Dự kiến sửa đổi 7 nhóm vấn đề trong Luật Giao thông đường bộ
Trong tương lai không xa, Thủ đô Hà Nội sẽ phát triển đa dạng các loại hình vận tải hành khách. Trong ảnh là một đoạn tuyến đường sắt trên cao Nhổn - Ga Hà Nội
Dự kiến 7 nhóm vấn đề sửa đổi
Phát biểu tại Hội thảo "Lấy ý kiến doanh nghiệp về dự thảo Luật Giao thông đường bộ” ngày 27/8, tại Hà Nội, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, việc sửa đổi Luật sẽ tập trung vào 7 nhóm vấn đề nóng hiện nay; trong đó, bao gồm cả việc phân loại hệ thống đường bộ, bảo trì đường bộ và xem xét việc quy định màu biển số xe để phân biệt xe kinh doanh vận tải và không kinh doanh vận tải.
Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) sẽ tập trung vào 7 nhóm vấn đề nóng hiện nay |
Theo Bộ Giao thông Vận tải, qua 10 năm triển khai thi hành, Luật Giao thông đường bộ 2008 đã đạt được những kết quả nhất định, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động giao thông vận tải đường bộ nói riêng và giao thông vận tải nói chung; thúc đẩy phát triển giao thông vận tải và kinh tế đất nước; tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam chủ động tham gia vào hoạt động giao thương với các nước trong khu vực.
Cùng với sự phát triển kinh tế, xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, trong quá trình triển khai thi hành, Luật Giao thông đường bộ 2008 đã xuất hiện một số tồn tại và các vấn đề phát sinh: Phương tiện giao thông cá nhân phát triển nhanh, nhiều loại phương tiện mới xuất hiện; công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng còn nhiều bất cập; vận tải công cộng chưa đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân; số người bị chết, bị thương do tai nạn giao thông vẫn ở mức cao và tiềm ẩn nguy cơ gia tăng, tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng vẫn thường xuyên xảy ra… Do vậy, đã đến lúc cần phải sửa đổi Luật Giao thông đường bộ.
Trong 7 nhóm vấn đề được đưa ra, đại diện nhiều doanh nghiệp vận tải đã có những ý kiến đóng góp rất thiết thực, đi sâu đi sát vấn đề.
Nên định danh Uber, Grab là một loại hình vận tải
Hội thảo cũng ghi nhận ý kiến của nhiều doanh nghiệp và luật sư về một số bất cập trong quản lý nhà nước đối với lĩnh vực giao thông đường bộ. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, Nhà nước cần thống nhất trong quản lý phương tiện vận tải.
Đóng góp cho Dự thảo Luật, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) cần có độ mở để quản lý các loại hình vận tải mới. Do Luật hiện hành chỉ ghi nhận 5 loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô, nên cơ quan chức năng buộc phải định danh Uber, Grab vào một trong 5 loại hình. Tuy nhiên, điều kiện kinh doanh giữa taxi và những xe hợp đồng điện tử Uber, Grab lại không bình đẳng, Bộ Giao thông cũng đang soạn thảo Dự thảo Nghị định 86 về vấn đề này. Trong khi đó, "hợp đồng điện tử" chỉ là phương thức giao kết hợp đồng và doanh nghiệp nào cũng có thể áp dụng.
Do đó, ông Thanh đề nghị không cần phân loại loại hình nào cả. Nếu phân loại thì phải thật rõ ràng, chi tiết. Tuy nhiên, làm vậy thì không theo kịp sự kiến bộ của khoa học kỹ thuật và cũng không thể chạy theo các loại hình mới sẽ xuất hiện trong thời đại giao thông thông minh. Vì vậy, Nhà nước chỉ nên quy định chung xe có kinh doanh và không kinh doanh.
Bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, trong thời gian qua việc sử dụng phương tiện cá nhân vào kinh doanh vận tải diễn ra khá phổ biến, gây nên tình trạng lộn xộn trong hoạt động vận tải và tạo sự bất bình đẳng. Vì thế, cần có quy định phân biệt giữa phương tiện kinh doanh vận tải và phương tiện cá nhân để đảm bảo môi trường kinh doanh vận tải lành mạnh, minh bạch, công bằng cũng như đảm bảo an toàn cho người dân khi sử dụng dịch vụ.
Ngoài ra, ông Thanh cũng đề nghị, Luật mới cần quy định chặt chẽ các điều kiện kinh doanh. Xe kinh doanh vận tải thì lái xe, phụ xe, phục vụ trên xe phải được đào tạo, trải qua các khóa tập huấn. Tránh tình trạng Luật Giao thông đường bộ đã quy định nhưng Nghị định hướng dẫn lại không nhắc đến.
