Bài 2: Ngôi đình linh thiêng, cổ kính bên dòng sông Hồng
Bài 1: Niềm hân hoan trong kỷ nguyên mới |
Dấu ấn ngàn năm
Theo tài liệu điều tra của Trường Viễn Đông Bác Cổ những năm 1936 - 1938, phần các tỉnh trung du và đồng bằng bắc bộ hiện lưu tại Viện Thông tin Khoa học xã hội cho biết: “Đình Giang Cao thờ bốn vị thiên thần là Phùng Sơn, Phùng Di, Hải Nương và Tỷ Nương.
Trước đây, từ thời xa xưa, di tích có lưu giữ sự tích ngài ở đền Hùng (Vĩnh Phú). Các đời vua từ niên hiệu Vĩnh Khánh thứ 2 đến năm 1938 đều có sắc phong tặng”.
![]() |
Ngôi đình Giang Cao đã hơn 1.000 tuổi |
Theo tư liệu thần sắc của Thư viện, Viện nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu AD 87, trang 56 - 60 cho biết đình Giang Cao, tổng Đa Tốn, huyện Gia Lâm thờ 2 vị dương thần Phùng Sơn đại vương, Phùng Di đại vương và 2 vị âm thần là Tỷ nương công chúa, Hải nương công chúa.
Năm 1850, vua Tự Đức tiếp tục trọng phong cho các vị đương cảnh Thành hoàng thờ tại Đình. Từ tài liệu chép lại từ chữ Hán sang chữ quốc ngữ, chúng ta biết rằng các vị đương cảnh Thành hoàng đã được sắc phong tới 9 lần từ các triều đại trước đó.
![]() |
Bằng di tích cấp thành phố được người làng trân trọng, giữ gìn |
Ông Đặng Sơn Hải - Trưởng Ban quản lý đình cho biết đình Cao Giang được xây dựng từ rất lâu đời dưới thời nhà Lý. Theo các tài liệu để lại, đình được khởi công xây dựng từ năm 1010 - 1025 thì hoàn thành. Qua biến động của thời gian, lụt lội đình đã có những bước thăng trầm cùng lịch sử.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp là lớp học và chiến tranh chống Mỹ, đình làng được dùng làm kho của hợp tác xã.
Ông Hải cho biết, ban đầu chỉ được lợp bằng lá gồi, có những năm nước lũ từ sông Hồng dâng lên cao, cuốn trôi đi hết. Với lòng thành kính, biết ơn vị thành hoàng làng đã có công với nước, với dân, các cụ cao niên trong làng đã đi vận động Nhân dân góp của, góp công, xin gỗ và vật liệu dựng lại ngôi đình để làm chốn thờ cùng, bảo vệ về mặt tâm linh cho người làng.
![]() |
Chiếc long đình có tuổi đời hơn trăm năm |
Năm 1994, Nhân dân tiếp tục trùng tu lại tòa tiền tế, phần đệ nhị và hậu cung. Trong quá trình trùng tu, địa phương đã cố gắng tái tạo quy mô và kiểu dáng kiến trúc cũ, những bộ phận hỏng được thay thế, còn bộ khung nhà, những bộ vì chính vẫn được giữ nguyên. Vì vậy, đình Giang Cao vẫn mang đậm nét kiến trúc truyền thống.
Kiến trúc hiện nay của đình gồm nghi môn, tiền tế, đệ nhị, hậu cung và nhà tả mạc. Ngoài cùng là nghi môn được xây kiểu bốn trụ biểu là tường lửng đắp dạng cuốn thư, giữa trổ thủng một lỗ hoa sáu cánh, trên cuốn thư đắp văn hình triện. Trụ biểu hai bên nhỏ có đắp câu đối bằng chữ Hán cổ. Đỉnh trụ đắp bốn chim phượng được tạo tác công phu tỷ mỷ. Bốn ô lồng đèn bên dưới để thủng.
![]() |
Ông Đặng Sơn Hải - Trưởng Ban quản lý đình tự hào vì dân làng gìn giữ được bộ chấp kích hơn 100 năm |
Hai cột trụ hai bên to hơn có cạnh 45cm xây trên bệ hình đôn. Ba mặt trụ đắp câu đối chữ Hán, đỉnh trụ gắn nghê, thân nghê gắn sứ hoa lam, bốn ô lồng đèn được đắp nổi đề tài tứ linh (long, ly, quy, phượng), phía trên lồng đèn trang trí bốn góc cong.
Sau nghi môn là một sân rộng dẫn vào khu kiến trúc chính. Tiền tế là một nếp nhà ngang năm gian hai dĩ, mái lợp ngói ta, bờ nóc đắp đôi rồng chầu mặt trời lửa, thân rồng gắn sứ men trắng hoa lam.
Tiền tế xây kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, hai tường hồi xây vươn ra khoảng 1m, đầu ngoài xây trụ biểu vuông có cạnh 40cm, đỉnh trụ đắp trái giành do bốn chim phượng chụm đuôi vào nhau tạo thành, bốn ô lồng đèn phía dưới đắp nổi hình tứ linh, hai mặt đắp câu đối bằng chữ hán cổ, trên hai bức tường lửng đắp đề tài “tùng lão, mai lão”, đầu hồi đắp hai đầu kìm.
