Đưa Luật Thủ đô đi vào cuộc sống ngay khi có hiệu lực
4 điểm nổi bật trong hoạt động của HĐND TP Hà Nội
Sáng 1/7, phát biểu chỉ đạo tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 17 HĐND TP Hà Nội, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết: Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) rất vui mừng, phấn khởi khi thấy thời gian qua, TP Hà Nội đã vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, đóng góp rất tích cực vào thành tựu chung của cả nước.
Nổi bật là 6 tháng đầu năm 2024, kinh tế vĩ mô phát triển ổn định, thu ngân sách tăng cao, các cân đối lớn được đảm bảo. Tăng trưởng GRDP ước tăng 6,0%(cao hơn bình quân chung cả nước); thu ngân sách Nhà nước dự kiến đạt 252.054 tỷ đồng, bằng 61,7% so với dự toán và tăng 12,5% so với cùng kỳ…
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại kỳ họp |
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, trong thành tựu chung của TP, có sự đóng góp tích cực, hiệu quả của HĐND cùng sự đồng hành, tâm huyết, trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội khóa XV.
“HĐND TP Hà Nội đã luôn bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của Thành uỷ; thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ và Đoàn ĐBQH TP; chủ động, đổi mới, sáng tạo, linh hoạt trong hoạt động, tổ chức các kỳ họp với nhiều đổi mới, đúng luật định, khoa học, phát huy dân chủ và trí tuệ của đại biểu.
HĐND TP cũng thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, vị trí, vai trò của cơ quan quyền lực Nhà nước ở TP, đại diện cho ý chí, nguyện vọng, trí tuệ của cử tri và nhân dân Thủ đô”- Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá.
Chỉ ra 4 nội dung nổi bật trong hoạt động của HĐND TP, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết: Quốc hội giá rất cao năng lực cụ thể hoá các chủ trương, nghị quyết của Trung ương cũng như của Thành uỷ trong tạo hành lang pháp lý, cơ chế chính sách để TP hoạt động.
Thứ hai là năng lực đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân và cử tri Thủ đô. Thứ ba là năng lực đề xuất và phát hiện vấn đề để đề xuất với Trung ương, các cơ quan của Trung ương, với Thường vụ Quốc hội, Quốc hội, Thành uỷ, UBND TP trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của HĐND theo Luật định. Thứ tư là năng lực lãnh đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của HĐND TP theo Luật định, bám sát sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ TP trong thực hiện các nhiệm vụ.
“HĐND TP Hà Nội rất nhạy bén, linh hoạt, tạo thành tiền đề rất quan trọng cho hoạt động của HĐND. Ngay từ đầu nhiệm kỳ các đồng chí đã chủ động đề xuất với Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 160 về tổ chức bộ máy của HĐND TP, từ đó tạo nền tảng rất quan trọng để vừa rồi Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) với vai trò, tổ chức bộ máy, thẩm quyền của TP trong Luật Thủ đô”- Phó Chủ tịch Quốc hội nhận định
Cùng với đó, trong thời gian qua, HĐND đã kịp thời lan tỏa những đổi mới trong hoạt động của Quốc hội, UBTVQH; đồng thời, tham gia rất trách nhiệm, tích cực, phối hợp tốt với các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong thực hiện nhiệm vụ liên quan; phối hợp chặt chẽ với Đoàn đại biểu Quốc hội TP triển khai có hiệu quả các hoạt động giám sát chuyên đề theo chương trình, kế hoạch giám sát tối cao của Quốc hội và giám sát của UBTVQH...
Quang cảnh kỳ họp |
Khai thác tối đa các cơ chế đặc thù trong Luật Thủ đô (sửa đổi)
Cơ bản đồng tình, nhất trí với phương hướng, nhiệm vụ được nêu trong báo cáo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị HĐND TP tập trung thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm.
Trong đó, TP khẩn trương quán triệt, triển khai thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi) và phối hợp với các cơ quan của Chính phủ tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp để hoàn thiện 2 Quy hoạch quan trọng của Thủ đô, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành theo thẩm quyền.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, Luật Thủ đô (sửa đổi) với những cơ chế, chính sách đặc thù để Hà Nội phát triển đột phá tạo động lực dẫn dắt cả vùng, cả nước; trong đó thể hiện sự phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền TP Hà Nội nhưng cũng đặt ra trách nhiệm cao hơn đối với chính quyền TP trong việc thực hiện đồng bộ nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ và phát triển Thủ đô, đáp ứng yêu cầu của Đảng, Nhà nước và nguyện vọng của Nhân dân.
"Theo thống kê, trong Luật Thủ đô có trên 50 quy định nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của HĐND TP. Vì vậy, tôi đề nghị TP Hà Nội nói chung, HĐND TP nói riêng nắm bắt tốt cơ hội này, hành động quyết liệt, phát huy mạnh mẽ vai trò của mình và sức mạnh tổng hợp để khai thác tối đa hiệu quả của các cơ chế đặc thù nhằm khẩn trương tháo gỡ vướng mắc thúc đẩy, phát huy các lợi thế sẵn có; chủ động nghiên cứu, rà soát, xây dựng kế hoạch để tổ chức triển khai, thực hiện.
Trong đó cần xác định rõ lộ trình, phân công rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan để Luật Thủ đô (sửa đổi) đi vào cuộc sống, đạt hiệu quả thiết thực ngay khi có hiệu lực (từ ngày 1/1/2025)"- Phó Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo.
Trong quá trình triển khai kế hoạch thực hiện, TP cần quan tâm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong quá trình tổ chức triển khai Luật Thủ đô và các Quy hoạch của Thủ đô sau khi được phê duyệt nhằm xây dựng, phát triển Thủ đô xứng đáng với vị trí là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh và lãnh đạo thành phố Hà Nội tại phiên khai mạc kỳ họp |
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị HĐND TP quan tâm việc quy hoạch đội ngũ cán bộ, chuẩn bị nhân sự của HĐND, cho Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVIII; bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 sẽ được thực hiện trong năm 2026.
Cùng đó, khẩn trương hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã và cấp huyện , quan tâm thực hiện chính sách giải quyết lao động dôi dư, chính sách đãi ngộ đối với những người đương chức, những người nghỉ hưu và những người trong diện sắp xếp…
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị HĐND TP tiếp tục chủ động nghiên cứu, tham gia ý kiến, đóng góp tích cực cho việc xây dựng chính sách hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương và HĐND, trọng tâm là sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND và các Đề án liên quan trực tiếp đến hoạt động của Hội đồng Nhân dân các cấp như: Việc xây dựng Đề án tiếp tục đổi mới cơ chếbầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp; việc ban hành Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp; việc ban hành Quy chế làm việc mẫu của HĐND cấp tỉnh…