Dự thảo mới quy định về việc tài xế khi rẽ hoặc quay đầu
Dự thảo mới không chỉ kế thừa mà còn sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung mới so với Luật giao thông đường bộ 2008. Đáng chú ý, dự thảo đã bổ sung thêm quy định mới yêu cầu các tài xế tuân thủ khi thực hiện chuyển hướng xe rẽ trái hoặc rẽ phải.
Cụ thể, tại điều 4 của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có quy định:
Chuyển hướng xe là tình huống giao thông mà phương tiện rẽ trái hoặc rẽ phải hoặc quay đầu xe.
Trước khi chuyển hướng, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải quan sát, bảo đảm khoảng cách an toàn với xe phía sau, giảm tốc độ và bật tín hiệu báo hướng rẽ hoặc có tín hiệu bằng tay đối với xe thô sơ. Tín hiệu báo hướng rẽ hoặc tín hiệu bằng tay phải được sử dụng liên tục trong quá trình chuyển hướng.
Trong khi chuyển hướng, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải nhường đường cho người đi bộ, xe thô sơ, xe đi ngược chiều và chỉ chuyển hướng khi không gây trở ngại hoặc nguy hiểm cho người, phương tiện khác.
Không quay đầu xe ở phần đường dành cho người đi bộ qua đường, trên cầu, đầu cầu, gầm cầu vượt, ngầm, tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, đường hẹp, đường dốc, đoạn đường cong tầm nhìn bị che khuất, trên đường cao tốc, trong hầm đường bộ; nơi có biển báo cấm quay đầu; trên đường một chiều, trừ khi có sự chỉ huy, điều khiển của người điều khiển giao thông hoặc chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường.
Bên cạnh đó, cũng có một số điểm khác trong dự thảo như:
Đề xuất trẻ dưới 10 tuổi không được ngồi ghế trước ô tô
Tại Điều 9 của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có quy định: Trẻ em dưới 10 tuổi hoặc chiều cao dưới 1,35 mét được chở trên xe ô tô con không được ngồi cùng hàng ghế của người lái xe khi tham gia giao thông đường bộ.
Ngoài ra, trẻ em dưới 4 tuổi phải được chở bằng ghế thiết kế dành cho trẻ em, trừ ôtô kinh doanh vận tải hành khách theo quy định của pháp luật đường bộ. Người lái xe phải kiểm tra, hướng dẫn việc thắt dây an toàn cho trẻ em.
Trên thực tế, tại Việt Nam, nhiều gia đình thường có thói quen để trẻ ngồi cùng hàng với ghế lái, hoặc mẹ bế con ngồi bên cạnh ghế lái. Nếu dự thảo luật trên được thông qua, nhiều gia đình sẽ phải thay đổi thói quen trên.
Đề xuất nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường
Điểm mới tiếp theo là tại nơi có vạch kẻ đường hoặc báo hiệu khác dành cho người đi bộ, người lái xe phải quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường.
Không chỉ vậy, ngay tại nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ, người lái xe cũng phải quan sát, nếu thấy người đi bộ hoặc xe lăn của người khuyết tật đang qua đường hoặc có tín hiệu qua đường thì phải giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua.
Bỏ giấy phép lái xe hạng A1, B1, B2, E và các hạng F
Theo Điều 59 Luật Giao thông đường bộ, các hạng giấy phép lái xe tại Việt Nam bao gồm: Giấy phép lái xe không có thời hạn (hạng A1, A2, A3) và giấy phép lái xe có thời hạn (hạng A4, B1, B2, C, D, E, FB2, FD, FE).
Tại dự thảo Luật mới, Bộ Công an đang đề xuất thay đổi các hạng giấy phép lái xe. Trong đó, bỏ quy định về giấy phép lái xe hạng A1, B1, B2, E và các hạng F, thay vào đó là các hạng bằng lái mới bao gồm: Hạng A2, A, A3, B, C1, C, D2, D, BE, C1E, CE, D2E, DE.
Đề xuất mới về việc sử dụng đèn xe
Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đề xuất, người lái xe tham gia giao thông khi có sương mù, khói, bụi, trời mưa, thời tiết xấu làm hạn chế tầm nhìn phải bật sáng các loại đèn sau:
Đèn chiếu sáng phía trước là đèn chiếu xa hoặc đèn chiếu gần;
Đèn soi biển số sau;
Đèn vị trí được trang bị theo thiết kế của xe.
Bên cạnh đó, dự thảo này cũng yêu cầu lái xe phải tắt đèn chiếu xa, bật đèn chiếu gần để tránh gây lóa cho người tham gia giao thông khác trong các trường hợp như:
Khi gặp người đi bộ qua đường.
Khi đi trên các đoạn đường qua khu dân cư có bố trí hệ thống chiếu sáng và đang hoạt động.
Khi gặp xe đi ngược chiều.
Khi chuyển hướng xe tại nơi đường giao nhau.