Phía trước 3 gian giữa để hệ thống cửa hình chữ nhật, gian giữa làm bốn cánh kiểu thượng song hạ bản, hai đầu hồi đắp hình hai võ tướng. Bộ khung đỡ mái đồ sộ và vững chắc gồm sáu bộ vì, các vì làm thống nhất theo kiểu thượng chồng rường giá chiêng, hạ kẻ, hai vì giữa làm kiểu hạ cốn.
Trên thân các con rường, đầu xà ngang có chạm nổi văn thực vật. Nhà có hiên hẹp 1m, đỡ mái là hệ thống bẩy hiên, thân các bẩy được chạm nổi văn thực vật.
![]() |
Mặt sau (tường hậu) gian bên mở hai cửa ra vào hình chữ nhật, gian giữa thông với đệ nhị. Đệ nhị là một nếp nhà riêng biệt nối liền với ba gian nhà đại đình, cột khung gỗ chạm khắc hoa văn rất đẹp, mái lợp ngói ta, nền lát gạch. Trong cung cấm phía trước mở 3 ô cửa, hai cửa bên kiểu nhỏ dùng để ra vào. Nhà hậu cung là nếp nhà một gian hai dĩ rộng lòng.
Bộ khung đỡ mái gồm bốn bộ vì gỗ gác trực tiếp lên tường lửng, tạo thành không gian cung cấm, các vì làm đơn giản kiểu vì kèo quá giang, kỹ thuật chủ yếu bào trơn, đóng bén, gian giữa xây một bệ gạch cao, trên để hai long ngai và một số đồ thờ tự như bát hương, lọ hoa, cây đèn, cây nến, lư hương, đỉnh đồng…
Sát tường hậu hai gian bên xây bệ thờ nhỏ để thờ hậu thần. Phía trước bệ thờ gian giữa đặt một án thư có chân, làm kiểu chân sập được chạm thủng các đề tài tứ linh, tứ quý.
Tại đình Giang Cao còn bảo lưu được các di vật có giá trị như: Long đình cổ, các bức hoành phi, một bức cửa võng sơn son thếp vàng, một bộ vũ khí, một sập thờ chân quỳ, chạm nổi rồng mặt hổ phù, lân… Hai khám thờ ba lớp cửa, chạm nổi, chạm bong kênh, chạm thủng hình rồng chầu mặt trời sơn son thiếp vàng lộng lẫy, hai cỗ ngai thờ chạm rồng, câu đối gỗ… và nhiều đồ thờ tự khác.
![]() |
Nội dung câu đối thờ ở đình ca ngợi công đức của tổ tiên, ca ngợi quê hương:
“Kế nghiệp lý triều an đất Bắc
Thanh binh muôn thuở cõi trời Nam”.
hoặc:
“Hùng tài đại lược vững biên cương.
Phụ Chinh đại vương an xã tắc”.
Đình được Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội ra quyết định xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 2002.
Tâm huyết giữ gìn tài sản quý
Đến Giang Cao, trò chuyện với các bậc cao niên mới thấy tình cảm tha thiết và tâm huyết mà người dân nơi đây dành cho di sản ngàn năm cha ông để lại. Cũng chính bởi niềm thành kính, tình yêu với quê hương và sự trân trọng của mọi người mà ngôi đình càng phát huy giá trị của mình trong đời sống hiện đại.
![]() |
Nét văn hóa độc đáo của vùng gốm sứ |
Cụ Nguyễn Thị Xuyến năm nay 90 tuổi nhà ở thôn 3, Giang Cao đã nhiều năm tham gia Ban Quản lý di tích cấp quốc gia đình Giang Cao, rất tâm huyết với việc công đức, tâm linh của địa phương. Không chỉ ngày tuần, ngày rằm ra thắp hương lễ thánh mà vào các dịp lễ hội, các cụ cùng họp bàn, chuẩn bị các công tác sao cho chu đáo nhất, đảm bảo trang nghiêm, trịnh trọng nhất.
Là người cao tuổi tại địa phương, các cụ đứng ra vận động các cháu thanh niên, thiếu nhi tham gia lễ tế, rước tại đình, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa mảnh đất mình sang ra và lớn lên.
![]() |
Chốn thờ tự linh thiêng luôn được người dân thành kính bài trí trang trọng |
Bên cạnh đó, thông qua các hoạt động của mình, các cụ còn góp phần phát huy truyền thống của quê hương, trao truyền đến các thế hệ trẻ nét độc đáo của văn hóa địa phương và bảo tồn, gìn giữ di sản trong đời sống đương đại.
Năm nay 90 tuổi, cụ Nguyễn Thành Ngưỡng từng có nhiều năm đảm nhiệm vai trò điển tế và là một thành viên tích cực trong Ban Quản lý di tích cấp thành phố đình Giang Cao.
Từ năm 1994, khi tổ chức trùng tu, tôn tạo đình, năm nào Ban Quản lý cũng tổ chức lễ rước cho Nhân dân trong vùng đến tham gia. “Dân làng hào hứng ủng hộ ghê lắm”, cụ Ngưỡng tự hào kể.
