Đừng để văn hóa đọc là huyền thoại mà phải hiện hữu trong đời sống
Bà Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng vụ Thư viện Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phát biểu tại buổi họp cộng tác viên triển khai Đề án “Phát triển Văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” và Cuộc thi "Đại sứ Văn hóa đọc năm 2020"
Bài liên quan
First News nhận giải thưởng của Bộ VHTT&DL vì phát triển văn hóa đọc
Hội sách Hà Nội năm 2019: Lan tỏa văn hóa đọc và tinh thần hòa bình của Thủ đô
Đại sứ nhỏ mê sách, ham thiện nguyện
TP HCM: Ngày hội văn hóa đọc ở phố đi bộ Nguyễn Huệ
Cuộc họp diễn ra sáng 28/2 tại Hà Nội với sự tham gia của nhiều cơ quan thông tấn báo chí, các nhà xuất bản và các công ty để chung tay phát triển văn hóa đọc cho cộng đồng.
Đừng để văn hóa đọc chỉ là huyền thoại
Cụ thể, bà Vũ Dương Thúy Ngà nhấn mạnh, thời gian qua, Vụ Thư viện Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động tích cực để thực hiện 2 đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” và “Phát triển Văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”.
Bà Thúy Ngà nhận định: “Hai đề án thành công thì cũng chính là tích cực xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam, ủng hộ mọi người tiếp cận thông tin, tri thức, góp phần thực hiện xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo.
Thực tế, tất cả chúng ta đều thấy rất rõ việc đọc có vai trò hết sức quan trọng. Nếu như trước đây cha ông ta cho rằng trăm nghìn nghề thì nghề cao quý nhất là nghề đọc sách. Quan niệm đó bây giờ có thể thay đổi nhưng việc đọc luôn luôn rất quan trọng.
Lê Quý Đôn từng nói: “Dẫu có bạc vàng trăm ngàn lạng, không bằng kinh sử một vài pho”. Thời buổi này nhiều người cho rằng cần đến nhiều thứ, sách bị xếp xuống hàng nào đó. Chúng ta hãy làm thế nào để văn hóa học đọc không phải huyền thoại mà phải hiện hữu trong đời sống để cho tất cả mọi người quan tâm đến vấn đề này”.
Các cơ quan xuất bản, truyền thông và các công ty tham dự cuộc họp chung tay lan tỏa văn hóa đọc |
Bà Ngà cũng cho rằng, để phát triển Văn hóa đọc, khó khăn lớn nhất hiện nay là vấn đề nhận thức. Truyền thông đóng vai trò rất quan trọng trong thay đổi nhận thức.
“Trong 2 năm thực hiện đề án chúng tôi thấy có những bước phát triển hơn cả mong đợi ban đầu. Số lượng người đọc sách báo tăng đến hơn 50 triệu lượt người. Số sách báo thống kê tại thư viện công cộng của 30 tỉnh thành phố là hơn 180 triệu bản.
Điều đó nói lên thực tế không phải người Việt Nam không quan tâm đến việc đọc sách. Chỉ có điều là tổ chức việc đọc, kích thích văn hóa đọc như thế nào, điều kiện để mọi người tiếp cận thông tin và tri thức ra làm sao”, bà Ngà bày tỏ.
2020 là năm bản lề kết thúc giai đoạn một của hai đề án, chình vì vậy bà Vũ Dương Thúy Ngà mong các cơ quan truyền thông đóng góp tuyên truyền nhiều hơn nữa để nâng cao nhận thức của nhân dân, nâng cao văn hóa đọc, mang đến tâm hồn dồi dào cảm xúc, mang đến tri thức đầy ăm ắp, cho cuộc sống của chúng ta trở nên “giàu có” hơn.
Bức tranh sáng tối về triển khai phát triển văn hóa đọc
Những người đẩy mạnh việc phát triển Văn hóa đọc, thúc đẩy tình yêu sách cho biết khi họ đến với các em vùng sâu vùng xa, ngay cả tại những vùng ngoại thành Hà Nội thì đều thấy ánh mắt ngời sáng của các em học sinh, sự cảm động hân hoan của các bậc phụ huynh, thầy cô giáo trong khi thư viện công cộng đưa các xe đọc sách lưu động đến phục vụ người dân.
