Dự án Luật đất đai (sửa đổi): Quy định rõ tiêu chí, tránh thu hồi đất tràn lan
Đa dạng các hình thức bồi thường
Sáng 1/11, trình bày tờ trình của Chính phủ tại kỳ họp thứ 4, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết: Dự thảo Luật gồm 16 chương, 245 điều, trong đó giữ nguyên 28 điều; Sửa đổi, bổ sung 184 điều; Bổ sung mới 41 điều và bãi bỏ 8 điều.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trình bày tờ trình trước Quốc hội |
Hàng loạt chính sách mới được thể hiện trong dự án luật này.
Đáng chú ý, Dự thảo Luật đã quy định cụ thể điều kiện, tiêu chí, các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để công khai, minh bạch trong thực thi và giám sát.
Đa dạng các hình thức bồi thường bằng đất có cùng mục đích với đất bị thu hồi hoặc bằng tiền, bằng đất khác hoặc bằng nhà ở; Giá đất bồi thường theo giá thị trường; Tách bạch các khoản bồi thường, các khoản hỗ trợ; Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước khi quyết định thu hồi đất.
Dự thảo cũng cụ thể hóa nguyên tắc “có chỗ ở, thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” thông qua quy định tiêu chí về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, địa điểm tái định cư theo thứ tự ưu tiên (tại chỗ, trên cùng địa bàn xã, phường; địa bàn tương đồng).
Mở rộng thành phần Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với sự tham gia của đại diện Hội đồng Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, người có đất bị thu hồi; Quy định trách nhiệm, cách thức lấy ý kiến người có đất, tài sản trên đất bị thu hồi để đảm bảo khách quan, minh bạch; Tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án riêng thực hiện trước, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng cho biết, trong quá trình thảo luận còn có ý kiến khác nhau về một số vấn đề, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Đó là việc mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; Mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa; Quy định về cho phép chuyển nhượng, thế chấp “quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm”.
Tránh thu hồi đất tràn lan
Tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Đất đai, tuy nhiên cơ quan thẩm tra là Ủy ban Kinh tế lưu ý, do đây là dự án luật phức tạp, phạm vi tác động rộng, được xã hội rất quan tâm nên đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra |
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị rà soát, quy định cụ thể hơn về điều kiện, tiêu chí cụ thể đối với trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; Rà soát các trường hợp thu hồi đất quy định tại Điều 86, bảo đảm phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết 18 và Hiến pháp, xác định rõ tính chất vì lợi ích quốc gia, công cộng để tránh lạm dụng, thu hồi đất tràn lan, không đúng bản chất, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người có đất thu hồi.
Trong đó, cần rà soát các trường hợp: “Dự án tạo quỹ đất do Nhà nước đầu tư theo hướng tuyến giao thông và các điểm kết nối giao thông theo quy hoạch”; “Dự án nhà ở tập trung cho công nhân làm việc trong khu công nghiệp”; “Dự án khu sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung”; “Dự án đô thị”; “Dự án khu dân cư nông thôn”; “Dự án nhà ở thương mại sử dụng các loại đất không phải là đất ở”; “Dự án lấn biển”; “Dự án khai thác khoáng sản”; “Dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ”...
Cơ quan này cũng đề nghị định lượng cụ thể hơn, có quy định hướng dẫn chi tiết, cơ chế và phân công trách nhiệm giám sát, đánh giá việc thi hành nguyên tắc “Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”.
Ngoài ra, cần quy định cụ thể hơn về mức độ hoàn thành dự án tái định cư trước khi thu hồi đất.
Về giá đất, Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ nguyên tắc định giá đất “phù hợp với giá trị thị trường quyền sử dụng đất trong điều kiện bình thường”; Quy định rõ các tiêu chí và quy trình kiểm tra, giám sát các địa phương trong việc xây dựng bảng giá đất cũng như yêu cầu về HĐND cấp tỉnh quyết định và kiểm tra, giám sát việc thực hiện giá đất mà Nghị quyết 18 đặt ra;
Đánh giá tính khả thi của quy định xây dựng bảng giá đất định kỳ hằng năm; Làm rõ nội hàm của việc xây dựng bảng giá đất theo vị trí để phân biệt với giá đất cụ thể; Cách xác định cụ thể “vùng giá trị”, “thửa đất chuẩn”; Quy định rõ về việc áp dụng các phương pháp định giá đất trong dự thảo Luật.