Lựa chọn tổ hợp ở chương trình GDPT mới: Phụ huynh, học sinh, nhà trường đều “loay hoay”
Một số lưu ý với thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường Đại học Công đoàn Học sinh Việt Nam đạt thành tích vượt trội tại IMO 2022 |
Học sinh, phụ huynh "loay hoay" giữa các tổ hợp
Năm học 2022-2023, học sinh lớp 10 trên cả nước sẽ bắt đầu chương trình giáo dục phổ thông mới 2018.
Ngoài các môn học bắt buộc, học sinh còn phải chọn tổ hợp môn. Điều này khiến nhà trường lẫn phụ huynh loay hoay khi triển khai chọn tổ hợp.
Phụ huynh được hướng dẫn làm thủ tục nhập học cho con vào lớp 10 tại trường THPT Trần Nhân Tông (ảnh: FBNT) |
Theo chỉ đạo mới về môn Lịch sử, ở các trường phổ thông sẽ có 8 môn học bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Tiếng Anh, Quốc phòng an ninh, Giáo dục địa phương, Giáo dục thể chất và Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp. Về các môn lựa chọn theo tổ hợp, quy định của Bộ GD&ĐT sẽ có ba nhóm môn tự chọn, nếu để tự học sinh chọn năm môn theo ý thích thì có đến 108 tổ hợp. Điều này khiến hầu hết các nhà trường không thể có đủ điều kiện để đáp ứng việc dạy học, vì vậy, nhiều trường chỉ triển khai một số nhóm tổ hợp để học sinh chọn.
Chị Thu Phương (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, suốt từ thời điểm nhà trường bắt đầu nhận hồ sơ cho đến nay, chị và con vẫn chưa đặt bút quyết định chọn tổ hợp nào.
Chị Phương chia sẻ: “Mỗi trường có một cách bố trí tổ hợp khác nhau nhưng cơ bản vẫn chưa thấy hợp lí vì môn tự chọn thì nên để các cháu tự chọn. Ví dụ 5 môn tự chọn thì cho các cháu chọn 2 môn trong đó, 3 môn thì mình thêm vào thôi chứ đây các nhà trường đưa ra luôn. Có thể cháu thích môn này nhưng không thích môn kia”.
Suốt từ thời điểm con chuẩn bị làm hồ sơ đăng ký thi vào 10, chị Phương tham gia nhiều nhóm phụ huynh khác nhau để cùng xử lý những tình huống nảy sinh và cũng học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ những phụ huynh đi trước. Tuy nhiên, câu chuyện chọn tổ hợp thì hoàn toàn khác, chưa phụ huynh nào trải qua, cũng chưa có hình dung việc dạy học sẽ thế nào. Rồi mỗi trường lại tổ chức tổ hợp khác nhau, tên gọi cũng không giống nhau nên không phụ huynh nào chia sẻ được.
Cũng trong tâm trạng rối bời như chị Phương, chị Nguyễn Thanh Mai (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: “Theo tôi tìm hiểu, nếu lỡ chọn cho con rồi mà năm sau thấy không phù hợp thì không thể đổi nguyện vọng được nữa. Đặc biệt nếu đã lựa chọn tổ hợp xã hội, sau này muốn quay lại tổ hợp tự nhiên thì gần như là không thể. Vì vậy, dù đã đọc kỹ, nghe thầy cô tư vấn nhưng tôi vẫn không quyết định được nên chụp lại mang về để cả nhà cùng thảo luận rồi tìm thêm chia sẻ từ các nhóm phụ huynh để hi vọng có lựa chọn đúng cho con”.
Nhà trường cũng gặp khó
Không chỉ phụ huynh, học sinh “loay hoay” giữa các tổ hợp, đa số các trường THPT đều bày tỏ sự bỡ ngỡ, khó khăn khi năm đầu tiên bắt tay thực hiện chương trình GDPT mới 2018.
Thầy Nguyễn Minh Phi - Hiệu trưởng trường THPT Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, với sự điều chỉnh mới nhất của Bộ GD&ĐT liên quan đến môn Lịch sử trở thành môn học bắt buộc, việc lựa chọn tổ hợp sẽ thuận lợi hơn cho các học sinh có định hướng học khoa học xã hội.
Phụ huynh, học sinh được hướng dẫn lựa chọn các tổ hợp |
Căn cứ vào tình hình thực tế, trường THPT Hoàng Văn Thụ đưa ra 5 nhóm tổ hợp cho học sinh lựa chọn. Tuy nhiên, cũng như bao nhà trường khác, khó khăn mà THPT Hoàng Văn Thụ gặp phải là xếp lớp học và sắp xếp nhân sự.
“Hiện tại, có tổ hợp thứ 5 chỉ có 57 học sinh lựa chọn. Nếu xếp vào 1 lớp thì đông, 2 lớp thì không đủ sĩ số và nhân lực. Thực tế nhà trường đang gặp phải là có tổ hợp nhiều học sinh chọn, trường loay hoay sắp xếp giáo viên nhưng lại có môn, tổ hợp ít học sinh chọn. Như môn Công nghệ, trường có 3 giáo viên nhưng chỉ có 1 lớp dạy”, thầy Phi thông tin
Là năm đầu triển khai ở khối trung học phổ thông, bắt đầu tư lớp 10, theo thầy Hà Xuân Nhâm - Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, việc lúng túng, băn khoăn từ mọi phía sẽ là điều khó tránh.
“Mặc dù là các trường đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng, tuy nhiên, khó khăn về cơ sở vật chất, về nhân sự dẫn tới thực tế chưa thể đáp ứng được một cách tối đa như mong muốn. Có thể ví dụ như một số nội dung như âm nhạc, mỹ thuật hoặc là một số nội dung như triển khai hoạt động trải nghiệm đều là những nội dung mới chương trình trung học phổ thông trước đây chưa có”, thầy Xuân Nhâm chia sẻ.
Hiện tại, Phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT Hà Nội) cũng đang xây dựng kế hoạch với mục tiêu nhanh chóng chia sẻ, tham mưu hỗ trợ các nhà trường trong việc tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện chương trình GDPT mới 2018 bậc THPT.
Trả lời những băn khoăn, lo lắng của phụ huynh, học sinh về lựa chọn tổ hợp, thầy Nhâm cũng cho biết: Trong 3 nhóm môn lựa chọn, ít nhất mỗi nhóm phải có một môn phù hợp mong muốn của học sinh nên dù khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội đều có những nội dung liên quan đến các lĩnh vực còn lại. Bên cạnh đó, việc thi cử kiểm tra đánh giá rồi các trường đại học tuyển sinh như thế nào đối với chương trình 2018 cũng sẽ có những thay đổi phù hợp.
“Việc quan trọng nhất hiện tại là tập trung học tốt những nội dung mà mình đã lựa chọn. Còn những mong muốn cụ thể, phụ huynh trao đổi với lãnh đạo nhà trường, Phòng Giáo dục Trung học cam kết sẽ đồng hành các nhà trường để tháo gỡ những khó khăn, đặc biệt rất mong muốn các nhà trường đáp ứng tối đa nguyện vọng của học sinh phát triển theo hướng cá nhân”, thầy Nhâm chia sẻ.