Chính vì thế, bà Vũ Dương Thúy Ngà rất tâm đắc khi nhận thấy thời gian vừa qua, sự xã hội hóa để mở các cuộc hội thảo, tập huấn về văn hóa đọc đã có những hiệu quả cụ thể. Tại các địa phương, tùy từng nơi có sự đầu tư lớn hơn.
Các bạn trẻ say sưa chọn mua sách tại Hội sách Hà Nội |
Có những tỉnh như Thái Bình, Quảng Ninh, Hưng Yên… ngay từ khi đề án phát triển Văn hóa đọc trong cộng đồng được phê duyệt họ đã có những kế hoạch rất cụ thể. Chẳng hạn họ đầu tư rất nhiều tiền để phát triển thư viện trường học, thư viện điện tử, hiện đại hóa các trang thiết bị thư viện.
Bà Thúy Ngà lấy ví dụ công an thành phố Cần Thơ quy định mỗi cán bộ nhân viên phải dành ra 30 phút đọc sách trong ngày. Các phạm nhân cũng được trang bị sách vở, xây dựng thói quen đọc sách mà từ đó giảm bớt các hoạt động tội phạm.
Trong khi đó, có những tỉnh một năm chỉ được cấp 40 triệu đồng cho việc trang bị sách cho thư viện. Đó là những bức tranh sáng tối để việc triển khai phát triển văn hóa đọc ở các địa phương, bộ ngành rất khác nhau.
Độc giả vẫn tranh thủ đọc sách mọi lúc mọi nơi |
Còn ở góc độ cá nhân, những đại sứ văn hóa đọc, các tấm gương điển hình về phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đã và đang làm rất tốt niềm tin và hoạt động lan tỏa tình yêu sách của mình.
Có thể đến thư viện “Không gian đọc Hy vọng” của chàng trai bị bệnh bại liệt Đỗ Hà Cừ mở ra rất hiệu quả tại Thái Bình thu hút đông đảo độc giả mọi lứa tuổi đến đọc sách.
Hay những em học sinh khiếm thị vì yêu quý sách mà muốn gửi món quà động viên tinh thần này đến các bạn bệnh nhân ung thư để giúp họ vượt qua nỗi đau, chiến thắng bệnh tật…
Rõ ràng, trong thực tế cuộc sống có những cuốn sách giúp thay đổi cuộc đời con người và vì thế, “bức tranh sáng tối” này cần phải được làm cho “đều màu” hơn nữa bằng các hoạt động cụ thể, thiết thực.
Khơi gợi tình yêu sách qua cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc 2020”
Để tiếp tục thúc đẩy thực hiện về đích các chỉ tiêu đặt ra của hai đề án, là cơ quan thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Vụ Thư viện Việt Nam sẽ tích cực triển khai các hội thảo, một số lớp tập huấn, đặc biệt là cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc 2020”.
Đây là lần thứ hai Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức với quy mô toàn quốc. Năm đầu tiên đã thu hút được hơn 500.000 học sinh, sinh viên tham gia. Con số đó không phải cực kì lớn nhưng cũng rất ấn tượng bởi thời gian tổ chức rất ngắn (quý I/2019). Bên cạnh đó, do ban đầu chỉ định dành cho đối tượng học sinh nhưng không ngờ cuộc thi đã thu hút được cả các em sinh viên với khoảng hơn chục trường đại học tham gia.
Năm nay, nhìn thấy được đối tượng sinh viên là đối tượng hết sức quan trọng, đông đảo và có thời gian, có điều kiện cũng như cần thiết phải đọc sách, Vụ Thư viện Việt Nam đã mở rộng ra nhiều trường đại học.
Theo đó, cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc năm 2002” là hoạt động dành cho các em học sinh, sinh viên, người khiếm thị với mục đích khơi dậy hứng thú, niềm đam mê đọc sách đối với lứa tuổi thanh thiếu niên nhi đồng. Từ đó sẽ khuyến khích, thúc đẩy phong trào đọc sách trong thế hệ trẻ, hình thành thói quen và kĩ năng đọc sách cho học sinh, sinh viên.
Các em nhỏ chăm chú "ngấu nghiến" những cuốn sách yêu thích vừa mua được |
Đây là yếu tố quan trọng góp phần phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng. Thông qua cuộc thi cũng tìm ra những gương mặt tiêu biểu để truyền cảm hứng và lan tỏa tình yêu đọc sách và văn hóa đọc.
