Định hướng cấp THCS - “đón đầu” xu hướng giúp học sinh sớm định hình tương lai
Lựa chọn tổ hợp ở chương trình GDPT mới: Phụ huynh, học sinh, nhà trường đều “loay hoay” Hà Nội cấp phép cho gần 2.500 cơ sở giáo dục mầm non độc lập |
Còn nhiều băn khoăn, lo lắng
Chia sẻ với phụ huynh, học sinh tại ngày hội tư vấn định hướng cấp THCS, cô Nguyễn Thị Lý - Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Du đã giới thiệu khái quát và nêu bật tầm quan trọng của chương trình giáo dục THCS đối với sự phát triển năng lực của học sinh. Trung học cơ sở là một bậc quan trọng trong hệ thống giáo dục. Đây là giai đoạn hình thành thế giới quan và bồi dưỡng kiến thức, kĩ năng sống, phát triển các phẩm chất, năng lực cần thiết cho học sinh.
Cô Nguyễn Thị Lý - Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Du chia sẻ tại Ngày hội tư vấn định hướng cấp THCS |
Xuất phát từ thực tế đó, trường THCS Nguyễn Du lần đầu tiên tổ chức Ngày hội tư vấn định hướng cấp THCS cho phụ huynh, học sinh khối 6. Ngày hội ý nghĩa bởi nó giúp phụ huynh và học sinh sớm định hình được chương trình đào tạo của 4 năm THCS, nhìn thấy trước hướng đi vào THPT cho con, em từ đó xây dựng và lựa chọn được lộ trình học tập đúng đắn và phù hợp.
Là phụ huynh có con năm nay bắt đầu vào lớp 6, anh Tú (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) hoàn toàn yên tâm khi nộp hồ sơ tuyển sinh cho con vào trường THCS Nguyễn Du. Anh Tú chia sẻ: “Tôi đã theo dõi các hoạt động của nhà trường rất lâu, trước khi con bắt đầu vào cấp THCS. Tôi cảm thấy rất ấn tượng với một ngôi trường vừa trẻ trung, năng động lại có rất nhiều hoạt động ngoại khóa bổ ích. Niềm tin đó của tôi lại càng được củng cố khi hôm nay đến tham dự ngày hội”.
Phụ huynh này cũng chia sẻ những băn khoăn, lo lắng lớn nhất là hướng mục tiêu cho con thi đỗ vào trường THPT dưới áp lực gia tăng dân số và tỉ lệ chọi ngày càng cao ở kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập. Cùng với đó là việc lựa chọn môn học, tổ hợp môn học liên quan đến định hướng nghề nghiệp trong tương lai.
“Chính vì thế, tôi muốn tìm hiểu thật kỹ để có thể đồng hành cùng con trong suốt 4 năm THCS, giúp con trang bị kiến thức nền vững chắc để tự tin chọn ngành, chọn nghề trong tương lai. Tất nhiên, điều cốt lõi nhất vẫn phụ thuộc vào ý chí và năng lực thực sự của con”, anh Tú nói.
Rất đông phụ huynh, học sinh lớp 6 năm học 2022 - 2023 đến tham dự chương trình |
Cũng chung sự quan tâm như anh Tú, chị Hải Hồng (ở phường Trung Văn) chia sẻ sự quan tâm với lớp đào tạo chất lượng cao của nhà trường và nỗi băn khoăn khi con bắt đầu bước vào chương trình học tích hợp liên môn. Theo chương trình GDPT 2018, từ bậc THCS sẽ không còn các môn Lịch sử, Địa lý, thay vào đó là môn tích hợp Khoa học xã hội, các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học đơn lẻ sẽ được thay thế bằng môn tích hợp Khoa học tự nhiên.
Giúp phụ huynh nhìn đúng, chọn chuẩn
Chia sẻ, giải đáp thắc mắc của phụ huynh, tại ngày hội, cô Nguyễn Thị Lý cũng giới thiệu khái quát về nhà trường, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, tầm nhìn, sứ mệnh và chương trình giáo dục.
Là ngôi trường trẻ chuẩn bị bước vào năm học thứ năm nhưng trường THCS Nguyễn Du đã sớm khẳng định được vị thế. Điều đó được thể hiện và khẳng định qua thành tích của các lứa học sinh tham dự các kỳ thi quốc gia và quốc tế, các lượt học sinh thi đỗ vào lớp 10 THPT công lập và THPT chuyên trên địa bàn TP Hà Nội.
Cụ thể, trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2022 - 2023, điểm trung bình toàn trường là 36,35 điểm. Trường có 37/102 học sinh có điểm thi Toán trên 9. Điểm Toán trung bình toàn trường là 7,8. Có 10 học sinh thi đỗ vào lớp 10 với điểm số cao.
Không chỉ chú trọng đến việc trang bị kiến thức, trường THCS Nguyễn Du còn đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục đạo đức, lối sống, rèn kỹ năng cho học sinh. Mỗi năm, học sinh nhà trường được tham gia 70 hoạt động giáo dục, với 2 hoạt động giáo dục kỹ năng ở mỗi tuần.
Phụ huynh chia sẻ băn khoăn tại ngày hội |
Định hướng phát triển ngôi trường thân thiện, hiện đại, trường xác định sứ mệnh đào tạo học sinh Nguyễn Du trở thành công dân toàn cầu với nhiều hoạt động giao lưu quốc tế thường xuyên được phối hợp tổ chức với các cơ sở giáo dục trong và ngoài nước.
Cô Nguyễn Thị Lý cho biết: “Giai đoạn từ 11 đến 15 tuổi là bước nhảy vọt cả về thể chất lẫn tinh thần, bởi vậy môi trường THCS sẽ giúp học sinh điều chỉnh bản thân theo các chuẩn mực chung của xã hội; vận dụng các phương pháp học tập tích cực để hoàn chỉnh tri thức và kỹ năng; có những hiểu biết ban đầu về các ngành nghề và có ý thức hướng nghiệp để tham gia vào cuộc sống sau này.
Đặc biệt, bắt đầu từ năm học 2022 - 2023 khi chương trình GDPT mới 2018 được triển khai với học sinh lớp 10, hướng các em chủ động lựa chọn môn học, ngành học thì việc định hướng THCS càng trở nên cấp thiết, có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết”.