Đừng để mình trở thành nạn nhân của các vụ hỏa hoạn
8 tiếng đầy ám ảnh
Giống như một ngày bình thường, đêm 12/9, anh Việt cùng các thành viên khác trong Đội hỗ trợ sơ cứu miễn phí (FAS Angel) thực hiện công việc ứng trực tai nạn tại các "điểm đen giao thông". Khi đang trò chuyện cùng một thành viên khác, nhận được tin một chung cư mini 9 tầng trong ngõ 29/70 phố Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) bị cháy, anh Việt lúc đó đang tại điểm ứng trực tai nạn số 2 Trần Vỹ lập tức điều một chiếc xe cứu thương từ Ngã Tư Sở đến hiện trường.
Nhận định vụ hỏa hoạn đặc biệt nghiêm trọng, nhiều người mắc kẹt bên trong, anh Việt thông báo và yêu cầu toàn đội hoãn các hoạt động hỗ trợ tai nạn, từ các ngả đường khác nhau đổ về ngõ 29 Khương Hạ. "Tôi trực tiếp chỉ đạo anh em phối hợp các cơ quan chức năng tìm kiếm các nạn nhân còn sống sót", anh Việt nhớ lại.
Tiếp cận hiện trường vào 12h10, Đội trưởng FAS Angel thấy ngọn lửa bốc cháy dữ dội tại tầng 2 trong tòa nhà 9 tầng và một tum, rộng khoảng 200m2. Lửa bắt đầu bén lên tầng 3, rồi lan nhanh lên các tầng phía trên.
Các thành viên của FAS Angel (áo cam) cùng người dân, lực lượng chức năng đưa các nạn nhân bị thương ra xe cấp cứu (Ảnh NVCC) |
150 cư dân tại hơn 40 căn hộ vội tìm đường thoát thân. Một số người chạy lên tầng thượng kêu cứu thất thanh, số khác liều mạng nhảy xuống mái nhà dân bên cạnh, có gia đình leo thang dây từ tầng 3 xuống đất.
Cùng với các chiến sĩ PCCC và người dân, hơn 30 thành viên của đội được phân bố tới các hướng của tòa nhà, chia làm 3 nhóm nhiệm vụ chính: tìm kiếm người bị mắc kẹt; vận chuyển người bị thương, thi thể đến bệnh viện, nhà xác; điều tiết khu vực bên ngoài và phục vụ hậu cần, vận động người dân hỗ trợ chăn, ga và nước uống.
Đội tranh thủ thời gian vàng đến từng căn phòng tại chung cư để tìm kiếm người sống sót bị mắc kẹt. Các thành viên mặc áo dạ quang màu cam, bịt khẩu trang, khăn ướt, nhanh chóng lao vào bên trong tòa nhà. Họ mang theo bình oxy, bóng thở, các dụng cụ chuyên dụng nhằm hỗ trợ các nạn nhân bị ngạt thở. Liên tục trong nhiều giờ đồng hồ, FAS Angel đã phát hiện và đưa được 12 người còn sống (gồm trẻ em, thanh niên) ra ngoài an toàn, chuyển họ đến cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Đa khoa Đống Đa.
Không khí nóng bức và độc hại, khói bụi bám lên quần áo từng thành viên. Việc cứu hộ đôi lúc bị gián đoạn vì sức nóng khủng khiếp. Bằng kinh nghiệm được học và trải qua thực tế, họ nhanh chóng ổn định tinh thần, tiếp tục hỗ trợ nạn nhân. Anh Việt luôn nhắc nhở từng người nếu có dấu hiệu tức ngực, khó thở, phải nhanh chóng dừng việc cứu hộ, đến bệnh viện kiểm tra tình trạng phổi.
Sau khi xác định 100% người còn sống đã rời khỏi chung cư, FAS Angel bàn bạc với chỉ huy các đội PCCC, tiến hành sàng lọc từng tầng, đánh dấu vị trí người tử nạn để tránh bỏ sót.
Anh Việt nhớ lại, giây phút ám ảnh với anh nhất chính là khi lên các tầng. Các nạn nhân đã cố gắng chạy lên tầng thượng để tìm lối thoát nhưng nhiều người bị vấp ngã vào vật dụng đồ đạc, thậm chí vào những người bị ngạt khói trước đó và không thể dậy được.
"Tầng 6 có một số nạn nhân ôm nhau ở góc cầu thang, có người bị mắc kẹt vào chiếc xe đạp. Ở tầng 8 - đây là tầng nhiều nạn nhân tử nạn nhất… Nhiều ánh đèn flash kêu cứu từ điện thoại di động của các nạn nhân vẫn bật, nhưng họ đã không còn sống".
