Đổ trộm, đốt bỏ hàng giả: Cần lấp đầy lỗ hổng quản lý
Gieo rắc nỗi bất an sâu sắc trong cộng đồng
Trong những tháng giữa năm 2025, dư luận cả nước liên tiếp chấn động trước hàng loạt vụ việc phi tang hàng hóa quy mô lớn tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Lâm Đồng...
Tại xã La Phù, huyện Hoài Đức (cũ), người dân bàng hoàng phát hiện hơn 20 tấn bánh kẹo, nhiều loại nhái các thương hiệu nổi tiếng như Milo, Ovaltine, còn hạn sử dụng, bị chất đống ven đường.
Tại huyện Bình Chánh (cũ), TP Hồ Chí Minh, hơn 3.000 hộp thực phẩm chức năng giả mác Hàn Quốc, Nhật Bản, với hạn dùng tới năm 2028, bị đốt dở dang trong đêm.
Giám định sau đó cho thấy 95% sản phẩm này hoàn toàn không chứa hoạt chất như công bố. Đáng chú ý, thông tin trên bao bì sản phẩm trùng khớp với tên các công ty trong đường dây sản xuất hàng giả hàng trăm tấn vừa bị triệt phá trước đó không lâu.
Nghiêm trọng hơn, tại Đà Nẵng, hàng trăm vỏ thuốc, chai lọ bị vứt bỏ bừa bãi. Trong đó có cả vỉ thuốc “Cetecocenzitax 25mg” do Công ty cổ phần Dược Trung ương 3 sản xuất, hạn dùng đến năm 2026, bị đổ ra đường như rác thải thông thường. Những hình ảnh này gieo rắc một nỗi bất an sâu sắc trong cộng đồng xã hội.
![]() |
Các sản phẩm bánh, kẹo còn hạn sử dụng bị vứt bỏ tại xã La Phù, huyện Hoài Đức (cũ), Hà Nội |
Chị Nguyễn Hải Yến (phường Yên Sở, Hà Nội) bày tỏ lo lắng: “Lâu nay, những người quan tâm đến sức khỏe thường hay mua thực phẩm chức năng về dùng cho bản thân và gia đình. Nay chính những mặt hàng ấy lại đang bị đổ bỏ tràn lan không thương tiếc thì không biết người dân đã sử dụng rồi hậu quả sẽ như thế nào.
Ai cũng biết, các mặt hàng như thuốc và thực phẩm chức năng cần được quản lý nghiêm ngặt hơn bất kỳ loại hàng hóa nào mà giờ người ta ngang nhiên đổ bỏ như vậy. Tôi cảm thấy rất hoang mang. Ai dám chắc hộp thuốc mình mua không phải là một trong số những sản phẩm lẽ ra đã nằm ở bãi rác?”.
Nỗi lo của chị Hải Yến là hoàn toàn có cơ sở và đang là nỗi lo chung của cộng đồng xã hội. Bên cạnh vi phạm pháp luật về xử lý chất thải, những vụ việc nêu trên còn phơi bày một sự thật đáng sợ: Số lượng hàng giả, hàng kém chất lượng đang lưu hành có thể lớn hơn rất nhiều so với những gì bị phát hiện trong thời gian qua.
Được biết, chính quyền xã La Phù (cũ) đã thu gom rác thải, vệ sinh môi trường, đồng thời tăng cường tuyên truyền, tuần tra và lắp đặt thêm camera an ninh để kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm. Tuy nhiên, những giải pháp này chỉ mang tính chất xử lý vụ việc và chỉ giải quyết “phần ngọn”.
Hoàn thiện và siết chặt thực thi pháp luật
Nhiều vụ việc đổ trộm dược phẩm, thực phẩm nói trên được phát hiện trùng với thời điểm các cơ quan chức năng mở các đợt cao điểm truy quét hàng giả, hàng lậu. Điển hình là chiến dịch cao điểm từ ngày 15/5 đến 15/6/2025 do Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.
Theo các chuyên gia pháp lý, trước sức ép của pháp luật, các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng cấm thay vì lưu trữ hay tiêu thụ, đã chọn cách “phi tang” để xóa dấu vết, trốn tránh bị bắt giữ và truy cứu trách nhiệm hình sự.
Việc thuê người chở đi đốt hoặc đổ trộm với chi phí vài triệu đồng là một giải pháp nhanh gọn, rẻ tiền để thoát tội. Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy lỗ hổng và sự buông lỏng trong quy trình tiêu hủy.
Theo Điều 33 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi năm 2020), chỉ có cơ quan Nhà nước có thẩm quyền mới được phép ra quyết định và tổ chức tiêu hủy hàng giả, hàng cấm. Quy trình này phải được giám sát chặt chẽ, lập biên bản đầy đủ, bảo đảm tuân thủ quy định về môi trường.
