Đồ Sơn - tự hào miền đất địa linh hùng vĩ
Quần thể tháp Tường Long uy nghi giữa biển trời bao la (Ảnh: Sưu tầm) |
Đến hẹn lại lên, cứ mỗi dịp Tết đến, xuân về là người người lại nô nức chảy hội, du xuân. Trong không khí vui tươi của mùa xuân, mảnh đất Đồ Sơn nổi lên như một “viên ngọc” sáng bởi mang trong mình đầy sức cuốn hút, sự kì bí, nhiều di tích lịch sử.
Du khách đến Đồ Sơn sẽ được chiêm ngưỡng ngôi chùa hùng vĩ, hiên ngang đứng giữa núi đồi mang tên tháp Tường Long có lịch sử xây dựng hàng nghìn năm tuổi.
Theo sử sách ghi chép, tháp Tường Long hay còn được Nhân dân địa phương gọi là chùa Tháp có từ thời vua Lý Thánh Tông (năm 1010 - 1225). Tháp Tường Long được xây dựng trên đỉnh núi Long Sơn, ngọn núi cao nhất trong dãy Cửu Long ở Đồ Sơn.
Vị trí xây dựng chùa Tháp cao 126m so với mực nước biển và được cho là ngọn tháp cao nhất thời bấy giờ.
Trong cuốn “Đại Việt sử lược” có ghi chép, vào năm Mậu Tuất 1058, vua Lý Thánh Tông sau khi ngự giá qua biển Ba Lộ đã dừng chân ghé lại nơi đây xây dựng tháp. Sau đó, người còn nằm mộng thấy rồng vàng, cho đây là điềm lành nên ban cho ngọn tháp tên Tường Long, có ý nghĩa như “Rồng vàng hạ thế”.
Lễ khai bút và vinh danh học sinh xuất sắc năm học 2023-2024 của Đồ Sơn tại khu di tích chùa tháp Tường Long |
Theo dân gian, chùa Tháp còn được sử dụng như một đài quan sát các biến động phía Đông Bắc (thời đó các tín hiệu truyền đi bằng “truyền đăng”) chính là dùng vật liệu như cỏ khô, cỏ khói đốt để truyền tin về kinh thành Thăng Long. Ngoài việc phục vụ chức năng tín ngưỡng, tôn giáo, chùa Tháp còn là căn cứ nòng cốt cho việc giữ yên bờ cõi nước Đại Việt.
Trải qua nhiều biến cố của thời gian, năm 2007, tháp Tường Long được phỏng dựng lại và khởi công xây dựng trên nền khu di tích cũ, diện tích xây dựng khu quần thể chùa khoảng 2.000m2. Sau hơn 9 năm xây dựng, công trình phỏng dựng, tôn tạo chùa Tháp đã hoàn thành và có diện mạo như ngày nay.
Xuân Giáp Thìn 2024 về chùa Tháp dự lễ khai bút và xin chữ nghệ nhân thư pháp Lê Thiên Lý
Sáng 17/02/2024, UBND quận Đồ Sơn tổ chức lễ khai bút Xuân Giáp Thìn và biểu dương học sinh tiêu biểu năm học 2023 - 2024. Tham dự buổi lễ có các đồng chí lãnh đạo quận Ủy Đồ Sơn, bà con nhân dân và du khách thập phương cùng sự xuất hiện đặc biệt của nghệ nhân thư pháp Việt Nam - ông Lê Thiên Lý.
Ông Phạm Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn phát biểu và đánh trống khai mạc Lễ hội khai bút tại Khu di tích Tháp Tường Long ngày 18/2 |
Buổi lễ khai bút được tổ chức trọng thể, trang nghiêm, các hoạt động văn nghệ chào mừng sôi động, mang không khí vui tươi của màu Xuân. Trong khuôn khổ của chương trình, ngoài các hoạt động chính của buổi lễ khai bút thì Nhân dân và du khách được gặp, trò chuyện và “xin chữ” đầu năm tại quầy của nghệ nhân thư pháp Lê Thiên Lý.
Chùa Hang, Đồ Sơn |
Rời điểm di tích chùa Tháp, du khách có thể đến chùa Hang, nơi có vẻ đẹp “thơ mộng” nhưng cũng “hiên ngang” không kém các khu di tích tâm linh đồ sộ.
Chùa Hang có vị trí địa lý rất “phong thủy” lưng tựa núi, mặt hướng biển. Đặc biệt, chùa Hang là nơi đầu tiên Phật giáo du nhập vào Việt Nam.
Chùa Hang hay còn được gọi là Cốc Tự nằm tại khu 1, phường Ngọc Hải, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng. Chùa trước kia vốn dĩ là hang núi đá, một chứng tích liên quan đến buổi đầu tiên đạo Phật du nhập vào nước ta.
Tương truyền, một nhà sư tên Bần, người xứ Thiên Trúc theo thuyền đi truyền bá đạo Phật đã đến cư trú tại hang và mở chùa này. Nhiều nhà nghiên cứu trong nước cho rằng, đây là nơi đầu tiên đạo Phật du nhập vào nước ta. Mặc dù chùa Hang có diện tích không lớn nhưng mang nét cổ kính, hoang sơ khiến người đến lễ bái, vãn cảnh có cảm giác yên bình, thanh tịnh...
Bãi biển Đồ Sơn, Hải Phòng |
Không chỉ có các ngôi chùa có niên đại cổ, mà Đồ Sơn còn nổi tiếng với đền Cô Chín Suối Rồng, đền Bà Đế, đền Mẫu Vừng, đền ông Hoàng Bơ. Dân làm ăn buôn bán, cầu lộc cầu tài ở Hải Phòng hay nhiều nơi trên cả nước thì đều biết đến các ngôi đền linh thiêng này.
Mỗi ngôi đền đều gắn với mình các điển tích từ xa xưa, mang ý nghĩa tâm linh, nét văn hóa về cách sống tốt đời đẹp đạo, tương thân tương ái, uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo... Đặc biệt là tinh thần đoàn kết, gắn bó, bao dung. Đây chính là truyền thống chảy trong dòng máu mỗi người dân Việt ta, làm nên giá trị lịch sử nghìn năm văn hiến, nhớ về nguồn cội và gìn giữ bản sắc văn hóa riêng của dân tộc.