Nhà văn Nguyễn Một gửi gắm gì tới người trẻ trong tiểu thuyết "Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín"?
Nhà văn viết báo - “phân vai” trong từng con chữ |
Đã vô cùng thành công với hai tiểu thuyết "Đất trời vần vũ" và "Ngược mặt trời", lần này, nhà văn Nguyễn Một tạm rời phong cách huyền ảo quen thuộc của những cuốn tiểu thuyết trước để đào sâu mảnh đất hiện thực bằng những chiêm nghiệm đời sống của chính tác giả.
Từ trái qua: Nhà văn Di Li, nhà văn Nguyễn Một, nhà báo Yên Ba tại buổi ra mắt cuốn tiểu thuyết "Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín" |
"Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín" là câu chuyện chân thực về cuộc tình của một chàng trai nông thôn trốn lính lên thành phố rồi đem lòng yêu một cô bé ở vùng ven phố thị. Câu chuyện tình của họ diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến đang giai đoạn rực lửa. Bao trùm lên số phận mỗi nhân vật là vận mệnh của đất nước khi đang bị chia cắt bởi cuộc chiến lịch sử.
Tại buổi ra mắt cuốn sách, nhà văn Nguyễn Một xúc động chia sẻ: "Chiến tranh ám ảnh tôi bởi cha mẹ đều là những người dân thường bị giết hại. Các cậu tôi kể lại, mẹ chết do một viên đạn bắn xuyên qua đầu. Lúc đó mẹ đang ôm tôi, máu của bà phủ kín đứa bé 4 tuổi chưa biết thế nào là chia ly.
Những câu chuyện của người lớn kể sau này đã hằn sâu vào tâm trí tôi. Vì thế, tôi viết về chiến tranh để bạn trẻ biết về quá khứ và biết cách ứng xử với tương lai".
Cuốn tiểu thuyết truyền đi thông điệp mọi người hãy sống chan hòa, yêu thương nhau hơn |
Thông qua cuốn tiểu thuyết này, nhà văn Nguyễn Một mong truyền đi thông điệp là “Lịch sử không thay đổi được, đừng để lịch sử dày vò tương lai”. Ông luôn mong ước hoà bình, sự tha thứ và yêu thương tràn ngập giữa người với người.
Nhà văn Nguyễn Một cũng cho biết sau nhiều năm cầm bút anh nhận ra sự chân thật trong cuộc sống là rất cần thiết và có giá trị. Có lẽ càng những tác phẩm lớn càng cần đến sự đơn giản và chân thật.
Cũng giống như trong tình yêu, mọi lời nói hoa mỹ đều thành thừa và không có trọng lượng bằng ba từ đơn giản "Anh yêu em". Đó cũng là lý do mà anh sử dụng bút pháp chân thực trong cuốn tiểu thuyết mới nhất này.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã cho biết: "Đọc tác phẩm của Nguyễn Một cho thấy cuộc chiến tranh xé chúng ta ra, chia cắt chúng ta và vẫn còn nhiều đau đớn.
Cuốn sách cho thấy hậu chiến, tiếng vọng đằng sau chiến tranh còn lại với chúng ta quá lâu dài. Xin cảm ơn nhà văn Nguyễn Một với cách nhìn khác, với cảm quan khác mà ở đó chúng ta không chỉ nhìn thấy bi thương mà còn cả những điều khác nữa".
Nhà văn Tạ Duy Anh đã nhận định: "Ý nghĩa nhân văn lớn lao nhất mà ta nhận được sau khi khép lại cuốn sách là lời kết án: Chiến tranh, mi đừng có sinh ra trên thế gian này!
Tôi nghĩ đây là cuốn tiểu thuyết nên đọc bởi không chỉ là câu chuyện tình dang dở mà qua đó, Nguyễn Một đã kỳ công đưa lại cho chúng ta những nỗi đau của người dân trong cuộc chiến".
Cũng tại buổi ra mắt sách, nhiều đồng nghiệp văn chương đã tỏ ra bất ngờ với ngòi bút của Nguyễn Một với sự biến hóa linh hoạt cũng như "đa tài". Nếu khi gặp ngoài đời nhà văn rất hài hước hẳn nhiều người sẽ nghĩ văn chương của Nguyễn Một cũng sẽ có nhiều tiếng cười. Vậy mà, ngược lại, trong văn chương Nguyễn Một đã để lại rất nhiều khoảng trống để độc giả phải suy tư, ngẫm ngợi hơn là sự hài hước.
Nhà văn Nguyễn Một còn có bút danh là Dạ Thảo Linh khi viết những cuốn sách dành cho thiếu nhi như “Hoa dủ dẻ”, “Năm đứa trẻ xóm đồi”, “Long lanh giọt nắng”, “Múa trái chín”… Anh là tác giả của gần 20 đầu sách đa dạng thể tài: Truyện ngắn, truyện vừa, bút ký, tản văn, tiểu thuyết. Truyện ngắn “Trước mặt là dòng sông” của Nguyễn Một từng được đạo diễn Khải Hưng chuyển thể thành phim truyền hình. Tiểu thuyết “Đất trời vần vũ” của anh được giải C cuộc thi tiểu thuyết Hội nhà văn 2010, cũng được dịch và đưa vào thư viện Quốc hội Hoa Kỳ dưới nhan đề “Heaven and Earth in Tumult”. Hiện anh đang sống tại tỉnh Đồng Nai, là ủy viên Hội đồng văn xuôi - Hội nhà văn Việt Nam và là giám đốc truyền thông của Tập đoàn Trường Hải (THACO). |