Đổi giầy Nike lấy gà: Chuyện chỉ có trong mùa dịch Covid-19
Indonesia: Số ca tử vong vì Covid-19 tăng, nghĩa trang sắp chật kín Chợ cá lớn nhất thế giới chao đảo vì đại dịch Số ca mắc Covid-19 tại nhiều quốc gia tiếp tục tăng |
Nhiều người dân Philippines quay trở lại với biện pháp hàng đổi hàng trong thời kỳ xa xưa để vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 (Ảnh: AFP) |
Để duy trì cuộc sống, Lorraine Imperio đã đổi một đôi giày slip-on của hãng Nike để đổi lấy một con gà thông qua một nhóm đổi hàng trực tuyến.
Những trang web như thế này đã lên đến hàng chục trang kể từ khi dịch Covid-19 càn quét Philippines.
Với hàng triệu người bị cho thôi việc và nhiều người buộc phải ở nhà thực hiện để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2, người dân Philippines đã tham gia vào các nhóm Facebook để trao đổi tài sản của họ, bao gồm thiết bị nhà bếp, đồ chơi trẻ em và túi xách để lấy chủ yếu là thực phẩm.
Imperio là một bà mẹ hai con có chồng làm việc bán thời gian tại một cửa hàng bánh rán ở Manila cho biết.
Vì dịch Covid-19, chồng của Imperio đã bị cắt giảm giờ làm việc. Hiện anh chỉ kiếm được khoảng 9.000 peso (185 USD) mỗi tháng, một nửa trong số đó được dùng để trả tiền thuê căn hộ của gia đình.
“Ngày nay thật khó khăn. Tôi không biết lấy tiền để trang trải cuộc sống hàng ngày”, cô nói.
Các nhóm đổi hàng trực tuyến được coi như cứu cánh cho gia đình Imperios và những người Philippines khác bị ảnh hưởng nặng nề bởi các lệnh hạn chế do Covdid-19. Virus SARS-CoV-2 xuất hiện ở Phillipines từ đầu tháng 3 và đẩy nền kinh tế nước này vào cuộc suy thoái.
Sau khi đổi thành công những bình sữa trẻ em không dùng đến nữa, Imperio đã đổi một chiếc áo khoác trẻ em và một chiếc áo hoodie hiệu Ralph Lauren lấy 6kg gạo.
Philippines có ít nhất 98 nhóm trao đổi đồ với hàng chục nghìn thành viên kể từ tháng 3 (Ảnh: AFP) |
Theo thống kê của AFP, ít nhất 98 nhóm đổi đồ với hàng chục nghìn thành viên đang hoạt động trên khắp đất nước Philippines.
Người dùng sẽ đăng ảnh và thông số kỹ thuật của hàng hóa mà họ muốn đổi. Họ cũng cho biết họ muốn đổi lại thứ gì và sau đó thương lượng qua phần bình luận.
Trong một nghiên cứu gần đây của iPrice Group (công cụ tìm kiếm sản phẩm và so sánh giá), số lượt tìm kiếm từ khóa “barter food” (đổi thực phẩm) tại Philippines đã tăng 300% từ tháng 4 đến tháng 5.
Ước tính, trong 3 tháng qua, tại Philippines đã có tới 5,2 triệu gia đình từng một lần trải qua tình cảnh thiếu thực phẩm, mức cao nhất trong gần sáu năm tại quốc gia này. Với hình thức đổi đồ này, họ đã có thể giúp đỡ nhau đảm bảo cuộc sống.
Tuy nhiên, một số người khác cũng tận dụng cơ hội để trao đổi những hàng hóa mà họ không còn dùng đến nữa.
Bà Chona de Vega, 57 tuổi, kể rằng bà đã đổi máy duỗi tóc và ấm đun nước điện để lấy một túi hàng tạp hóa và hiện đang có kế hoạch thanh lý tiếp cái bàn ủi.
“Chúng giờ đây không còn mấy có ích cho tôi”, bà nói và cho biết hiện tại bà dành phần lớn thời gian ở nhà vì các lệnh hạn chế đi lại vì dịch bệnh.