Gây thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước có thể bị phạt 20 năm tù
Như báo Tuổi trẻ Thủ đô đã thông tin, ngày 1/8 Cơ quan CSĐT (C03) Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 7 bị can để điều tra hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” xảy ra tại Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị thuộc Sở Xây dựng thành phố Hà Nội, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội và các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan; Khởi tố vụ án “Buôn lậu” xảy ra tại thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.
![]() |
Các bị can (từ trái qua phải): Nguyễn Xuân Hanh; Đỗ Quang Tiến; Đỗ Khắc Tú Anh; Nguyễn Thị Ngọc Lâm; Nguyễn Tuấn Nghĩa; Kiều Thị Thúy; Hoàng Đình Văn |
Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô về vụ việc trên, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Tổng giám đốc Công ty Công viên cây xanh Hà Nội và 6 đồng phạm khác bị khởi tố hình sự về tội vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát lãng phí, với chế tài được pháp luật quy định có thể lên đến 20 năm tù.
“Đây là một trong các tội phạm về chức vụ theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015. Tội danh được áp dụng đối với những người có chức vụ, quyền hạn, được giao quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước nhưng đã vi phạm quy định về chế độ quản lý tài sản gây thất thoát, lãng phí, gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước.
Cụ thể quy định tại Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015 tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí sẽ bị xử phạt đến 20 năm tù. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Như vậy, theo quy định của pháp luật thì chủ thể của tội phạm là người có chức vụ quyền hạn, là người được Nhà nước giao quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước nhưng đã vi phạm quy định về quản lý tài sản gây thất thoát, lãng phí từ 100 triệu đồng trở lên thì sẽ bị xử lý hình sự. Phạm tội gây thất thoát, lãng phí 1 tỷ đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm. Trong vụ án này, bước đầu cơ quan điều tra xác định tài sản bị thất thoát lãng phí khoảng 30 tỷ đồng, bởi vậy các đối tượng sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 10 năm đến 20 năm tù”, luật sư Cường nói.
![]() |
Luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn Luật sư TP Hà Nội |
Luật sư Đặng Văn Cường phân tích, thông tin từ phía cơ quan điều tra (C03) cho biết: Trong quá trình thực hiện chương trình trồng mới, thay thế, bổ sung, chăm sóc cây xanh trên địa bàn thành phố Hà Nội, các đối tượng và một số đối tượng khác đã có hành vi thông đồng nâng khống giá trị cây, hợp thức hồ sơ dự toán để phê duyệt đặt hàng làm căn cứ thanh quyết toán trái quy định pháp luật gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản Nhà nước.
Bước đầu xác định trong quá trình thực hiện 2 hợp đồng các bị can đã nâng khống giá một số loại cây, chủ yếu là cây chà là và cây bàng lá nhỏ, trong tổng số trên 17 loại cây theo hợp đồng, gây thiệt hại tài sản Nhà nước khoảng 30 tỷ đồng. Ngoài ra, cơ quan điều tra xác định một số cây trồng mới, thay thế, bổ sung được các đối tượng nhập lậu từ Trung Quốc về Việt Nam.
Như vậy, hành vi phạm tội mà cơ quan điều tra đang xác định là cùng nhau có hành vi nâng khống giá chị cây xanh để lấy tiền từ ngân sách Nhà nước sau đó chia nhau chiếm đoạt. Đây là hành vi sử dụng lãng phí tài sản Nhà nước gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Bởi vậy, với số tiền chiếm đoạt của Nhà nước được xác định là 30 tỷ đồng thì Cơ quan tố tụng sẽ buộc các đối tượng phải hoàn trả lại, đồng thời các đối tượng phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật nêu trên.
