Diện mạo hạ tầng giao thông Thủ đô khởi sắc
Trước thềm năm mới Xuân Quý Mão 2023, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường đã chia sẻ về những thành tựu nổi bật và một số khó khăn, thách thức đặt ra, cũng như kế hoạch hành động để hoàn thành các mục tiêu phát triển giao thông Thủ đô trong thời gian tới.
Diện mạo hạ tầng giao thông Thủ đô khởi sắc |
- PV: Xin ông cho biết những kết quả trọng tâm đạt được trong phát triển hạ tầng và giảm thiểu ùn tắc giao thông của Sở GTVT Hà Nội trong năm 2022?
- Ông Nguyễn Phi Thường: Trước hết về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, trong năm 2022, Sở đã khởi công 3 dự án hạ tầng giao thông quan trọng của thành phố bao gồm: Tăng cường giao thông đô thị bền vững cho dự án tuyến đô thị số 3 Hà Nội; Cải tạo, mở rộng Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai; Hầm chui Vành đai 2,5 với Quốc lộ 1A. Trong tháng 10/2022 đã hoàn thành dự án hầm chui Lê Văn Lương và hoàn thành thông xe kỹ thuật toàn tuyến Vành đai 2 trên cao đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở vào tháng 12/2022.
Sở đã tổ chức triển khai thực hiện hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư (phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư) đối với 5 công trình hạ tầng giao thông khung quan trọng của thành phố để chuẩn bị đầy đủ các điều kiện khởi công công trình trong năm 2023 gồm: Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; Tuyến đường nối cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3; Nút giao Vành đai 3,5 với Đại Lộ Thăng Long; Xây dựng tuyến đường cao tốc Đại lộ Thăng Long, đoạn nối từ Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình; Đầu tư xây dựng đường vành đai 3,5 (đoạn K0+000 - Km0+600, huyện Hoài Đức).
Hiện, Sở đang đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công để hoàn thành trong năm 2023 đối với các dự án đang triển khai: Cầu Vĩnh Tuy - Giai đoạn 2; Cầu vượt nút giao Phạm Ngọc Thạch - Chùa Bộc; Cải tạo mở rộng, tuyến đường đê Nghi Tàm - Âu Cơ (giai đoạn 2).
Về tình hình ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố, tổng số điểm thường xuyên ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm năm 2022 là 35 điểm (các điểm ùn tắc tập trung chủ yếu trong khu vực nội thành từ Vành đai 3 trở vào). Từ đầu năm đến nay, Sở GTVT đã chủ trì, phối hợp với Công an thành phố, UBND các quận huyện và các đơn vị liên quan xử lý được 8/35 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm gồm: Ngã tư Linh Đường - Nguyễn Hữu Thọ; Nút giao Trần Duy Hưng - Hoàng Minh Giám - Nguyễn Chánh; Ngã ba Tố Hữu - Vũ Trọng Khánh; Hầm chui Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến; Cầu Thường Tín trên đường Quốc lộ 1; Bạch Mai - Trương Định; Phạm Ngọc Thạch - Lương Đình Của; Cầu Lạc Trung - Kim Ngưu - Thanh Nhàn.
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường |
-PV: Phương tiện giao thông tiếp tục tăng nhanh, trong khi diện tích đất dành cho giao thông chưa được bố trí, quy hoạch tương ứng. Sự phát triển mất cân đối này đã ảnh hưởng đến giao thông Hà Nội thế nào, thưa ông?
-Ông Nguyễn Phi Thường: Theo quy hoạch phát triển GTVT thành phố Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 519/QĐ-TTg ngày 31/3/2016, để đảm bảo GTVT Thủ đô đáp ứng được các yêu cầu: Tỷ lệ diện tích đất giành cho giao thông phải đạt từ 20%-26%; diện tích đất giành cho giao thông tĩnh đạt 3-4%, tỷ lệ vận tải hành khách công cộng phải đạt được từ 50 - 55%. Thế nhưng hiện nay tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị mới đạt được khoảng 10,35%; Diện tích đất giành cho giao thông tĩnh mới được <1%; Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt được khoảng 17,8%.
Trong khi đó hàng năm các phương tiện giao thông gia tăng từ 4-5%/năm, vì vậy tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố là không thể tránh khỏi và diễn biến ngày càng phức tạp, đòi hỏi cần phải có các giải pháp đột phá để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông.
-PV: Vậy, trong năm 2023, Sở sẽ có những giải pháp đột phá như thế nào để giải quyết vấn đề trên, đưa giao thông Thủ đô ngày càng phát triển, thưa ông?
- Ông Nguyễn Phi Thường: Hiện nay, tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố diễn biến hết sức phức tạp. Nguyên nhân chủ yếu là tốc độ phát triển phương tiện giao thông cá nhân cao hơn tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông dẫn đến lưu lượng phương tiện tham gia giao thông rất lớn gây quá tải kết cấu hạ tầng giao thông; Ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông còn hạn chế.
Lễ khởi công mở rộng Quốc lộ 6, đoạn Ba La - Xuân Mai |
Nhiều công trình giao thông chưa hoàn thành theo đúng tiến độ để kết nối vào mạng lưới giao thông hiện có đồng thời nhiều tuyến đường phải tổ chức rào chắn phục vụ thi công các công trình trên địa bàn thành phố.
Để cải thiện tình hình giao thông, Sở GTVT đã phối hợp với các Sở, ngành, chính quyền địa phương thường xuyên rà soát các điểm, nút giao thông và các tuyến đường thực hiện các giải pháp trước mắt, khắc phục kịp thời đối với những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến ùn tắc giao thông.
Tuy nhiên, những giải pháp đang thực hiện trước mắt chủ yếu là điều chỉnh tổ chức giao thông hiện trạng nhằm giảm thiểu phần nào tình hình ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố. Do đó, trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện các giải pháp lâu dài.
Một là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31/3/2016, trong đó tập trung đầu tư hoàn chỉnh các tuyến đường vành đai; Các tuyến trục chính có tính kết nối: Nguyễn Hoàng Tôn; Nguyễn Tam Trinh; Lĩnh Nam; Đường 70...; Các cầu qua sông Hồng (Cầu Trần Hưng Đạo; Cầu Tứ Liên...) và các cầu khác qua sông để tăng tính kết nối.
Hai là tăng cường phát triển vận tải hành khách công cộng để hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, tập trung sắp xếp, điều chỉnh các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh đang vận hành và các tuyến mới hợp lý, khoa học giảm lưu lượng vào các tuyến xuyên tâm; Mở rộng vùng phục vụ của xe buýt, tăng độ bao phủ của mạng lưới, rút ngắn thời gian tiếp cận của hành khách với phương tiện giao thông công cộng.
Ba là nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông cho người tham gia giao thông, từng bước xây dựng văn hóa giao thông.
Bốn là tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông, vận tải.
Năm là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành GTVT, từng bước xây dựng hệ thống giao thông thông minh (Xây dựng hoàn thiện trung tâm điều khiển giao thông thành phố; Lắp đặt đặt hệ thống camera giám sát, xử phạt tại các nút giao thông, tuyến đường...).
Cuối cùng là quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, phát huy hiệu quả tối đa năng lực kết cấu hạ tầng giao thông.
- PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Trí Nhân thực hiện