Đưa Hà Nội trở thành trung tâm giáo dục đào tạo chất lượng cao
Tin tức trong ngày 3/10: Bộ Giáo dục Đào tạo nói về đề xuất bỏ Ban phụ huynh |
Theo ông Chử Xuân Dũng, trong những năm qua, ngành GD&ĐT Thủ đô đã không ngừng phát triển cả về quy mô và chất lượng giáo dục toàn diện, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của người dân.
Ngành GD&ĐT Thủ đô tập trung chỉ đạo thực hiện tốt Chương trình hành động số 27-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, các Kế hoạch của UBND Thành phố thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT và đạt được nhiều kết quả quan trọng, hoàn thành chất lượng các nhiệm vụ phát triển sự nghiệp GD&ĐT.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Chử Xuân Dũng trình bày tham luận tại Đại hội |
Nổi bật là thực hiện hiệu quả đề án Quy hoạch mạng lưới trường học, trong giai đoạn 2016-2020, nhiều biện pháp đã được triển khai nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa nâng cấp cơ sở vật chất, hệ thống trường lớp, vượt về tổng số trường so với quy hoạch được duyệt. Đến nay, Hà Nội cơ bản bảo đảm mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất 1 trường mầm non công lập, 1 trường tiểu học công lập, 1 trường THCS công lập; 3 đến 5 vạn dân có 1 THPT công lập; xây mới và cải tạo được 1.362 trường học các cấp, vượt so với chỉ tiêu định hướng đến năm 2020 là 509 trường công lập. Trong đó, 6.776 số phòng học và 651 phòng bộ môn được xây mới; cải tạo 14.344 phòng học và 1.115 phòng bộ môn.
Theo ông Chử Xuân Dũng, chất lượng giáo dục toàn diện và mũi nhọn của Hà Nội luôn đạt kết quả xuất sắc trong 5 năm qua, liên tục dẫn đầu cả nước về số lượng và chất lượng giải thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế; chất lượng giải từng bước được nâng lên. Chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý ngày càng đáp ứng với thời kỳ hội nhập và phát triển. Công tác quản lý được đổi mới, nâng cao hiệu quả, bảo đảm dân chủ, thống nhất; Các chế độ chính sách cho giáo dục luôn được ưu tiên, nguồn kinh phí dành cho đào tạo bồi dưỡng tăng; Đặc biệt chú trọng đến chính sách thu hút, đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ và nguồn nhân lực chất lượng cao.
Chỉ tiêu về xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia và xây dựng mô hình trường chất lượng cao đã đạt thành tích xuất sắc, hoàn thành và vượt chỉ tiêu hằng năm đặt ra. Trường công lập đạt chuẩn quốc gia toàn thành phố năm 2015 có tỷ lệ 53,3%, đến năm 2019 được nâng lên 71,6%, hoàn thành vượt mức so với chỉ tiêu của Đại hội Đảng bộ thành phố khóa XVI (nhiệm kỳ 2015 - 2020). Hiện có 20 trường chất lượng cao được công nhận, phát huy tác dụng tốt đối với học sinh và cha mẹ học sinh, tạo nền tảng phát triển mô hình trường tự chủ trong giai đoạn tới…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ông Chử Xuân Dũng cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập của ngành GD&ĐT như phương pháp giáo dục còn nặng về xu hướng truyền thụ kiến thức, lý thuyết; Công tác quản lý ở một số trường học còn bộc lộ những bất cập. Một số dự án xây dựng trường học chưa đúng tiến độ, cải tạo các trường học cũ chưa được kịp thời. Mô hình trường chất lượng cao khó phát triển ở những huyện ngoại thành do cơ chế tài chính chưa phù hợp với tình hình kinh tế…
Với mục tiêu Hà Nội trở thành trung tâm GD&ĐT chất lượng cao, tiêu biểu của cả nước và có tầm cỡ khu vực trong thời gian tới, ngành GD&ĐT xác định phải tạo ra những con người có phẩm chất, năng lực toàn diện, cần thiết gồm phát triển cả phẩm chất và năng lực con người, cả dạy chữ, dạy người, dạy nghề; Từng bước chuyển hệ thống GD&ĐT phát triển chủ yếu theo quy mô, số lượng sang phát triển vừa lấy trọng tâm là nâng cao chất lượng, hiệu quả, vừa chú ý quy mô, số lượng; Thực hiện chuẩn hóa, hiện đại hóa. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia (từ mầm non đến trung học phổ thông) đạt từ 80 - 85% vào năm 2025
Để có thể thực hiện được những mục tiêu, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, ngành đã đề ra các chỉ tiêu tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền và sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành của thành phố trong việc phát triển sự nghiệp GD&ĐT Thủ đô; Đổi mới công tác quản lý GD&ĐT, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu nhằm bảo đảm tính đồng bộ và hiệu quả của quản lý nhà nước về GD&ĐT; Bảo đảm quỹ đất để xây dựng trường học các cấp phù hợp với quy hoạch mạng lưới trường học, lớp học đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt…
Thành phố sẽ tăng cường thu hút nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư xây dựng và phát triển các trường chất lượng cao, trường học thông minh, trường song bằng, trường liên kết theo chương trình quốc tế ở tất cả các cấp học; Xây dựng hệ thống giáo dục mở, liên thông để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh học tập và được cấp bằng nếu có nhu cầu; Chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế; Chú trọng ứng dụng CNTT trong công tác quản lý giáo dục, các hoạt động dạy học và công tác tuyển sinh…
Đặc biệt, trước những cơ hội, thách thức đặt ra trong nhiệm kỳ Đại hội XVII của Đảng bộ TP Hà Nội, ngành GD&ĐT Thủ đô tiếp tục quán triệt sâu sắc và đẩy mạnh triển khai đồng bộ, có hiệu quả sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo định hướng “chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế” nêu trong Nghị quyết số 29/NQ-TW của Đảng; Chủ động lãnh đạo, chỉ đạo phát triển theo hướng giáo dục toàn diện, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô trong thời kỳ mới.