Động đất, sóng thần ở Indonesia: Hàng nghìn người có thể đã chết
Hàng nghìn người rơi vào cảnh màn trời chiếu đất sau thảm họa động đất, sóng thần ở Indonesia (Ảnh: AFP)
Trả lời phỏng vấn truyền thông địa phương, Phó Tổng thống Indonesia Jusuf Kalla cho biết số người thiệt mạng có thể tăng lên hàng nghìn người. Trong khi đó, công tác cứu hộ vẫn gặp rất nhiều khó khăn do đường sá, cầu bị sập, trong khi khu vực Donggala và một số khu vực khác vẫn bị cô lập sau thảm họa kép động đất, sóng thần.
Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) cho biết trận động đất mạnh xảy ra ngoài khơi đảo Sulawesi, miền trung Indonesia lúc 18h02 ngày 28/9 (theo giờ địa phương). Tâm chấn nằm ở độ sâu 10km dưới mặt đất. Trận động đất đã kéo theo cơn sóng thần cao tới 3m tràn vào các khu vực ven biển của đảo Sulawesi, gây ra thiệt hại nặng nề cả về người và của.
Chỉ 5 phút sau khi động đất xảy ra, Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa lý Indonesia (BMKG) đã phát đi cảnh báo sóng thần lúc 18h07 tại khu vực phía Tây đảo Sulawesi và phía Đông đảo Borneo. Tuy nhiên, quyết định gỡ bỏ cảnh báo chỉ sau 30 phút đã gây khó hiểu cho nhiều người, theo Mirror.
“Việc gỡ cảnh báo dựa trên kết quả theo dõi bằng mắt thường và hệ thống phao cảnh báo sóng thần ngoài biển trong 30 phút. BMKG không phát hiện sự thay đổi đáng kể của mực nước biển và quyết định chấm dứt báo động người dân”, Cơ quan Giảm nhẹ Thiên tai Quốc gia Indonesia ra thông cáo cho biết. Tuy nhiên, các thiết bị cảm biến thủy triều của BMKG được cho là đã bố trí quá xa so với tâm chấn cũng như thành phố Palu. Video được phát trên mạng xã hội sau đó cho thấy sóng lớn đã tràn từ biển vào Palu, phá hủy hầu hết những ngôi nhà và bất cứ thứ gì trên đường đi, khiến nhiều người hoảng loạn.
Phần lớn người dân trên đảo Sulawesi đã kịp sơ tán đến nơi an toàn, tuy nhiên vẫn còn một số người có thể đang mất tích sau trận động đất và sóng thần. Trong số đó có cả những người đang bận rộn chuẩn bị cho một lễ hội trên bãi biển ở Palu. Một số người đã phải trèo lên cây cao để thoát nạn.
Hiện tại, thông tin về hậu quả của thảm họa đối với cộng đồng người dân sống ven bờ biển vẫn đang tiếp tục được cập nhật. Hội Chữ thập đỏ Indonesia cho biết: “Chúng tôi nhận được một ít thông tin liên lạc về tổn thất ở thành phố Palu, nhưng chúng tôi chưa nhận được thông tin gì từ Donggala và điều này cực kỳ đáng lo ngại. Hơn 300.000 người sống ở đó. Đây đã là một bi kịch, nhưng nó có thể sẽ tồi tệ hơn nhiều”.
Tại thành phố Palu, hàng chục người vẫn đang mất tích và lực lượng chức năng dự kiến số người thiệt mạng sẽ tăng, bởi nhiều nạn nhân có thể bị mắc kẹt dưới các tòa nhà bị sụp đổ. Người đứng đầu Cơ quan Đối phó Thiên tai Quốc gia Indonesia (BNPB), ông Willem Rampangilei cho biết thêm, cơ quan này gặp khó khăn trong việc triển khai thiết bị hạng nặng để tìm kiếm nạn nhân dưới đống đổ nát của các tòa nhà, bởi nhiều con đường dẫn đến thành phố Palu bị hư hại.
Trong khi đó, ước tính có khoảng 10.000 người còn sống sót đã mất nhà cửa phải tìm nơi trú ẩn, nằm rải rác ở 50 điểm trong thành phố Palu. Những người dân này được giúp đỡ về chỗ ở, thức ăn và thuốc men, đồng thời được khuyến cáo chưa nên trở về nhà ngay. Rất nhiều người rơi vào trạng thái tuyệt vọng bởi chỉ trong vòng một đêm, họ đã mất đi tất cả, kể cả những người thân yêu nhất.