Định danh "Truyện đường rừng" để khám phá di sản văn học rực rỡ của thế hệ trước
Hà Nội: Đưa tác phẩm văn học, nhân vật lên sân khấu và biểu diễn trong trường học |
Di sản rực rỡ của thế hệ trước
Tiến sĩ Văn học Nguyễn Thị Năm Hoàng (Phó trưởng khoa Văn học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết tín ngưỡng dân gian người Việt xưa nay vẫn tồn tại những điều thuộc về tâm linh. Đó là lý do tại sao người ta vẫn nói "thần cây đa, ma cây gạo". Trong khi đó, văn học là nhân học, văn học phản ánh một phần đời sống tinh thần, tâm lý của con người, vì thế không thể thiếu những tác phẩm có yếu tố kỳ ảo.
Các diễn giả trong buổi booktalk "Vẻ đẹp văn học kỳ ảo Việt Nam qua "Truyện đường rừng" và những truyện khác" |
Trong lịch sử văn học Việt Nam, chúng ta đã quen thuộc với các nhân vật như Đạm Tiên trong "Truyện Kiều" của Nguyễn Du, Vũ Thị Thiết - "Người con gái Nam Xương" trong "Truyền kỳ mạn lục" của Nguyễn Dữ...
Đến đầu thế kỷ 20, cùng với chủ nghĩa lãng mạn, các nhà văn thời bấy giờ muốn thoát ly thực tại, đi tìm vẻ đẹp ở một thế giới khác. Chính vì thế, truyện đường rừng với những câu chuyện kỳ ảo, với những nhân vật nửa người nửa quỷ... được các nhà văn Lan Khai, Thế Lữ, Tchya... sáng tạo nên. Đó là cách các nhà văn phản ứng với hiện thực theo cảm xúc rất đặc biệt mà ta có thể cảm nhận rằng họ mượn thế giới của quỷ để nói về thế giới của người lúc bấy giờ.
Tiến sĩ Văn học Nguyễn Thị Năm Hoàng chia sẻ về "Truyện đường rừng" |
Có thể nói, "Truyện đường rừng" là một nhánh của văn học Việt Nam thời 1930 - 1945. Bằng việc mượn không khí của đường rừng heo hút, hoang liêu, rợn ngợp, các nhà văn đã vẽ nên một không gian văn học thật riêng biệt, hấp dẫn người đọc. Chính vì thế, hệ thống lại các tác phẩm "truyện đường rừng" và những truyện khác, đặc biệt là 7 tác phẩm mà NXB Kim Đồng gửi tới độc giả là chúng ta đã khái quát, đưa đến cho độc giả cái nhìn toàn vẹn về các tác phẩm này của một thời, đặt nó vào dòng chảy văn học kỳ ảo Việt Nam với những sáng tác được tiếp tục trong thời hiện đại.
Nhà văn Di Li, với tư cách là một nhà văn nữ nổi tiếng với dòng văn học trinh thám kinh dị giữ vai trò điều phối buổi trò chuyện. Cô là tác giả của hơn 20 cuốn sách thuộc nhiều thể loại, trong đó, có 2 tác phẩm đã được chuyển thể thành phim: “Trại Hoa Đỏ”, “Câu lạc bộ số 7" đã giúp độc giả phân biệt rõ ràng. Có tác phẩm văn học kinh dị như chính những tiểu thuyết của cô, mang đến nỗi sợ hãi, ám ảnh, những câu chuyện, những lý giải tâm lý dù không có mấy yếu tố kỳ ảo. Còn những tác phẩm kỳ ảo thì có thể chẳng chút kinh dị nào, ai cũng có thể đọc được như "Harry Potter".
Nhà văn Di Li giữ vai trò điều phối buổi booktalk |
Còn nhà báo, nhà sưu tầm Yên Ba thì mang đến buổi booktalk những tờ báo gắn với "Truyện đường rừng" một thời. Trước khi đến với dòng văn học này ở Việt Nam, ông đã đưa đến cho độc giả những thông tin về Edgar Allan Poe - nhà văn, nhà viết kịch, nhà phê bình, nhà thơ Mỹ. Poe là ông tổ của thể loại truyện trinh thám và hình sự, ông có sự ảnh hưởng đến Charles Baudelaire, Fyodor Dostoevsky, Sir Arthur Conan Doyle. Trong sáng tác của một số nhà văn Việt Nam cũng có thấp thoáng hình ảnh của Edgar Poe.