Trên thực tế, không ít doanh nghiệp đã phó mặc hàng hóa vi phạm cho các đơn vị xử lý rác tư nhân hoặc người thu mua phế liệu mà không có sự giám sát. Hệ quả là hàng loạt sản phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người bị vứt bừa bãi hoặc đốt dở dang ngay giữa khu dân cư.
![]() |
Cần siết chặt hơn nữa công tác quản lý thị trường tránh những vụ đổ trộm dược phẩm xảy ra |
Luật sư Đỗ Phương Thảo, Công ty Luật TNHH Công lý toàn dân chỉ rõ, theo Thông tư số 20/2021/TT-BYT, thuốc quá hạn hoặc thuốc không còn giá trị sử dụng phải được thu gom và xử lý như chất thải nguy hại.
Nếu tổ chức, cá nhân vứt bỏ trái phép thuốc có tính chất nguy hại, có thể bị xử phạt theo Nghị định số 45/2022/NĐ-CP và buộc khắc phục hậu quả.
Trong trường hợp gây ô nhiễm nghiêm trọng, hành vi này còn có thể bị xem xét xử lý hình sự theo Điều 235 Bộ luật Hình sự.
Còn tại Nghị định số 99/2013/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định số 126/2021/NĐ-CP và Nghị định số 46/2024/NĐ-CP), hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hiệu có thể bị phạt tới 250 triệu đồng và buộc tiêu hủy hàng vi phạm.
Nếu cấu thành tội phạm, người vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 226 Bộ luật Hình sự về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương nêu quan điểm, vấn đề cần giải quyết hiện nay là siết chặt hơn nữa kỷ cương trong công tác quản lý thị trường, quản lý dược phẩm và an toàn thực phẩm.
Cơ quan chức năng phải thanh tra thường xuyên, xử lý nghiêm khắc, không để lọt tội phạm hoặc bỏ qua hành vi tái phạm. Mỗi doanh nghiệp, người bán lẻ cần thấm nhuần mục tiêu kinh doanh không thể tách rời đạo đức và pháp luật.
Người dân cần trở thành “tai mắt”, chủ động giám sát, phát hiện, tố giác những hành vi vi phạm đang len lỏi trong đời sống hằng ngày.
Cục Quản lý thị trường và các cơ quan liên quan cần tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất, không chỉ ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh lớn mà còn ở các hộ kinh doanh nhỏ lẻ; đặc biệt là trên các nền tảng thương mại điện tử - một "chợ" hàng giả khổng lồ.
![]() |
Cần có những hành động kiên quyết và minh bạch để không còn những sản phẩm độc hại bị vứt bỏ bừa bãi |
Mỗi vụ đổ trộm phải được xem là manh mối của những vụ việc có thể lớn hơn, nguy hiểm hơn. Cơ quan chức năng cần điều tra, truy vết nguồn gốc sản phẩm, làm rõ tổ chức, cá nhân đứng sau để xử lý tận gốc, thay vì chỉ xử lý hành vi “đổ rác đặc biệt” này.
Những "đống rác đặc biệt” bị phi tang trên khắp cả nước không chỉ là rác. Chúng là lời cảnh báo khẩn thiết về một thị trường đang bị đầu độc bởi hàng giả và một hệ thống quản lý còn nhiều kẽ hở.
Giải quyết vấn đề này đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ từ Chính phủ, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và toàn xã hội.
Hơn lúc nào hết, cần có những hành động kiên quyết và minh bạch để không còn những sản phẩm độc hại bị vứt bỏ bừa bãi, để thị trường kinh doanh được trong sạch và quan trọng nhất là để chấm dứt nỗi lo của người tiêu dùng về từng sản phẩm họ sử dụng hằng ngày.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Nhiều khu vực có mưa, cảnh báo lũ quét

Tổng vệ sinh phố phường chào mừng chính quyền địa phương 2 cấp

Công nhân thoát nước căng mình điều tiết chống ngập cho Hà Nội

Vietcap trao tặng 6.000 cây tại rừng phòng hộ Dầu Tiếng

Ngày 30/6, Hà Nội có lúc có mưa rào và dông

Hội nông dân Thủ đô chào mừng “ngày hội lớn” của dân tộc

Xã Tiến Thắng (mới) sáng, xanh, sạch đẹp chào mừng chính quyền 2 cấp

Sẵn sàng "ngày hội" chính thức vận hành chính quyền địa phương 2 cấp

Hà Nội: Tuyệt đối không để gián đoạn trong ứng phó thiên tai
