Gia nhập Mạng lưới thành phố sáng tạo: Thêm tiềm lực để Hà Nội phát triển bền vững
Hà Nội tiếp tục sử dụng sáng tạo như một động lực phát triển bền vững
Bài liên quan
Hà Nội chính thức gia nhập Mạng lưới thành phố sáng tạo
Lễ hội tôn vinh nét văn hoá và sáng tạo của Hà Nội
Cơ hội định vị thương hiệu
Cuối tháng 10/2019, Tổng Giám đốc Tổ chức UNESCO Audrey Azoulay đã ký quyết định công nhận Hà Nội cùng 65 thành phố khác trên thế giới chính thức gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.
Trước khi trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO về lĩnh vực thiết kế, Hà Nội sẵn có nền tảng của lĩnh vực thiết kế sáng tạo liên quan đến lịch sử và phát triển của thành phố.
Công trình kiến trúc có lịch sử lâu đời như Hoàng Thành Thăng Long chứng minh dấu ấn thiết kế đầu tiên tại Hà Nội. Rồi tới Nhà hát Lớn Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đều thể hiện sức sáng tạo trong thiết kế, mang kiến trúc bản địa, Pháp, Trung Quốc.
Ngày nay, công trình kiến trúc đương đại tiêu biểu như cầu Nhật Tân với 5 tháp trụ được chiếu sáng tượng trưng cho 5 cửa ô của Hà Nội cũng khẳng định sự sáng tạo trong thiết kế. Gần gũi hơn, thiết kế sáng tạo của các nghệ nhân, thợ giỏi làng nghề truyền thống tạo nên sự đa dạng cho sản phẩm thủ công: Gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, sơn mài Hạ Thái… để không chỉ sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày mà có thể ứng dụng vào trang trí nội thất, quà tặng, trang sức, sắp đặt trưng bày thành các biểu tượng văn hóa…
Những năm gần đây, Hà Nội triển khai rất nhiều chương trình, dự án lớn trong lĩnh vực sáng tạo thiết kế, phục vụ đời sống văn hóa của người dân. Điển hình như: Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm; Không gian bích họa Phùng Hưng; Hợp tác xã Vụn Art (mái nhà của người khuyết tật thiết kế tranh ghép từ những mảnh vải vụn); dự án Tinh hoa làng nghề Việt Nam (hoạt động thiết kế sáng tạo đương đại, kết nối thủ công mỹ nghệ truyền thống); dự án trồng mới 1 triệu cây xanh; đề án Tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội; không gian kiến trúc văn hóa Bảo tàng Hà Nội…
Trước khi trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO về lĩnh vực thiết kế, Hà Nội sẵn có nền tảng của lĩnh vực thiết kế sáng tạo |
Theo bà Phạm Thị Lan Anh - Trưởng Phòng Quản lý di sản thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, thành phố có bề dày nghìn năm văn hiến với kho tàng di sản văn hóa to lớn, đồng thời cũng là nơi tập trung nhân tài, trí tuệ của cả nước. Các yếu tố này trở thành lợi thế trong việc tiếp nhận và phổ biến tri thức, giáo dục, công nghệ mới. Hà Nội sẽ sử dụng các tài sản văn hóa này thành động lực phát triển các lĩnh vực thiết kế sáng tạo; tập trung vào việc sử dụng thiết kế sáng tạo để xây dựng thành một thành phố năng động, bền vững.
Nhiều thay đổi chiến lược với hạt nhân sáng tạo
Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa, nghệ thuật, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, việc lãnh đạo TP Hà Nội đã lựa chọn lĩnh vực thiết kế trong hồ sơ đăng ký là một lựa chọn có tầm nhìn của chính quyền Hà Nội, vì nếu lựa chọn một lĩnh vực cụ thể thì nó lại không bao hàm được hoạt động của các lĩnh vực khác. Ví dụ như, nếu chọn ẩm thực thì điện ảnh, nghệ thuật sẽ không có cơ hội… Trong khi, thiết kế là nội dung có thể bao hàm nhiều lĩnh vực, cả trong nghệ thuật, ẩm thực, thủ công mỹ nghệ…
Không những thế, việc trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO sẽ là động lực để Hà Nội tạo nên những thay đổi chiến lược trong những năm tới. Kể từ bây giờ, mọi định hướng phát triển của Hà Nội sẽ đều phải tính đến yếu tố sáng tạo. Khi triển khai các dự án, chương trình phát triển trong xây dựng, quy hoạch thành phố, phát triển nông nghiệp, thủ công nghiệp, nghệ thuật… đều phải có hạt nhân sáng tạo trong đó. Đây sẽ là điều kiện để chúng ta thống nhất nguồn lực, tạo ra một sức mạnh chung cho sự phát triển của Hà Nội.
Việc này cũng giúp Hà Nội phát triển bền vững hơn bởi các thành phố sáng tạo đều hướng đến phát triển bền vững, khai thác được yếu tố về sáng tạo, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng tính liên kết cộng đồng…
Cũng theo tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, thương hiệu mới đến vào lúc Hà Nội đang rất ngổn ngang, với liên tục những sự cố xảy ra. Ngay cả câu chuyện về các không gian sáng tạo, vốn được khởi động cách đây mấy năm hiện cũng đang gặp nhiều trở ngại, sự phát triển không được như kỳ vọng. Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra cho thành phố Hà Nội là rất lớn với nhiều việc phải làm.
Ðầu tiên, thành phố phải tập trung vào việc nâng cao nhận thức về không gian sáng tạo đối với sự phát triển của Thủ đô; từ đó, nâng cao vai trò của sáng tạo, lồng ghép vào tất cả các chiến lược phát triển, các hành động cụ thể, trong đó yếu tố sáng tạo phải là yếu tố quan trọng nhất.
Tiếp đó, Hà Nội phải có những kế hoạch cụ thể, định hướng cho sự phát triển của Thủ đô và cần đầu tư nhiều hơn cho các hoạt động sáng tạo, có những chính sách về thuế, xây dựng các quy định về địa vị pháp lý cho các không gian hay những hỗ trợ khác để các không gian, ý tưởng sáng tạo có thể trở thành nét đặc trưng cho Hà Nội.
“Có một thực tế là ở Việt Nam thời gian qua chúng ta mới chỉ nghĩ nhiều đến danh hiệu, mà chưa nghĩ đến việc phát huy, tận dụng, khai thác hiệu quả các danh hiệu có được. Theo tôi, việc sở hữu nhiều danh hiệu có ý nghĩa tích cực. Vấn đề ở đây là chúng ta làm sao để các danh hiệu này mang lại những tác động có ý nghĩa thực chất.” - Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn chia sẻ.
Hiện trong chương trình hành động của thành phố có nhiều hoạt động như: Xây dựng trung tâm sáng tạo, thành phố thông minh, các chương trình nghệ thuật, tổ chức các quỹ văn hóa… nhằm tiếp tục sử dụng sáng tạo như một động lực phát triển bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, nghệ thuật, giáo dục…
Với thương hiệu của thành phố sáng tạo về thiết kế, Hà Nội có thể xây dựng và thúc đẩy vị trí cạnh tranh trong thu hút đầu tư quy mô lớn, tập trung các chương trình phát triển giáo dục, các sự kiện văn hóa gắn với tầm nhìn phát triển bền vững. Bản thân mỗi người Hà Nội cũng cần phát huy hơn nữa tính sáng tạo của mình trong mọi lĩnh vực, để sự sáng tạo trở thành chất liệu, động lực phát triển Thủ đô trong những năm tới.