Du học sinh Việt Nam đón Tết xa nhà: Gia đình, quê hương luôn ở trong tim
Từ bao đời nay, ngày Tết truyền thống luôn mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng trong tâm thức của mọi người dân Việt Nam. Mỗi dịp Tết đến, người Việt dù ở nơi nào cũng đều gìn giữ những phong tục đón năm mới của cha ông, nếu không đủ “thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ” cũng phải có “cành mai vàng bên cành đào tươi”.
Du học sinh Việt đang sinh sống và học tập ở nước ngoài cũng không là ngoại lệ. Dù sống xa gia đình nhưng các bạn trẻ vẫn không quên đón Tết theo truyền thống.
Đã 2 năm đón Tết xa gia đình, Nguyễn Thị Hằng (du học sinh ở TP Fukuoka, Nhật Bản) nhớ nhất không khí tất bật sửa soạn để đón Tết những năm chưa xa quê. Hằng kể: “Từ Tết ông Công, ông Táo (23 Âm lịch hàng năm), mình và gia đình đã sắm sửa mọi thứ để chuẩn bị cho ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Ông ngoại chẻ giang để làm lạt gói bánh, trong khi bố mình tất bật mua vôi để quét lại bờ tường, còn mẹ chuẩn bị các loại gia vị, các món ăn, nào canh măng, nào miến, nào mọc…”.
Tết đầu tiên xa quê của Hằng là năm 2014. Cô gái sinh năm 1989 lần đầu đón Tết xa nhà đã đỏ hoe mắt vì nhớ lại không khí đoàn viên ấm cúng, vì cảm giác cô đơn nơi đất khách. Khoảnh khắc Giao thừa, nữ sinh người Việt chỉ kịp dành mươi phút gọi điện chúc mừng gia đình rồi hối hả đi làm thêm.
Với phần đông du học sinh, Tết Nguyên đán vẫn là ngày đi học bình thường. Trong khi đó, tại quê nhà, các gia đình đang vui vẻ, nhộn nhịp sắm sửa cho năm mới.
Giao thừa thứ hai trên đất Mỹ, Thùy Linh và một đồng hương khác đang trong lớp học Toán. Khi đồng hồ còn 3 giây thì đến lúc chuyển giao năm cũ - năm mới, cả hai cùng quay sang nhau khe khẽ đếm ngược rồi "chúc mừng năm mới". "Cảm giác lúc đó thật khó tả. Có lẽ chỉ du học sinh mới hiểu được", Linh tâm sự.
Niềm an ủi mỗi dịp Tết Nguyên đán về với Linh và nhiều sinh viên Việt Nam ở bang California (Mỹ) là tiệc tất niên do Hội Du học sinh tổ chức. Mọi người cùng làm nem, gói bánh chưng và nấu một nồi canh măng.
“Chúng mình vừa làm vừa xem video hướng dẫn trên Youtube. Sản phẩm tuy không được đẹp mắt như những chiếc bánh bố thường gói ở nhà nhưng ai cũng tấm tắc khen ngon. Năm mới, chúng mình cùng xem các chương trình truyền hình ở Việt Nam để nhớ không khí Tết quê”, Thùy Linh chia sẻ.
Lê Đình Cường (sinh năm 1991) là du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc đã được 3 năm. Suốt thời gian xa nhà, chàng trai về nước sum vầy cùng gia đình vào dịp Tết cổ truyền một lần, còn lại đều đón Tết trên nước bạn.
Cường học ngành kinh tế tại trường Đại học Dongguk, Hàn Quốc. Cuộc sống của du học sinh trên nước bạn gặp nhiều khó khăn, nhất là rào cản về ngôn ngữ. Trước khi theo chương trình học tập tại Hàn Quốc, chàng trai phải học tiếng Hàn một năm, khi trình độ đạt yêu cầu thì mới được chuyển lên học chuyên ngành. Đến với một đất nước, môi trường, nhịp sống mới, cách dạy và học tập cũng khác rất nhiều so với Việt Nam, Cường phải nỗ lực hằng ngày mới có thể bắt nhịp theo các bạn sinh viên người bản xứ.
Cứ dịp lễ tết, nỗi nhớ nhà lại da diết trong lòng chàng du học sinh này. Những ngày mùa xuân tràn về trên khắp nẻo đường quê hương, theo dõi từng bước chuyển mình, giao mùa trên đất nước Việt Nam qua mạng internet, chàng trai lại xao xuyến. Cường chia sẻ: “Nghĩ đến hình ảnh chợ hoa, cảnh đường phố nhộn nhịp, mùi hương trầm hòa trong cái rét của đêm 30 và phút giây sum vầy bên gia đình khiến mình lại nhớ nhà. Mình chỉ muốn được bay về ngay với bố mẹ, người thân”.
Năm nay, Lê Đình Cường đón Tết cổ truyền trên nước bạn. Cường cho biết: “Mình đến chỗ anh trai và mấy anh em đang học tập, làm việc tại đây để cùng nhau đón Tết. Chúng mình cũng nấu bánh chưng, làm dưa hành, trang trí mâm ngũ quả để vơi nỗi nhớ Tết quê”.
Năm nay, lần đầu tiên Nguyễn Ngọc Lan (sinh năm 1994) đón Tết xa nhà. Lan sinh ra và lớn lên tại Thủ đô Hà Nội. Đầu năm 2016, cô sang Hàn Quốc và học tập tại Đại học Quốc gia Seoul. Dù đã ngoài 20 tuổi nhưng đây là lần đầu tiên cô gái Hà Nội rời vòng tay bố mẹ. Lan quen sống trong sự bao bọc chăm lo của gia đình nên những ngày tháng đầu tiên nơi xứ người cô gặp rất nhiều khó khăn. Mọi thứ đều vô cùng mới mẻ khiến Lan cảm thấy lạc lõng, nhớ nhà nhiều hơn. Lan nhớ mỗi sáng mùng một Tết, Hà Nội bình yên đến lạ, đường phố thanh vắng, không ồn ào như những ngày thường.
Lan tâm sự: “Năm nay mình biết “nếm mùi” ở trọ, tự lập là thế nào. Mùa xuân đến, mình nhớ gia đình, nhớ vị bánh chưng, dưa hành, thịt đông, những lời chúc tụng đầu năm mới, quà lì xì của mọi người… Xa quê hương, đất nước mới cảm nhận được tình yêu dành cho đất nước nhiều tới nhường nào”.
Lan cho biết, cô đã quyết tâm gạt bỏ sự nhút nhát của mình để gia nhập Hội Du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc, cùng bạn bè đón Tết. Cô gái thổ lộ: “Nghĩ về Tết làm mình và các bạn du học sinh thêm xốn xang. Chúng mình chuẩn bị mọi thứ như ở quê nhà. Tất cả cùng nhau đi chợ, nấu các món ăn truyền thống, bày mâm ngũ quả và thắp hương đêm Giao thừa”.