Định hướng quy hoạch giao thông Hà Nội phải tạo ra các không gian mới
Hà Nội sẽ xóa từ 8 - 10 điểm "đen" ùn tắc giao thông mỗi năm Tăng cường kết nối vùng, tạo diện mạo đột phá cho Hà Nội Giải pháp nào gỡ “nút thắt” hệ thống giao thông vận tải ở Hà Nội? |
Ưu tiên phát triển giao thông công cộng
Chiều 3/8, Sở Giao thông vận tải Hà Nội phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cùng các đơn vị tư vấn tổ chức tọa đàm về kết quả rà soát đồ án quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội và định hướng quy hoạch giao thông vận tải thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải chủ trì tọa đàm |
Tại tọa đàm, đại diện Tổng Công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) báo cáo kết quả rà soát quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31/3/2016 (Quy hoạch 519).
Về định hướng quy hoạch giao thông vận tải thành phố Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đại diện đơn vị tư vấn, Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải, Bộ Giao thông vận tải nêu, quy hoạch được lập với quan điểm phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, bền vững, hiện đại, dễ tiếp cận, thuận lợi, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và thân thiện với môi trường. Quy hoạch ưu tiên phát triển giao thông công cộng, đặc biệt là hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị, góp phần giải quyết ách tắc giao thông, tai nạn giao thông trên địa bàn.
Theo đó, hướng tuyến được điều chỉnh trên cơ sở 8 tuyến đã phê duyệt tại Quy hoạch 519 để từng bước hình thành các tuyến phân theo chức năng: Vành đai, hướng tâm. Trong đó các tuyến vành đai hình thành các tuyến trên cơ sở vành đai 1; 2,5 và 3; Các tuyến hướng tâm; Các tuyến kết nối với thành phố thuộc Thủ đô và đô thị vệ tinh, đầu mối vận tải lớn.
Về nhà ga, dự kiến quy hoạch hệ thống nhà ga dùng chung tại giao cắt giữa các tuyến đường sắt đô thị và quy hoạch các ga đầu mối để kết nối với các địa phương khác trong vùng Thủ đô bằng đường sắt đô thị và đường sắt liên vùng.
Về mục tiêu, ưu tiên giải quyết ùn tắc tại các trục xuyên tâm khu vực cửa ngõ thành phố, bổ sung hệ thống cầu vượt sông đảm bảo quy mô 1-3km/cầu khu vực trung tâm và 3-5km/cầu khu vực ngoại thành; Nghiên cứu bố trí sân bay thứ hai cho Vùng Thủ đô Hà Nội tại khu vực phía Nam thành phố Hà Nội; Ưu tiên sớm hoàn thiện hệ thống đường sắt kết nối đến các cảng hàng không đảm bảo vận tải bằng đường sắt đóng vai trò chủ đạo…
Đại biểu tham luận tại tọa đàm |
Định hướng phát triển phải tạo các không gian mới
Điều hành thảo luận, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải lưu ý Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, Sở Giao thông vận tải và các đơn vị tư vấn bám sát vào căn cứ lớn về chính trị là Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để xác định cụ thể những vấn đề lớn về quan điểm, định hướng phát triển đến những nội dung cụ thể trong các lĩnh vực.
Riêng về nội dung quy hoạch giao thông Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố nêu yêu cầu các định hướng phát triển phải tạo các không gian mới với hiệu quả cao nhất.
Đánh giá cao các ý kiến phát biểu tại tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các đơn vị được giao triển khai hai quy hoạch tiếp thu tối đa, tiếp tục bàn bạc, thống nhất các nội dung từ chi tiết đến tổng hợp. Sở Giao thông vận tải tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị tư vấn, tổ chức thêm nhiều buổi làm việc để hoàn thiện báo cáo cấp độ 2 của tư vấn, xin ý kiến lãnh đạo thành phố. Các đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến các sở ngành, chuyên gia, sở ngành tiếp tục bám đúng khung định hướng của thành phố để hoàn thiện sản phẩm với chất lượng cao nhất, đáp ứng kỳ vọng của thành phố đặt ra.