Ghi nhận 5 ổ dịch tay chân miệng tại trường mầm non
Cụ thể, theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong hai tuần trở lại đây, số ca mắc tay chân miệng trên địa bàn thành phố bắt đầu có xu hướng gia tăng, với khoảng 60-70 ca/tuần.
Tính trong tuần vừa qua (kết thúc vào ngày 29/3), thành phố ghi 77 ca bệnh tay chân miệng, tăng 15 ca so với tuần trước đó; đặc biệt, ghi nhận 3 ổ dịch tại 3 trường mầm non.
Học sinh thường xuyên thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, rửa tay bằng xà phòng |
Tổng số ổ dịch từ đầu năm 2024 đến nay là 5 ổ dịch, tổng số ca mắc trên 300 trường hợp, tăng 75 trường hợp so với cùng kỳ năm ngoái.
Trên phạm vi cả nước, số ca mắc tay chân miệng trong 3 tháng đầu năm 2024 khoảng 6.700 trường hợp, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Theo CDC Hà Nội, tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút đường ruột nhóm Enterovirus gây ra, dễ lây truyền từ người sang người theo đường tiêu hóa, đường hô hấp và tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, dịch tiết mũi họng, dịch nốt phỏng vỡ (do vi rút ở trong phân, dịch hắt hơi, dịch sổ mũi, nước hoặc thực phẩm bị nhiễm bệnh, đồ chơi, môi trường tiếp xúc...).
Do đó, nhằm giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh tay chân miệng trong môi trường học đường, các nhà trường cần đẩy mạnh tuyên truyền nội dung phòng bệnh cho giáo viên, cán bộ, phụ huynh và học sinh.
Cụ thể, các trường vận động phụ huynh, học sinh thường xuyên thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, rửa tay bằng xà phòng tại hộ gia đình; bố trí đủ bồn rửa tay có vòi nước và xà phòng ở những vị trí thuận lợi cho học sinh rửa tay.
Nhà trường hướng dẫn học sinh rửa tay đúng cách, thường xuyên với nước và xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Riêng đối với các trường mẫu giáo, cơ sở trông giữ trẻ thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.