Để triển khai cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc năm 2020” một cách có hiệu quả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành ba văn bản. Đó là Công văn về việc Hướng dẫn Cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc năm 2020”, thông báo và hướng dẫn các địa phương, trường đại học/học viện về địa điểm, thời gian tổ chức vòng sơ khảo, vòng chung kết, nội dung cuộc thi có thể lệ kèm theo, kinh phí và tổ chức thực hiện cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc năm 2020”.
Đó là Công văn gửi Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và công văn gửi Hội Người mù Việt Nam về việc tham gia phối hợp tổ chức Cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc năm 2020”.
Cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc năm 2020” có quy mô mở rộng hơn so với năm trước. Cuộc thi dành cho học sinh, sinh viên và các trường thuộc lực lượng vũ trang trên cả nước. Cuộc thi sẽ diễn ra hai vòng sơ khảo và chung khảo. Vòng sơ khảo được tổ chức do một số Bộ, ngành và các địa phương. Ban tổ chức vòng sơ khảo sẽ lựa chọn các bài dự thi xuất sắc nhất gửi về Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tham dự vòng chung kết vào tháng 7/2020.
Vòng chung kết được tổ chức tại Hà Nội. Lễ Tổng kết và trao giải cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc năm 2020” dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 9/2020. Ban Tổ chức sẽ trao khoảng 200 giải thưởng các loại cho các cá nhân, tập thể đạt thành tích xuất sắc.
Những tín hiệu vui
Bà Vũ Dương Thúy Ngà bày tỏ niềm vui mừng chia sẻ rằng Ban Tổ chức cuộc thi cảm thấy phấn khởi vì Bộ Công an, Bộ Quốc phòng rất quan tâm đến cuộc thi này. Hai bộ đã liên hệ đề xuất trở thành điểm tổ chức vòng sơ khảo. Hội Người mù Việt Nam cũng mong muốn trở thành điểm tổ chức sơ khảo chung cho tất cả các em học sinh khiếm thị tham gia, để lan tỏa tình yêu sách mạnh mẽ hơn.
Điều đó thể hiện cuộc thi này đang được các bộ ngành, địa phương rất quan tâm và đón đợi. Vì thế, Ban Tổ chức kì vọng sẽ có hơn 1 triệu học sinh, sinh viên tham gia.
Để thúc đẩy hai đề án hiệu quả và đi vào đời sống, nhiều các cơ quan, đơn vị cũng đã kí kết với Vụ Thư viện Việt Nam thúc đẩy văn hóa đọc, tăng cường phục vụ người dân học tập suốt đời.
Như vậy, đã đến lúc các cơ quan thể hiện sự quan tâm, chung tay hết sức quý báu cùng với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch là nơi được Thủ tướng Chính phủ giao trọng trách là cơ quan chủ trì thực hiện hai đề án này.
Đại diện Báo Tuổi trẻ Thủ đô bày tỏ quyết tâm đồng hành cùng Vụ Thư viện Việt Nam trong việc lan tỏa văn hóa đọc đến cộng đồng |
Trong rất nhiều nỗ lực để triển khai hai đề án thì cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc” thì một trong những hoạt động tích cực để hiện thực hóa ước mơ đưa sách và tri thức đến với đông đảo quần chúng nhân dân hơn. Những cuốn sách mang đến kiến thức, nuôi dưỡng khát vọng, bồi đắp tâm hồn và có thể làm thay đổi cuộc đời của chúng ta. Điều đó góp phần làm cho xã hội phát triển, làm cho đất nước phát triển.
Tại cuộc họp, các đơn vị xuất bản, truyền thông cũng đóng góp ý kiến làm sao hình thành thói quen, sống lại thói quen đã bị phôi phai, làm thế nào để việc đọc sách, học tập được đặt lên hàng đầu. Tin rằng, với sự chung tay của toàn xã hội, tình yêu với sách được lan tỏa rộng rãi để cùng với đọc sách, học tập suốt đời, mỗi người tự nâng cao kiến thức, tự hoàn thiện mình hơn, giúp xã hội văn minh, đất nước tiến bộ hơn nữa.