Du lịch nội địa phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19
Du lịch nội địa phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19
Bài liên quan
Hỗ trợ các doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh du lịch nội địa
Hà Nội chưa mở cửa du lịch quốc tế nhằm ngăn chặn nguồn bệnh xâm nhập
Vinpearl tung bão khuyến mại siêu sốc đón hè
Vietnam Airlines tiếp tục mở 5 đường bay nội địa mới
Tung hàng loạt các khuyến mại “khủng”
Ngay sau khi Việt Nam thực hiện các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới, những hoạt động kích cầu du lịch nội địa liên tiếp được triển khai và trong đó hàng không được ví như "cánh tay" nối dài của du lịch. Từ sự hợp tác chặt chẽ giữa hai bên, chỉ trong 1 tháng, từ ngày 19/5 đến ngày 18/6, các hãng hàng không của Việt Nam đã thực hiện tổng cộng 18.623 chuyến bay, tăng 116% so với tháng 4/2020.
Đồng thời, để thực hiện hiệu quả hơn nữa chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam", Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã mở thêm nhiều chuyến bay mới kết nối với những địa phương có địa điểm du lịch hút khách. Hay ngay tại chương trình "Quảng bá điểm đến văn hóa - du lịch Hà Nội năm 2020" (vừa diễn ra từ ngày 26 - 28/6, tại nhà Bát Giác - khu vực Tượng đài Lý Thái Tổ) nhiều hãng hàng không của Việt Nam cũng đồng loạt tung ra vé bay giá rẻ để thu hút khách du lịch nội địa...
Ngành Du lịch phát động triển khai mạnh mẽ chương trình chào đón du khách trở lại, với những ưu đãi đặc biệt để kích thích chi tiêu trong vòng 2 tháng. Tất cả du khách mỗi khi "check-in" các điểm đến đều nhận được tin nhắn chào mừng, gói ưu đãi hấp dẫn đến từ các đại lý du lịch, cửa hàng ăn uống, mua sắm, tất cả các phương tiện giao thông công cộng, các hãng taxi.
Việc triển khai cần áp dụng mạnh mẽ và trên quy mô cả nước, với tất cả các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động du lịch, bao gồm: Lữ hành, vận tải, lưu trú, mua sắm... để tạo nên chuỗi sản phẩm có chất lượng tốt nhất và mức giá rẻ nhất để kích thích tiêu dùng.
Từ đầu tháng 5, Saigontourist đã tái khởi động toàn hệ thống các gói kích cầu, liên kết các sản phẩm dịch vụ trong hệ thống và tiên phong phát động du lịch nội địa. Trong thời gian sắp tới, Saigontourist sẽ tiếp tục có những chương trình kích cầu, những sản phẩm du lịch chất lượng và cam kết đồng hành với Tổng cục du lịch và các ban liên quan để phục hồi và phát triển ngành.
Du lịch nội địa mới phục hồi trong thời gian gần đây, trong khi mảng đưa khách Việt Nam đi du lịch quốc tế và đón khách quốc tế vào Việt Nam chiếm doanh thu cao thì chưa khởi động lại. Do đó, đơn vị đang luân chuyển đưa lao động mảng quốc tế chuyển sang làm nội địa.
Cơ hội để du lịch nội địa đẩy mạnh chất lượng dịch vụ
Ông Đỗ Anh Tuấn, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (Tổng công ty Du lịch Hà Nội) |
Ông Đỗ Anh Tuấn, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (Tổng công ty Du lịch Hà Nội) cho biết, mức doanh thu của Tổng Công ty Du lịch Hà Nội trong 6 tháng qua chỉ đạt 9% kế hoạch năm 2020, nhiều khách sạn phải đóng cửa. Tuy vậy, đơn vị này vẫn cố gắng duy trì đủ lực lượng lao động bằng cách cho họ nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, nhưng vẫn được hưởng mức lương không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng; Đồng thời được đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ.
Bên cạnh đó, Tổng Công ty Du lịch Hà Nội tìm hướng đổi mới hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhằm tạo ra nhiều vị trí việc làm mới cho người lao động, khuyến khích, giữ chân cho các lao động có tay nghề chuyên môn cao; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Trong thời gian vừa qua, do du lịch quốc tế bị tê liệt, Tổng Công ty cũng đã tung ra nhiều tour tuyến du lịch nội địa với khuyến mại lớn và đã có bước khởi đầu đáng mừng.
Đánh giá về bức tranh du lịch năm 2020 và đặc biệt là những tác động của dịch Covid-19 đến ngành Du lịch, ông Phạm Trung Lương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Đào tạo, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, du lịch là ngành kinh tế rất nhạy cảm với các tác động xã hội, dễ bị biến đổi bởi tác động của những yếu tố rủi ro. Điển hình như tác động từ dịch bệnh Covid-19 đang làm cho ngành Du lịch bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Theo ông Phạm Trung Lương, thực tế doanh thu từ du lịch trong 6 tháng đầu năm 2020 cho thấy, lượng khách quốc tế giảm tới 70 - 80%, thậm chí là hơn, bởi lượng khách này chỉ có vào thời điểm tháng 1 và 2, từ tháng 3 đến nay thì hầu như không có. Khách du lịch nội địa cũng giảm mạnh do diễn biến phức tạp của dịch bệnh và chúng ta thực hiện giãn cách xã hội. Những yếu tố trên cho thấy, doanh nghiệp du lịch hiện nay đang rất khó khăn, không ít nhân viên ngành Du lịch mất việc làm, thu nhập không có… Đó chính là bức tranh chung của ngành Du lịch trong bối cảnh nền kinh tế chung cả thế giới cũng như du lịch Việt Nam.
“Đây là lúc thích hợp để ngành Du lịch nhìn lại chính mình, tập trung rà soát, tìm hướng đi đúng đắn nhất nhằm phục hồi du lịch sau những tổn thất thời gian qua, biến những thách thức hiện nay thành cơ hội để phát triển du lịch. Chắc chắn sau đại dịch này, ngành Du lịch sẽ có nhiều biến đổi, nhu cầu đi du lịch của người dân sẽ khác trước, khách du lịch sẽ quan tâm nhiều hơn đến sự an toàn. Do đó, những sản phẩm du lịch an toàn đến sức khỏe, tính mạng… sẽ được đề cao và nhiều người lựa chọn hơn.
Vì vậy, các doanh nghiệp du lịch cũng cần có những điều chỉnh kịp thời để tạo ra những sản phẩm du lịch phù hợp. Tôi cho rằng các doanh nghiệp phải nhận thức và có sự thay đổi theo thị trường và trong tương lai, nhu cầu của người dân sẽ ngày càng cao hơn từ chất lượng tại các điểm tham quan đến các dịch vụ ăn uống, môi trường tại các điểm đến cũng phải được bảo đảm. Nếu trước đây, chúng ta còn dựa vào những cái có sẵn, thì bây giờ phải thật sự hành động để giữ gìn môi trường du lịch, tạo sự cạnh tranh lành mạnh, thu hút khách tham quan du lịch nội địa ngày càng nhiều hơn”, ông Phạm Trung Lương chia sẻ.