Diện mạo hạ tầng giao thông Thủ đô khởi sắc
Kỳ vọng bức tranh “sáng” về giao thông
Năm 2021 có nhiều điểm nhấn nổi bật về “bộ mặt” giao thông của Thủ đô Hà Nội khi đã từng bước đưa vào khai thác, vận hành hàng loạt các công trình hạ tầng giao thông đô thị quan trọng, góp phần tăng khả năng kết nối, giảm ùn tắc giao thông, tạo động lực để thúc đẩy kinh tế phát triển. Một trong số những công trình giao thông trọng điểm được đông đảo người dân Thủ đô kỳ vọng khi đưa vào khai thác, vận hành chính là tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Những ngày này đã có nhiều người dân sử dụng tàu điện làm phương tiện di chuyển. Hầu hết mọi người đều vui mừng, hài lòng khi được đi tàu điện sau nhiều năm mong ngóng. Chị Trần Phương Lan, ở khu đô thị Văn Quán (quận Hà Đông) chia sẻ: “Từ khi tàu vận hành, ngày nào tôi cũng đi làm bằng phương tiện này. Tàu điện Cát Linh - Hà Đông di chuyển êm và nhanh, tiết kiệm thời gian. Tôi kỳ vọng thành phố sẽ có thêm nhiều tuyến đường sắt đô thị, mở rộng và kết nối với khu vực ngoại thành để việc đi lại được thuận tiện, đỡ ùn tắc hơn”.
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được xem như dấu mốc đầu tiên cho xu thế phát triển vận tải công cộng hiện đại của Hà Nội |
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có thể được xem như dấu mốc đầu tiên cho xu thế phát triển vận tải công cộng hiện đại của Hà Nội. Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, tuyến đường sắt này sẽ mang lại hiệu quả đột phá, góp phần tăng cường năng lực của tất cả các loại hình vận tải hành khách công cộng khác.
Đánh giá cao ý nghĩa quan trọng trong giao thông công cộng và khởi đầu cho quy hoạch đường sắt đô thị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, theo quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội đến năm 2030 thì sẽ có 10 tuyến kết nối xuyên tâm và vành đai. Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được xác định là dự án đầu tư có ý nghĩa quan trọng trong hệ thống giao thông công cộng của Thủ đô, là khởi đầu cho việc triển khai thực hiện quy hoạch đường sắt đô thị đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong tương lai gần, dự kiến tuyến đường sắt đô thị này sẽ được kéo dài đến khu vực đô thị vệ tinh Xuân Mai.
Động lực mới phát triển kinh tế, xã hội
Trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã và đang tập trung phát triển nhiều công trình kết cấu hạ tầng giao thông, từng bước hoàn thiện theo quy hoạch. Hàng loạt các công trình giao thông do Trung ương và Hà Nội đầu tư đã được hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng trên địa bàn Thủ đô, tạo điều kiện để Hà Nội chủ động đầu tư kết nối các tuyến đường.
Nhiều tuyến đường, nút giao thông quan trọng đã được xây dựng đưa vào sử dụng thời gian qua như: Vành đai 2, cầu Vĩnh Tuy, Vành đai 3, trục phía Nam Hà Tây, Quốc lộ 1A (đoạn Văn Điển - Ngọc Hồi), một số đoạn tuyến của đường Vành đai 2,5 và 3,5; Các công trình cầu vượt tại nút giao thông quan trọng như Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt; An Dương - Thanh Niên, đường nối từ Vành đai 3 đến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường Tản Lĩnh - Ba Vì... Những trục giao thông này đã, đang và sẽ cải thiện hạ tầng giao thông, diện mạo đô thị, tạo thêm lực phát triển cho Thủ đô.
Đường Vành đai 3 trên cao là tuyến giao thông đường bộ quan trọng, dài khoảng 65km, đi qua 9 quận, huyện của Hà Nội |
Được biết, theo quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội sẽ có nhiều tuyến đường vành đai để kết nối nội bộ và thông thương với các tỉnh, thành lân cận. Với riêng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô có vai trò hết sức quan trọng bởi khi hoàn thành không chỉ góp phần giảm ùn tắc giao thông, mở rộng không gian phát triển cho Hà Nội, kéo giãn mật độ dân cư tại khu vực nội đô, mà còn tăng khả năng kết nối, tạo động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô, Vùng đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Qua nhiều năm xây dựng, mở rộng hệ thống giao thông đô thị, đến nay, hạ tầng Hà Nội đang từng bước hiện đại hóa; Bộ mặt đô thị ngày càng đổi khác, bất kỳ ai cũng thấy kỳ vọng và tự hào.
Chúng ta tự hào khi Hà Nội vươn mình, từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành một thành phố hiện đại, xứng tầm vị thế trong khu vực và thế giới. Trong tương lai, bên cạnh sự phát triển kinh tế, xã hội, bộ mặt của Hà Nội sẽ ngày càng khang trang, hiện đại.