Trở lại với "Truyện đường rừng" của Việt Nam, nhà báo Yên Ba cũng nhắc lại khái niệm "Truyện dài kỳ" từng xuất hiện trên báo chí nước ta hồi những năm 30 - 45 của thế kỷ trước. Với tốc độ phát triển và sự cạnh tranh của các tờ báo, chủ bút sẽ đặt những truyện dài kỳ để thu hút độc giả. Đó là mảnh đất để các nhà văn thể hiện tài năng của mình bằng việc đưa ra các câu chuyện ly kỳ, hấp dẫn và luôn đến cao trào thì ngắt, buộc độc giả phải tò mò, háo hức mua báo ở kỳ tiếp theo để đọc.
Vốn quý với văn học kỳ ảo đương đại
Các diễn giả cho rằng, có thể nói, báo chí và các nhà xuất bản chính là bệ đỡ cho văn học kỳ ảo Việt Nam lúc bấy giờ. Còn ngày nay, việc NXB Kim Đồng bằng việc xuất bản những tác phẩm này góp phần định danh "Truyện đường rừng". Đây cũng là một cách khám phá di sản văn học rực rỡ của thế hệ trước. Cách phân chia dòng văn học theo thể tài sáng tác này dẫn dắt người đọc vào thế giới huyền bí mà lý trí không giải thích được. Sự sợ hãi, thậm chí hoang đường, kinh dị kích thích trí não người đọc, khiến người ta tìm cách để giải thích, chính vì thế độc giả trở nên phần nào trưởng thành hơn. Mỗi nhà văn sẽ mang đến cho độc giả những trải nghiệm khác nhau làm phong phú thêm cho văn học nước nhà.
Các tác phẩm văn học kỳ ảo NXB Kim Đồng gửi tới độc giả |
Tiến sĩ Năm Hoàng thì nhấn mạnh, các tác giả "Truyện đường rừng" đã mở ra một thế giới đầy sáng tạo. Với Lan Khai, đó là "truyện lồng trong truyện" khi từ vai trò người kể truyện tác giả lại đưa ra những nhân vật khác với những gì họ trải qua và kể lại. Với Tchya thì ngồn ngộn tư liệu và triết lý sống. Còn như Thế Lữ thì lại mang đến vẻ đẹp của văn chương với ngôn từ, với cách miêu tả kỹ lưỡng thiên nhiên, cảnh vật sau đó mới kể chuyện...
Dù vậy, các tác phẩm này vẫn bám sát vào thực tế cuộc sống, đó là những phong tục, tập quán của người Việt, ở đây là vùng miền núi, nơi đường rừng với cách ăn cách ở, cách nói, cách sinh hoạt thời đó. Bởi vậy, không khí mà họ đưa đến cho người đọc vừa huyền ảo huyễn hoặc vừa rất hiện thực. Điều đó cho thấy các nhà văn đã tham dự rất sâu sắc vào đời sống của người dân để viết nên những ''tiểu thuyết đậm chất phong tục" bên cạnh những ly kỳ, rùng rợn kia.
Nhà văn Di Li thì một lần nữa nhấn mạnh "Truyện đường rừng" chính là "đặc sản" của văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20. Bởi các nhà văn đã dựa trên yếu tố thực tế của bấy giờ, với những cánh rừng mênh mông rợn ngợp, với các ông thần hổ xuất hiện dày đặc bởi ngày trước cứ đi đường rừng rất dễ gặp hổ nhảy ra chắn đường. Ngày xưa người sợ hổ ăn thịt còn bây giờ hổ lại sợ người, rừng không còn nguyên bản như xưa, nữ nhà văn nói vui. Đó là lý do bây giờ khó có thể viết được những "Truyện đường rừng" như thế này nữa.
Song, như thế càng thấy những tác phẩm này rất quý với những người viết văn đương đại, nữ nhà văn khẳng định.