Đường về nhà là vào tim ta...
Cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản phải tập trung, thống nhất Điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội TP Hồ Chí Minh: Xây đựng đề án về quản lý nhà trọ |
Chốn đi về của người trẻ dịp nghỉ lễ
Anh Nguyễn Văn Hùng (27 tuổi) là nhân viên văn phòng làm việc tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Vì công việc bận rộn, anh ít có dịp về thăm quê nhà ở Hà Tĩnh. Năm nay, anh Hùng quyết định về quê vào dịp nghỉ lễ Quốc khánh (2/9) để thăm gia đình và bạn bè.
Anh Nguyễn Văn Hùng kể, mỗi dịp nghỉ lễ dài ngày, anh thường về với bố mẹ. “Trên chuyến xe về quê, mình luôn cảm thấy hồi hộp, háo hức bởi lần nào cũng là một thời gia khá lâu không được gặp bố mẹ, anh chị em. Nhớ mỗi lần chiếc xe dừng lại ở bến, mình nhìn thấy bố mẹ đứng chờ. Nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt của bố mẹ khiến mình cảm thấy ấm lòng”, anh Hùng chia sẻ.
Anh nhớ lại, mỗi lần về nhà lại được mẹ chuẩn bị cho bữa cơm gia đình ấm cúng. Những món ăn quen thuộc như cá kho tộ, canh rau đay và thịt luộc chấm mắm tép khiến anh Hùng nhớ lại những kỷ niệm thời thơ ấu. Cả gia đình quây quần bên nhau, trò chuyện, cười đùa. Buổi tối, anh cùng người thân đi dạo quanh làng. Họ cùng nhau ghé thăm nhà ông bà, cô bác, gặp lại những người bạn cũ. Mọi người cùng chia sẻ những câu chuyện vui buồn, kỷ niệm đáng nhớ.
Trong mỗi dịp nghỉ lễ, nhiều người chọn về sum họp với gia đình |
Những dịp nghỉ lễ không chỉ còn là cơ hội để mọi người trở về nhà, với những giá trị gia đình và tình thân. Anh Hùng bày tỏ: “Mình rất tâm đắc và nhớ mãi câu hát, cũng là tiếng lòng của người con xa quê: “Đường về nhà là vào tim ta, dẫu nắng mưa gần xa / Thất bát, vang danh, nhà vẫn luôn chờ ta…”.
Năm nay, chị Nguyễn Ngọc Mai (26 tuổi) - nhân viên ngân hàng làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh từ chối lời mời gọi đi du lịch của nhóm bạn thân và quyết định đặt vé máy bay về Hà Nội vào dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9.
Chị Mai chia sẻ: “Từ đầu năm đến nay, mình mới có dịp để về nhà. Công việc, các mối quan hệ bận lu bù quá. Nhiều khi nhớ nhà, thương bố mẹ lắm mà không thể ở bên cạnh”.
Chị Nguyễn Ngọc Mai nhớ lại ngày 2/9 năm ngoái cũng trở về bên gia đình. Buổi sáng ngày nghỉ đầu tiên, chị cùng mẹ ra chọn một bó hoa ly rực rỡ sang nhà bà nội cắm nhân ngày sinh nhật của bà. Chị cảm thấy rất hạnh phúc vì đã mang niềm vui nho nhỏ, bất ngờ đến cho bà nội - người mà chị luôn hết mực yêu thương, kính trọng.
“Mình thấy không nhất thiết phải đi chơi, du lịch mà trở về nhà cùng bố mẹ, anh chị em và nghỉ ngơi tận hưởng niềm vui theo cách của riêng mình cũng vô cùng hạnh phúc”, chị Mai nói.
Khi đã lớn, thời gian về nhà càng trở nên hiếm hoi
Nhiều bạn trẻ chia sẻ những dòng cảm xúc trên mạng xã hội Facebook: “Sắp nghỉ lễ 2/9 rồi, con có về nhà không?. Vẫn như thường lệ, mỗi dịp nghỉ lễ, bố mẹ lại hỏi có về nhà không? Chỉ được nghỉ ngắn ngày nên tớ bảo sẽ không về. Ở đầu dây bên kia, tớ nghe được tiếng mẹ thở dài khe khẽ: “Ừ, thôi nghỉ ngắn ngày, con cứ ở lại nghỉ ngơi, được nghỉ dài hơn rồi về cũng được…”.
Bạn có về nhà dịp 2/9 không là câu hỏi được nhiều người quan tâm và chia sẻ |
Bố thì bảo: “Mấy khi có dịp, con xin nghỉ thêm vài ngày và tranh thủ đi về đi”. Những lời nói của bố mẹ tuy nhẹ nhàng nhưng ẩn sau đó là sự quan tâm, là mong muốn gia đình được sum vầy đoàn tụ, dù chỉ trong khoảnh khắc ngắn ngủi. Lớn rồi, thời gian về nhà lại càng trở nên hiếm hoi. Mỗi ngày trôi qua, bố mẹ lại già đi một chút mà mỗi người thì lại xa nhà thêm một chút”.
Nhiều người đọc những dòng cảm xúc ấy đều bâng khuâng, xúc động. Họ tiếp nối mạch nguồn bằng những dòng tâm sự của riêng mình. Có bạn chia sẻ: “Giờ mới trải qua cảm giác xa nhà… Em là sinh viên năm thứ nhất, cảm giác xa nhà rất khó chịu trong lòng nhưng không thể nào giải tỏa được”.
Cuộc sống không phải lúc nào cũng cho phép chúng ta ở bên cạnh những người thân trong gia đình. Nhiều người phải xa quê hương để mưu sinh, học tập, làm việc. Guồng quay hối hả của cuộc sống mấy ai tránh được. Lòng hiếu thảo, sự quan tâm dành cho đấng sinh thành vẫn luôn hiện hữu nhưng nhiều khi khó nói thành lời hoặc chẳng thể thực hiện vẹn tròn bởi khoảng cách xa xôi và cuộc sống còn biết bao lo toan cơm, áo, gạo tiền, vướng bận con cái.
Để rồi mỗi khi gọi điện thoại hỏi thăm bố mẹ, kết thúc là câu hỏi nhỏ “Thế bao giờ con mới về nhà?” khiến lòng ta nghèn nghẹn. Rồi đến một lúc nào đó chúng ta chợt nhận ra, từng ngày trôi qua bố mẹ đã già, tuổi tác chẳng bỏ quên ai cả. Bóng thời gian nhuộm bạc màu tóc bố mẹ. Giây phút ấy, nhiều người con giật mình tự hỏi: Bao lâu rồi ta chưa về nhà? Chưa trò chuyện với bố? Chưa ăn một bữa cơm cùng mẹ cha và gia đình...