Trong quá trình điều tra cơ quan điều tra sẽ xác định đối tượng nào là chủ mưu cầm đầu, đối tượng nào có vai trò trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội, đối tượng nào có vai trò giúp sức xúi giục cho các đối tượng khác thực hiện hành vi phạm tội…
Đây mới chỉ là giai đoạn điều tra vụ án, trách nhiệm của cơ quan điều tra là sẽ thu thập các tài liệu chứng cứ để chứng minh tội phạm. Trường hợp các đối tượng thừa nhận hành vi phạm tội và nội dung lời thừa nhận phù hợp với các tài liệu chứng cứ khác mà cơ quan điều tra đã thu thập được thì đó là căn cứ để buộc tội các bị can. Trường hợp các bị can không thừa nhận hành vi phạm tội nhưng cơ quan tố tụng có đầy đủ căn cứ, chứng cứ vật chất để chứng minh hành vi phạm tội thì tòa án vẫn căn cứ vào các chứng cứ được làm rõ tại phiên tòa để buộc tội đối với các bị can, bị cáo…
Đối với các đối tượng có hành vi buôn lậu thì cơ quan điều tra sẽ xử lý về tội buôn lậu theo quy định Tại Điều 88 của Bộ luật Hình sự năm 2015. Tội buôn lậu tại Điều 188 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) là hành vi buôn bán trái phép hàng hóa, tiền tệ, kim khí quý, đá quý, di vật, cổ vật qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại. Với vật phạm pháp trị giá từ 1 tỷ đồng trở lên thì đối tượng phạm tội sẽ phải đối mặt với mức hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm tù.
Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra cũng sẽ mở rộng điều tra vụ án xem xét trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước trong việc tổ chức đấu thầu, giám sát quá trình triển khai các gói thầu để quản lý tài sản của Nhà nước. Nếu có hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng thì cũng sẽ tiếp tục khởi tố vụ án hình sự và xử lý đối với những người có liên quan theo quy định của pháp luật.
Nếu kết quả điều tra có căn cứ cho thấy có người có chức vụ quyền hạn liên quan đến quản lý tài sản của Nhà nước nhưng đã thiếu trách nhiệm không thực hiện hoặc thực hiện không đúng chức trách nhiệm vụ được giao dẫn đến việc các đối tượng này đã lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội thì những người có trách nhiệm này sẽ bị xử lý hình sự về Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 360, Bộ luật Hình sự
Trường hợp có căn cứ cho thấy có người có chức vụ quyền hạn đã nhận tiền hoặc lợi ích vật chất của các bị can để thực hiện công việc theo yêu cầu của các bị can (để các bị can hợp thức hóa hồ sơ nâng khống giá gói thầu, để các bị can được trúng thầu...), khiến các bị can có cơ hội thực hiện hành vi phạm tội thì người nhận tiền sẽ bị xử lý về tội nhận hối lộ theo Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015 còn đối tượng đã mua chuộc cán bộ Nhà nước sẽ bị xử lý hình sự về tội đưa hối lộ theo Điều 364 Bộ luật Hình sự năm 2015...
Trường hợp có căn cứ cho thấy ngoài các bị can đã bị khởi tố, còn có các cán bộ khác của cơ quan Nhà nước có vai trò chủ mưu hoặc giúp sức cho các đối tượng sử dụng trái phép tài sản của Nhà nước cũng sẽ bị xử lý với vai trò đồng phạm về tội vi phạm về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí theo tội danh và hình phạt nêu trên.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Kỳ Sơn (Nghệ An): Người đàn ông nghi bị vợ sát hại khi đang ngủ

Gia Lai: Khẩn trương điều tra vụ nữ giáo viên tử vong bên đường

Yên Định (Thanh Hoá): Bắt giữ đối tượng trộm cắp tài sản

Bắt đối tượng gây rối tại chốt bảo vệ đón đoàn khách quốc tế

Tài xế dùng gậy bóng chày đánh người, có thể bị phạt tù

Cao Bằng: Một đối tượng đâm xe khiến Thiếu tá công an bị thương

Quế Phong (Nghệ An): Bắt đối tượng mua bán ma túy, thu giữ 800 viên hồng phiến

Bắt nhóm đối tượng bán thuốc giả tăng cường sinh lý đàn ông

Quảng Nam: Bắt 13 đối tượng xâm nhập trái phép tài khoản Facebook
