EVNNPC đẩy nhanh chuyển đổi số, tự động hóa các thiết bị điện
Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Thiện cùng các cán bộ lãnh đạo EVNNPC làm việc với lãnh đạo Tập đoàn ABB |
Tính đến tháng 5/2022, EVNNPC đã hoàn thành 9/11 nhiệm vụ Tập đoàn giao chung các Tổng công ty thực hiện giai đoạn 2021-2022 gồm: 1) Hoàn thiện CSDL của hệ thống phần mềm PMIS; 2) Sửa chữa bảo dưỡng khai thác hiệu quả thiết bị; 3) Xây dựng cho CBCNV trong lĩnh vực kỹ thuật 1 Dashboard để khai thác dữ liệu thuận lợi nhất; 4) Đấu thầu qua hệ thống điện tử của Bộ KH&ĐT; 5) Hồ sơ điện tử; 6) Ứng dụng các công nghệ mới trong khảo sát, thiết kế; 7) Dịch vụ trực tuyến; 8) Văn phòng số; 9) Hệ thống Báo cáo điều hành.
Song song với đó, Tổng công ty đã hoàn thành 6/12 nhiệm vụ do EVNNPC đăng ký với Tập đoàn giai đoạn 2021-2025 gồm: 1) Dự án phần mềm quản lý máy biến áp; 2) Phần mềm tính toán tổn thất điện năng lưới điện; 3) số hóa lĩnh vực tài chính kế toán; 4) Lĩnh vực kỹ thuật vận hành, số hoá toàn bộ các đầu sổ, lý lịch thiết bị; 5) Dự án nâng cấp phần mềm ECP; 6) Xây dựng Trung tâm giám sát và thu thập dữ liệu tại trụ sở Tổng công ty - 20 Trần Nguyên Hãn, Hà Nội.
Trong số 6 nhiệm vụ còn lại, EVNNPC đang tiếp tục thực hiện 4 nhiệm vụ dự kiến hoàn thành trong năm 2022 và 2 nhiệm vụ hoàn thành trong giai đoạn đến năm 2025.
Đại diện Tập đoàn ABB giới thiệu với Tổng Giám đốc EVNNPC về thế mạnh sản xuất các công nghệ tự động |
EVNNPC cũng đã xây dựng cho CBCNV trong lĩnh vực kỹ thuật 1 Dashboard (giao diện số) để khai thác dữ liệu thuận lợi nhất, hoàn thành 23/23 Dashboard và 33/33 biểu báo cáo quản lý công tác kỹ thuật của PMIS trên Dashboard. Hoàn thiện Cơ sở dữ liệu của hệ thống phần mềm PMIS (100% nhóm thiết bị lưới điện 110kV, Thiết bị phụ trợ TBA 110kV, Nhóm thiết bị trung thế).
Trong thời gian tới EVNNPC tiếp tục rà soát hiệu chỉnh phần đường dây trung áp bao gồm các vị trí cột, xà, sứ, dây, CSV (chống sét van) và hiệu chỉnh thuộc tính tính theo thống nhất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sau khi EVNICT chạy đồng bộ cho cả 5 Tổng công ty….100% dịch vụ điện trực tuyến mức độ 4 được cung cấp và số khách hàng tham gia giao dịch trực tuyến mức độ 4 với tỷ lệ 100%, tỷ lệ khách hàng giao dịch theo phương thức điện tử đạt 90%. 42/43 đơn vị trong EVNNPC đã triển khai Văn phòng điện tử Doffice.
Từ tháng 3/2021, EVNNPC đã hoàn thành xây dựng phần mềm quản lý MBA và đưa vào khai thác sử dụng. Chương trình giúp quản lý hồ sơ các TBA, MBA, quản lý thông tin treo tháo, thí nghiệm MBA; Quản lý thông số, tình trạng vận hành MBA thông qua số liệu từ hệ thống đo xa… giúp nâng cao đáng kể công tác quản lý vận hành khối kỹ thuật; Xây dựng và đưa vào khai thác phần mềm tính toán tổn thất điện năng lưới điện. Hiện nay phần mềm tính toán tổn thất điện năng kỹ thuật trên lưới điện trung áp NEMO cơ bản đã đáp ứng được nhiệm vụ xác định giá trị tổn thất điện năng kỹ thuật trên lưới trung áp, hỗ trợ các đơn vị đánh giá được tình hình vận hành đường dây trong tháng, quý. Số hoá thành công quy trình nội bộ trong lĩnh vực Tài chính kế toán, kinh doanh… thời gian tới Tổng công ty tiếp tục triển khai dự án số hoá quy trình nội bộ giai đoạn 2…
Cán bộ, nhân viên EVNNPC kiểm tra đảm bảo an toàn truyền tải điện |
Liên quan đến công tác đẩy nhanh chuyển đổi số, ngày 2/6 vừa qua, Tổng Giám đốc EVNNPC Nguyễn Đức Thiện đã tiếp và làm việc với lãnh đạo Tập đoàn ABB - Tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực, sản xuất robot, các thiết bị điện (tủ điện, biến áp), các công nghệ tự động, UPS, năng lượng mặt trời…
Tại buổi làm việc, Tổng Giám đốc EVNNPC cho biết, trong giai đoạn hiện nay mỗi năm EVNNPC xây dựng khoảng 100 công trình máy biến áp 110kV và nhiều công trình lưới điện trung hạ áp được xây mới, đưa vào vận hành. Chính vì vậy, đây là thời điểm mà Tổng công ty đang phải đẩy nhanh việc thực hiện chuyển đổi số, tự động hóa, số hóa các thiết bị từ hệ thống 110kV đến hệ thống công tơ bán điện cho khách hàng đang được điện tử hóa và số hóa thiết bị trên lộ trình chuyển đổi số.
Hiện EVNNPC có gần 300 trạm biến áp 110kV đã được điều khiển xa và không người trực; Toàn bộ thiết bị đóng cắt trên thiết bị trung áp đã được đưa tín hiệu về Trung tâm điều khiển xa để thao tác khép vòng cũng như việc thao tác đóng cắt từ xa RMS và Recloser. Thao tác đóng, cắt và điều khiển được ứng dụng với những phần mềm của các hãng trên thế giới cung cấp và sản phẩm phần mềm tự nghiên cứu đã và đang mang lại hiệu quả trong công tác phát triển tự động hóa và chuyển đổi số trong hệ thống lưới điện của miền Bắc, ông Thiện cho biết thêm.
Như vậy có thể khẳng định, chuyển đổi số đang được EVNNPC ứng dụng trong mọi mặt hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều này phù hợp với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và các chủ trương, chính sách của Chính phủ về số hóa tất cả các lĩnh vực.