Đùn đẩy, sợ trách nhiệm là lực cản sự phát triển
Cơ sở xem xét quy hoạch, sử dụng cán bộ qua phiếu tín nhiệm Cán bộ không được né tránh, sợ trách nhiệm Có hiện tượng cán bộ xã xin nghỉ việc để xuất khẩu lao động |
Chiều 1/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Phát biểu thảo luận, đại biểu Lê Hữu Trí (đoàn Khánh Hòa) đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội.
Trong đó, Chính phủ đã vào cuộc quyết liệt, ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, các chính sách đó đến với người dân và doanh nghiệp như thế nào và hấp thụ được bao nhiêu tháo gỡ được những gì mới là vấn đề quan trọng.
Đại biểu Lê Hữu Trí (đoàn Khánh Hòa) |
Theo đại biểu Lê Hữu Trí, doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do tác động từ nhiều yếu tố cả bên ngoài lẫn bên trong nền kinh tế.
Đặc biệt là những rào cản từ các điểm nghẽn của pháp luật, từ nhận thức và cách ứng xử đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức trong bộ máy công quyền, dẫn đến sự trì trệ, là lực cản lớn nhất hiện nay cho sự phát triển.
Đại biểu Lê Hữu Trí đề nghị Chính phủ cần tiếp tục và tập trung các giải pháp tích cực, tháo gỡ các nút thắt điểm nghẽn, nhằm khai thông mọi nguồn lực về dòng vốn trong nền kinh tế.
Đồng thời, Chính phủ cũng cần quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc lớn đối với doanh nghiệp hiện nay, nhất là vấn đề pháp lý, thị trường đầu ra, tiếp cận vốn, triển khai có hiệu quả các biện pháp kích cầu thương mại và du lịch, cải thiện mạnh mẽ thực chất môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.
Cùng với đó, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục xử lý tháo gỡ những khó khăn vướng mắc bảo đảm ổn định và sự phát triển lành mạnh của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tiền tệ, bất động sản, xuất nhập khẩu.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần có những chính sách mang tính đột phá tích cực, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển mạnh, bền vững hơn nhằm phát huy vai trò quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân trong động lực phát triển của các nguồn lực, các lĩnh vực mà khu vực Nhà nước không làm hoặc không làm được.