Bổ sung thêm ý kiến trên, ông Phan Bá Mạnh, Giám đốc Công ty Cổ phần công nghệ An Vui cho rằng, nên đưa nội dung "mã số định danh dành cho phương tiện giao thông" vào Luật. Mỗi xe cần có một mã số định danh và đó là mã duy nhất. Từ mã số này, cơ quan quản lý có thể thu phí không dừng, quản trị hành khách, định vị phương tiện.
“Trên cơ sở pháp lý này, Nhà nước có thể tạo ra cơ sở dữ liệu chung, thống nhất quản lý phương tiện. Các doanh nghiệp muốn kinh doanh cũng sẽ có nơi truy xuất thông tin về xe. Ngược lại, thông tin về hành trình, số thuế cũng được doanh nghiệp cập nhật lên hệ thống của cơ quan chức năng theo thời gian thực”, ông Mạnh nói.
Xem xét quy định màu biển số xe
Cũng tại Hội thảo, bàn về vấn đề quy định màu đối với biển số phương tiện, ông Ngô Khắc Lễ, Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam cho rằng, quy định về màu đối với biển số phương tiện không hẳn là biện pháp tốt trong giai đoạn hiện nay. Cụ thể, trong ngành Logistics có những phương tiện chuyên sử dụng trong kho bãi, khu vực riêng trong nhà máy và rất hiếm khi ra ngoài tham gia giao thông công cộng. Nếu quy định màu riêng biệt đối với biển số của xe phục vụ kinh doanh thì khi phương tiện ra ngoài đường sẽ phải sử dụng một biển số khác hoặc biển số của xe sẽ có hai màu.
Nhiều ý kiến cho rằng nên quy định màu biển số để phân biệt xe kinh doanh vận tải với xe cá nhân |
Thực tế, nhiều doanh nghiệp logistics trên thế giới cũng đã sử dụng những phương tiện vừa đi trên bộ, vừa đi dưới nước hoặc phương tiện vừa tham gia giao thông đường bộ lại có thể bay để giao hàng (drone). Vì vậy, Hiệp hội mong muốn Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) quy định rõ nhưng cần có tầm nhìn xa để phù hợp với tốc độ biến đổi của công nghệ.
Cho ý kiến về đề xuất quy định màu biển số xe để phân biệt xe kinh doanh vận tải với xe cá nhân, ông Nguyễn Văn Thanh cho rằng, xung đột hết sức quyết liệt của taxi truyền thống và Grab bắt nguồn từ việc khó phân biệt giữa hai loại hình vận tải. Vì vậy, việc phân biệt rõ màu biển số xe sẽ giúp phân biệt giữa hai loại hình này. Như vậy, taxi truyền thống và taxi công nghệ sẽ có sự cạnh tranh bình đẳng.
Hội thảo cũng đã ghi nhận nhiều ý kiến của các doanh nghiệp về tải trọng hàng hóa cũng như các bất cập khác. Cụ thể, các doanh nghiệp vận tải hàng hóa nhất là loại hình xe container phản ánh quy định về chiều cao tối đa của xe vận tải là 4,2m là không còn phù hợp với thực tiễn. Quy định về tải trọng hàng hóa được phép vận chuyển cũng đang rất phức tạp và không hợp lý; quy định xử phạt với lỗi của lái xe và chủ xe còn quá nặng và hiện đang có quá nhiều chặng thu phí BOT dẫn tới dễ gây ách tắc giao thông và ảnh hưởng nhiều tới doanh nghiệp...
Việc sửa đổi Luật Giao thông đường bộ sẽ tập trung vào 7 nhóm vấn đề:
Thứ nhất, sửa đổi bổ sung các quy định về quy tắc giao thông đường bộ đảm bảo phù hợp với công ước về biển báo và tín hiệu đường bộ, công ước về giao thông đường bộ và các quy định chưa phù hợp thực tế hiện nay.
Thứ hai, điều chỉnh việc phân loại hệ thống đường bộ, nội dung bảo trì đường bộ, trách nhiệm của các cơ quan trong công tác quản lý, khai thác, bảo trì bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Thứ ba, bổ sung khung pháp lý đối với các phương tiện mới, phương tiện giao thông thông minh, quản lý chất lượng, khí thải đổi với xe mô tô.
Thứ tư, xem xét việc quy định màu biển số xe để phân biệt xe kinh doanh vận tải và xe không kinh doanh vận tải.
Thứ năm, xem xét quy định trách nhiệm đăng ký tài khoản ngân hàng của chủ xe ô tô.
Thứ sáu, điều chỉnh hạng giấy phép lái xe phù hợp với Công ước Viên 1980 và các vấn đề có liên quan.
Thứ bảy, phân lại các loại hình kinh doanh vận tải, trên cơ sở đó điều chỉnh, sửa đổi điều kiện kinh doanh vận tải.