![]() |
Có tình yêu và sự gắn bó đặc biệt với ngôi đình, cụ Ngưỡng được coi như pho sử sống về đình Giang Cao.
Từ khi lên 5 tuổi, cậu bé Ngưỡng đã theo ông nội ra đình, quan sát và ghi nhớ tất cả các lễ nghi thực hiện trong 3 ngày diễn ra lễ rước. Ông nội cụ tham gia việc làng, đến lượt mình, cụ Ngưỡng coi việc làng như “cha truyền, con nối”, tiếp nối truyền thống gia đình.
Có trí nhớ và năng khiếu cộng với tình yêu quê hương và vốn quý mà cha ông để lại, từ khi còn nhỏ, cậu bé Ngưỡng đã thuộc làu làu các nhịp trống, phách, nghi lễ. Trong suốt những năm chiến tranh và vì nhiều lí do hoạt động thờ tự tại đình bị gián đoạn nhưng tất cả vẫn như một cuốn phim sống động trong trí nhớ của cụ.
![]() |
Để đến năm 1994, khi hoạt động được khôi phục lại, cụ là người thực hiện và sau này hướng dẫn, trao truyền lại cho các bậc cao niên và các thế hệ thanh niên trong làng.
Ông Đặng Sơn Hải - Trưởng Ban Quản lý di tích đình Giang Cao tự hào cho biết, tất cả thành viên trong Ban quản lý đều rất tâm huyết, nhiệt tình với việc thánh. Mùa nào thức nấy, hoa quả hương đăng đầy đủ nghiêm trang. Các nghi lễ cũng được thực hiện rất bài bản, chuẩn chỉ, mang đậm bản sắc truyền thống và nét văn hóa không thể trộn lẫn được của vùng Giang Cao.
Ông Trần Văn Đang năm nay 65 tuổi tham gia công tác khánh tiết cùng thái ông lão bà từ năm 1994 cùng người bố của mình, khi đình Cao Giang được trùng tu.
Bằng tình yêu mảnh đất chôn rau cắt rốn, bằng tình yêu với văn hóa truyền thống của làng, ông Đang khi đó cùng mọi người hoan hỉ dựng lại từng hạng mục của ngôi đình, đáp ứng nguyện vọng thờ cùng, lễ bái, biểu thị lòng biết ơn của dân làng với vị thành hoàng làng.
![]() |
Các cụ cao niên trong Ban quản lí đình bàn việc tổ chức hoạt động chung của cả làng |
Khi đó, bố ông làm Trưởng Ban khánh tiết, kiên trì tìm lại những hiện vật của đình đang lưu truyền trong dân gian, rước về bài trí tại đình, phục dựng lại nơi thờ tự cũng như khôi phục lại lễ rước để làm nơi sinh hoạt tinh thần, tâm linh cho bà con trong vùng.
Từ ông nội đến bố và giờ ông vẫn đang tiếp tục công việc mà một gia đình ba thế hệ nối tiếp nhau với niềm tự hào cùng “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” đầy ý nghĩa này.
Như bao người làng Bát Tràng, công việc của ông Đang gắn với gốm sứ, gắn với làng nghề truyền thống. Công việc kinh doanh bận rộn nhưng chưa bao giờ ông Đang lơi là việc đình. Ban Quản lý di tích gồm nhiều thế hệ, trong đó rất nhiều cụ cao niên, thuộc vào hàng “tương đối còn trẻ khỏe”, ông Đang rất năng nổ, nghe theo sự cắt đặt của các cụ và chủ động đóng góp công sức vào việc đình, việc làng.
![]() |
Ngôi đình là nơi gắn bó với các thế hệ người làng Giang Cao |
Mang trong mình tình yêu vô bờ với di sản mà cha ông để lại, ông Đang tâm sự: “Các bậc tiền nhân đã có công với dân làng, với đất nước và được đời đời kính trọng, tôn vinh.
Ngày nay, mình càng phải thể hiện lòng biết ơn bằng việc chăm lo cho nơi thờ cúng được trang nghiêm để đền đáp công lao các thánh. Bên cạnh đó, gìn giữ phát huy giá trị của đình, của lễ rước cũng là cách để phát huy giá trị văn hóa truyền thống của vùng, trao truyền lại cho thế hệ mai sau”.
(Còn nữa)
Đọc thêm

Xã Mê Linh tất bật chuẩn bị cho lễ ra mắt

Gia đình - nền tảng vững chắc bồi đắp văn hóa người Hà Nội

Gia đình văn hóa tiêu biểu góp phần làm rạng danh truyền thống và bản sắc

Ứng xử ngày hè - đừng để nóng lại càng thêm nóng

Những người tô thắm thêm vườn hoa thanh lịch của Hà Nội

Trường Sa ơi, rưng rưng nhịp sóng từ lòng Thủ đô

Niềm hạnh phúc lan tỏa những giá trị tốt đẹp

Chinh phục lòng người bởi sự hiếu khách và chiều sâu văn hóa

Thiết thực tri ân, lan tỏa nhân văn
