Doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam cần quyết liệt để bảo vệ quyền lợi của mình
(TTTĐ) Tại buổi tọa đàm “Nhận diện các rủi ro về chính sách đối với ngành bán lẻ trong bối cảnh hội nhập TPP và EVFTA ”, TS Đinh Thị Mỹ Loan, chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, nhà bán lẻ trong nước đang gặp nhiều khó khăn là do bất lợi về mặt chính sách. Từ nhà sản xuất đến tay người tiêu dùng giá chênh lệch quá lớn vì phải qua nhiều khâu trung gian, chi phí vận chuyển cao, chia “hoa hồng” để vào các siêu thị.
Nguyên nhân khác cũng khiến các nhà sản xuất nội địa thêm đau đầu là hàng loại các doanh nghiệp nước ngoài đã và đang ồ ạt vào thị trường Việt Nam. Mới đây, tập đoàn bán lẻ số 1 Hàn quốc- Lotte- đặt mục tiêu 60 siêu thị tại Việt Nam vào năm 2020 và Aeon- một “ông lớn” khác trong ngành bán lẻ của Nhật Bản đã mở thêm 1 trung tâm thương mại. Họ còn dự kiến đến năm 2020 sẽ mở thêm 20 TTTM tại Việt Nam. Tận dụng tâm lý tin cậy và thích thú hàng Nhật của người tiêu dùng Việt, Aeon sử dụng phương án dùng 1/3 hàng Nhật, 1/3 hàng Việt Nam và 1/3 hàng nhập khẩu từ các nước.
Ảnh minh họa
Hay như gần đây nhất, Tập đoàn Central Group đã chính thức hoàn tất thương vụ mua lại Big C Việt Nam (do Tập đoàn Casino của Pháp sở hữu), với giá trị hợp đồng gần 1,1 tỷ USD. Qua vụ thâu tóm này, Central Group đã có thể nắm trong tay khối tài sản khổng lồ của Big C Việt Nam, gồm hệ thống 33 siêu thị và 10 cửa hàng tiện lợi với lượng khách hàng lên đến hơn 50 triệu lượt/năm. Cũng Vào đầu năm ngoái, Central Group cũng đã mua lại 49% cổ phần của chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim
TS Nguyễn Thị Thu Trang (Phòng Thương mại và công nghiệp VN - VCCI) cho biết theo kết quả nghiên cứu về chính sách nội địa và các cam kết quốc tế ảnh hưởng tới ngành bán lẻ VN, có đến 60% doanh nghiệp bán lẻ cho rằng các chính sách hỗ trợ có lợi cho doanh nghiệp FDI hơn doanh nghiệp nội địa.
Theo bà Trang, nhiều địa phương đã không sử dụng các công cụ kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) để hạn chế cấp phép cho nhà bán lẻ nước ngoài, bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp nội địa.
Hơn nữa, đến nay vẫn chưa có nguồn vốn vay lãi suất thấp hoặc quỹ đầu tư tín dụng riêng nào cho doanh nghiệp bán lẻ khiến giá thành sản phẩm trong nước cao, chưa hấp dẫn người tiêu dùng.
Các mặt hàng bán lẻ của nước ngoài tràn lan vào Việt Nam bán với giá thấp còn các mặt hàng nội địa phải “đội” giá lên cao vì phải qua nhiều khâu trung gian.Vậy nên, hoàng hóa nước ngoài đang được người tiêu dùng Việt Nam “ưu ái”.Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp VN chưa quan tâm đến việc phản biện chính sách. “Có thể thấy sự tràn lan của các hệ thống Lotteria, McDonald's... là sai quy định nhưng doanh nghiệp VN chưa lên tiếng, hoặc có lên tiếng nhưng chưa đủ để được ghi nhận. Do đó, thái độ ứng xử của doanh nghiệp bán lẻ VN cần tích cực và quyết liệt hơn để quyền lợi và ý kiến của mình không bị bỏ quên” - bà Loan nhấn mạnh.
Lan Ngọc