển sinh nên tìm mọi cách để tuyển cho đủ chỉ tiêu… dẫn đến mất kiểm soát.
“Tôi thấy cách để tự chủ trong đại học hiện nay bắt đầu có sự rất lộn xộn, tại sao trường chuyên lại được cộng thêm điểm? Phải chăng là chúng ta đang lạm dụng tuyển sinh?”, TS Hoàng Ngọc Vinh đặt câu hỏi.
Ở một góc độ khác TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng đại học, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cũng nhận định: “Năm nay phương thức xét tuyển sinh rất lộn xộn. Ngoài xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT, học bạ còn một số điểm khác, trong đó có cả tiêu chí rất lạ như lấy chứng chỉ quốc tế ngoại ngữ để quy đổi điểm thi.
Chính sự lộn xộn dẫn đến tình trạng thí sinh chỉ căn cứ vào điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển đại học sẽ bị hụt hẫng. Tôi nghĩ đó là nguyên nhân chính. Nếu tình trạng này không khắc phục thì các năm tiếp theo sẽ bị mất lòng tin của phụ huynh, thí sinh về kỳ thi tốt nghiệp THPT này.
Về bản chất, kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia vẫn phù hợp nhưng phương thức tuyển sinh làm cho việc chỉ dựa trên kết quả tốt nghiệp THPT trở nên bất cập”.
Quá nhiều thước đo xét tuyển đại học dẫn đến loạn điểm chuẩn |
Nhiều ý kiến cho rằng, các thí sinh điểm cao không đỗ nguyện vọng mình yêu thích sẽ còn nguyện 2, 3… Tuy nhiên, theo các thí sinh, trong trường học, thầy cô luôn đặt tiêu chí điểm 10 là thang điểm tuyệt đối và là thước đo đánh giá danh hiệu học sinh. Tất cả học sinh đều vì tiêu chí này mà phấn đấu suốt quá trình học tập.
Sau 12 năm học, điểm thi lại không là tiêu chí để đỗ đại học. Vậy niềm tin với việc học hành và phấn đấu của các em sẽ như thế nào? Ngoài ra, cứ cho là điểm tuyệt đối các em kiểu gì cũng đỗ đại học, không vào trường này thì vào trường khác nhưng theo sự phân luồng, hướng nghiệp của các thầy cô, việc lựa chọn ngành yêu thích sẽ giúp các em có được động lực để phấn đấu cho ước mơ của tuổi trẻ.
Tuy nhiên, nếu chỉ vào đại học theo cách đủ điểm thì vào và vào ngành mình không yêu thích, việc học hành, phấn đấu cho tương lai sẽ ra sao? Chất lượng của các cử nhân ra đời không ước mơ, hoài bão liệu có thể đóng góp được nhiều cho công việc và sự phát triển đất nước hay không?
Ưu tiên xét tuyển tiếng Anh: Thiệt thòi cho học sinh nông thôn
Cũng theo TS Lê Viết Khuyến: “Kỳ thi năm nay, Bộ GD&ĐT công bố, số thí sinh đạt được 27 đến 30 điểm chỉ chiếm khoảng 5%. Tôi nghĩ với tỉ lệ như vậy thì không thể gọi là học sinh của ta giỏi quá.
Mọi năm, các trường lấy điểm tốt nghiệp THPT để xét tuyển đại học nhưng năm nay lấy nhiều tiêu chí lắm. Ví dụ như chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế nhưng tiêu chí này để vào ngành học tiếng Anh hay ngoại ngữ nào đó là đúng. Các ngành khác cũng lấy tiêu chí này thì vô lý. Tôi cho rằng đó là tiêu chí không ổn”.
TS Lê Viết Khuyến cũng nhận xét, kỳ thi năm nay, môn tiếng Anh và nhiều tổ hợp có môn tiếng Anh điểm cao. Phổ điểm môn tiếng Anh năm nay không bình thường. Nó có 2 đỉnh. Lý giải vấn đề này, TS Lê Viết Khuyến cho rằng, vì học sinh trên cả nước không được học theo chương trình chuẩn giống nhau. Dù chương trình của Bộ ban hành là một nhưng thực học lại khác nhau.
Cụ thể, học sinh ở các vùng thành thị đi học thêm tiếng Anh rất nhiều nên phông trình độ tiếng Anh cao hẳn lên, còn vùng nông thôn, miền núi không có điều kiện học như thế, nên đỉnh phổ điểm sẽ khác.
Vì thế nếu coi tiếng Anh là môn chủ lực và áp dụng tiêu chí thí sinh có IELTS 4.0 hay TOEFL ITP 450, TOEFL iBT 45 điểm... là được miễn thi hay quy đổi ra điểm thì với học sinh các vùng không có sự công bằng.
Ưu tiên có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế khiến học sinh ở nông thôn bị thiệt thòi (Ảnh minh hoạ) |
“Khi đánh giá một kỳ thi phải theo một chuẩn chung nhưng ở đây ta thấy có 2 chuẩn khác nhau. Như thế, nó ảnh hưởng đến các thí sinh trúng tuyển”, TS Lê Viết Khuyến nhấn mạnh.
Để việc thi tốt nghiệp THPT đúng theo mục tiêu là tốt nghiệp và xét tuyển đại học, theo TS Hoàng Ngọc Vinh, cần phải có trung tâm khảo thí độc lập ra đề thi mang tính quốc gia và chuẩn quốc gia.
“Từ việc điểm chuẩn năm nay cho thấy, có lỗi kỹ thuật ra đề, phải rút kinh nghiệm. Các trường đại học tự chủ phải xây dựng đủ năng lực, có thể sử dụng kỳ thi đánh giá năng lực. Bộ GD&ĐT vẫn muốn lấy kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT thì Bộ phải lấy những tiêu chí như thế nào để các thí sinh biết được và đề thi phải có sự phân loại, sàng lọc”, TS Hoàng Ngọc Vinh nêu quan điểm.