Giây phút nghỉ ngơi sau khi lấm lem mặt mũi, chân tay cứu hộ của các thành viên FAS Angel (Ảnh NVCC) |
Tiếp cận được các nạn nhân, điều đau xót với anh Việt và các đồng đội của mình là phải kiểm tra từng người, tách họ ra sau đó chuyển từng người xuống tầng 1.Đây là một thảm họa quá lớn, chưa khi nào tôi cảm thấy sốc, đau đớn, bất lực như khoảnh khắc ấy", anh Việt trầm ngâm.
7h10 ngày 13/9, FAS Angel hoàn tất công tác cứu hộ tại chung cư mini. Anh Việt ngồi nghỉ trên tầng thượng tòa nhà, kiểm tra tổng quát lần cuối. Sau 20 phút, khi chắc chắn không còn nạn nhân, anh thông báo đội kết thúc hoạt động cứu hộ. "Lúc đó, chúng tôi mới dám nghỉ ngơi", đội trưởng của FAS Angel nói.
Hãy trang bị ngay cho mình những kiến thức phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn
Cho tới hiện tại, những ký đau buồn vì vụ hỏa hoạn vừa rồi vẫn khiến cho anh nghẹn ngào. "Tôi sẽ nhìn vào con số 12 người được cứu sống để tìm thấy niềm an ủi và điều tích cực cho cuộc sống", anh nói.
4 năm thành lập FAS Angel, cứu hộ 16.000 vụ tai nạn, anh Việt và các thành viên đã quen dần với những hình ảnh đau thương và ám ảnh. Mục tiêu quan trọng nhất của họ là cứu người hiệu quả và nhanh nhất có thể, giúp người dân có cơ hội sống dù là mong manh nhất.
Cũng theo anh Việt, để không còn xảy ra những thảm họa thương tâm như vụ cháy vừa qua, mỗi người hãy trang tự bị cho mình những kỹ năng cần thiết để bảo vệ an toàn tính mạng bản thân trong các trường hợp khẩn cấp.
Anh Việt tập huấn kỹ năng sơ cứu cho các thành viên của FAS Angel (Ảnh NVCC) |
“Bước đầu tiên, cũng là yếu tố hàng đầu để sống sót khi hỏa hoạn xảy ra là phải thật sự bình tĩnh và nhanh chóng thực hiện các phương pháp thoát hiểm. Khi đám cháy nhỏ, hãy tìm cách dập lửa bằng bình bột, bình khí CO2, cát, chăn, nước hoặc những thứ khác mà bạn có thể kiếm được ngay quanh đó để dập lửa.
Nếu ngọn lửa không xuất phát từ phòng, tầng của bạn thì cần xác định rõ vị trí đám cháy và luồng khói để đưa ra kế hoạch thoát hiểm nhanh nhất cho bản thân và gia đình. Tuyệt đối không chui vào phòng và đóng chặt cửa vì khói lan rất nhanh, việc hít nhiều khói sẽ khiến con người hôn mê và tử vong.
Nếu lửa cháy ở khu vực ngoài hành lang làm cho bạn không có lối thoát ra, cách duy nhất lúc này là hãy di chuyển đến nơi có không gian rộng hơn, thoáng khí, chẳng hạn như ban công. Nhớ đóng kín cửa ban công, chèn khăn ướt để ngăn khói tràn ra.
Để chống nhiễm khói, mọi người nên lấy khăn hoặc tấm vải thấm nước (tận dụng nước uống có sẵn gần đấy) che kín miệng và mũi và tránh xa những không gian gây ngạt như phòng kín và các địa điểm có thể gây nổ như bình gas, tủ lạnh, máy lạnh…
Khi di chuyển, cần cúi khom và men theo tường. Khi mở cửa, cần kiểm tra nhiệt độ cánh cửa, tránh để lửa tạt vào người. Nếu nhiệt độ quá cao, phải tìm lối thoát hiểm khác. Nếu không có lối thoát, phải chạy ra cửa sổ, ban công ra hiệu và gọi điện cho cảnh sát phòng cháy chữa cháy. Không được nhảy từ tầng quá cao xuống đất nếu không có sự hướng dẫn của lực lượng cứu hộ. Dù có sợ hãi, bạn cũng không bao giờ được nấp dưới gầm giường hay phòng để đồ vì lính cứu hỏa sẽ rất khó tìm ra bạn”, anh Việt chia sẻ.
FAS Angel do anh Phạm Quốc Việt thành lập tháng 9/2019, hiện có hơn 150 tình nguyện viên, trong đó 60 thành viên nòng cốt. Mạng lưới báo tin của nhóm có tới 1.000 người khắp Hà Nội. Các thành viên của FAS Angel đa dạng độ tuổi, nghề nghiệp... đều được học, tập huấn và cấp chứng chỉ tại các trung tâm đào tạo về kỹ năng sơ cứu. Đều đặn mỗi ngày, họ tập hợp tại 12 điểm trực rải đều khắp Hà Nội. Khi nhận được thông tin tai nạn, đội sẽ xác nhận vị trí hiện trường và tình trạng nạn nhân. Những thành viên gần nhất ngay lập tức đến nơi sơ cứu nạn nhân. |