Doanh nghiệp kỳ vọng chương trình tổng thể hồi phục kinh tế
Chia sẻ này được ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết tại diễn đàn “Doanh nghiệp 2022: Nhận diện thị trường và phương thức thích ứng”, diễn ra chiều 23/11.
Ông Hoàng Quang Phòng cho biết, đại dịch Covid-19 đang gây khó khăn to lớn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Khảo sát gần đây của VCCI cho thấy, khoảng 94% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch, khoảng 71% đơn vị tiếp tục giảm doanh thu so với năm trước đó.
Trước tình thế khó khăn, ngày 11/10/2021, Nghị quyết số 128/NQ-CP do Chính phủ ban hành về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” chính thức có hiệu lực trong công tác phòng chống dịch.
Theo ông Phòng, việc Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” được các doanh nghiệp đánh giá là giải pháp kịp thời, giúp cởi trói tinh thần cho doanh nghiệp.
Ô ng Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) |
Bên cạnh đó, Việt Nam đặt mục tiêu ưu tiên kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh song cũng xác định dịch bệnh sẽ không sớm kết thúc, chúng ta phải thích ứng để tìm cách ứng phó phù hợp với đại dịch, duy trì việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như tạo công việc, sinh kế cho người dân.
Mặt khác, việc tiêm vắc xin đã được đẩy nhanh với hơn 109 triệu liều, tỷ lệ tiêm 1 liều là gần 90%, 2 liều là 53,4% dân số từ 18 tuổi trở lên. Ông Hoàng Quang Phòng đồng tình với quan điểm “5K + vắc xin + công nghệ là lá chắn an toàn cho toàn dân và cho sản xuất kinh doanh”.
Ở góc độ vĩ mô, đại diện VCCI cho biết, vừa Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 xác định mục tiêu tổng quát là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân cùng với tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả người dân và doanh nghiệp.
“Chúng ta phải tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên cả nước, trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương và duy trì các động lực tăng trưởng trong dài hạn. Kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế”, ông Phòng đánh giá.
Nghị quyết cũng đã thông qua các mục tiêu GDP khoảng 6-6,5%; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5,5%; Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đạt 27,5%; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5,5%; Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%...
Lãnh đạo VCCI mong rằng, các mục tiêu, chính sách đã đề ra sẽ được doanh nghiệp quyết liệt hành động.
“Quá trình phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong điều kiện bình thường mới chắc chắn sẽ mất nhiều thời gian. Vì vậy, các doanh nghiệp cũng mong mỏi các cơ chế, chính sách hỗ trợ cũng được ổn định và có thời hạn phù hợp”, ông Phòng chia sẻ.
Theo ông Phòng, các doanh nghiệp mong chờ và kỳ vọng sẽ sớm có một chương trình tổng thể phục hồi kinh tế được thiết kế khoa học, sát hợp với nhu cầu, điều kiện của các doanh nghiệp, có tính khả thi cao, làm cơ sở để các địa phương, các ngành và các doanh nghiệp xây dựng phương án phục hồi của mình.
"Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân sẽ đóng góp trí tuệ vào chương trình phục hồi kinh tế tổng thể cấp quốc gia cũng như ở các ngành, các địa phương", đại diện VCCI nhấn mạnh.